Nhiều quan điểm mới thể hiện tầm nhìn mới trong Nghị quyết này về khu vực kinh tế tư nhân bị kìm hãm lâu nay rất đáng thảo luận, phổ biến. Bài viết này chỉ đề cập đến một khía cạnh đang được xã hội quan tâm sâu sắc: Việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Trước hết, xin trích dẫn chỉ đạo của Nghị quyết liên quan đến nội dung này, theo đó Mục 2.3 về tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm đưa ra quan điểm như sau:
“Thứ nhất, sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để đảm bảo nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến sự hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.
Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng, phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân.
Đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án".
Chủ trương này cũng đồng điệu với tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới do Tổng Bí thư Tô Lâm ký ngày 30/4 vừa rồi, trong đó khẳng định: “Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự; không dùng biện pháp hành chính để can thiệp, giải quyết các tranh chấp dân sự, kinh tế”.
Như vậy, Đảng đã có cách tiếp cận rất rõ ràng để bảo vệ các doanh nhân khi đưa ra các chủ trương như trên, và tất nhiên, không hề dung túng cho họ khi họ cố tình vi phạm pháp luật.
Không ai phủ nhận sự cần thiết của luật pháp nghiêm minh. Nhưng nghiêm minh không đồng nghĩa với hình sự hóa bằng mọi giá. Ảnh: Nguyễn Huế
Nhiều trường hợp trong thực tế
Khi xây dựng dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự cách đây gần 10 năm, từng có kiến nghị rằng phải phạt tiền gấp hàng chục lần cho tội thao túng chứng khoán, nhưng tiếc là ý kiến này chỉ được tiếp thu không đầy đủ.
Kết quả là tội thao túng chứng khoán trong Bộ Luật cực kỳ quan trọng này chỉ dừng ở mức xử phạt cao nhất đến 2 tỷ đồng, và phạt tù.
Các luật sư cho rằng, khi thao túng chứng khoán mà nhà đầu tư thu lợi đến 1.000 tỷ đồng thì phạt họ 2 tỷ đồng, thậm chí phạt tù chả thấm vào đâu. Còn nếu phạt tiền gấp “hàng chục lần” cho tội trên, thì họ có thể nhìn thấy trước khả năng bị phạt đến mức "khuynh gia bại sản" nên không dám vi phạm.
Bài học từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một minh chứng sống động. Sau hàng loạt vụ bắt giữ, thị trường đóng băng, niềm tin nhà đầu tư sụt giảm, dòng vốn đứt gãy, kéo theo bất động sản, tài chính, ngân hàng đều lao đao. Chính phủ phải can thiệp bằng hàng loạt chỉ đạo, sửa nghị định và đối thoại doanh nghiệp để cứu thị trường.
Nếu ngay từ đầu, có các quy định rõ ràng hơn, chế tài kinh tế nặng tay hơn, và cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả hơn, liệu có cần phải trả cái giá lớn như vậy không?.
Ở góc độ khác, gần đây lại có nhiều ý kiến đề xuất “xử lý hình sự” hành vi bỏ cọc trong đấu giá tài sản công trong quá trình sửa đổi Luật Đấu giá tài sản. Một số ít vụ bỏ cọc như đấu giá cát, đấu thầu đất bị quy kết là “thổi giá” đã góp phần tạo nên cảm giác “tràn lan” mà thực tế lại là ngoại lệ. Và thật nguy hiểm khi chính sách bị điều chỉnh để giải quyết những ngoại lệ, thay vì tạo điều kiện cho đa số tuân thủ trong bối cảnh mỗi năm có khoảng 40.000 cuộc đấu giá trong suốt 5 năm qua. Bỏ giá cao rồi bỏ cọc, nếu có yếu tố trục lợi, cần bị xử lý bằng các chế tài thích đáng. Nhưng hình sự hóa là một lối đi cực đoan. Thay vì chứng minh hành vi gian lận qua quy trình tố tụng dân sự hay trọng tài kinh tế - vốn đúng bản chất của một quan hệ kinh tế - thì việc quy kết hình sự sẽ gây hậu quả sâu rộng: doanh nghiệp sụp đổ, người lao động mất việc, nhà nước thất thu, và trên hết làm tê liệt tinh thần kinh doanh.
Tất nhiên, còn vô vàn ví dụ khác về xu hướng hình sự hóa các quan hệ kinh tế đang dần trở nên phổ biến. Nhà nước và xã hội được lợi gì nếu bắt bỏ tù một doanh nhân? Và đó là một con đường đầy rủi ro nếu chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường phát triển, văn minh và bền vững.
Trên thế giới, các nước theo mô hình kinh tế thị trường thường dùng chế tài kinh tế - phạt nặng, thu hồi lợi ích bất chính - để điều chỉnh hành vi sai phạm. Họ không vội vã tước đi tự do cá nhân, trừ phi có hành vi đặc biệt nghiêm trọng và không còn cách nào khác.
Hình sự hóa có thực sự đạt mục tiêu?
Mục đích tối thượng trong xử lý các hành vi sai phạm kinh tế không phải là “trừng phạt” mà là khắc phục hậu quả. Nếu tài sản chiếm đoạt không được thu hồi, nếu thiệt hại cho người dân và Nhà nước không được bù đắp, thì xử tù dù là 10 năm, 20 năm hay chung thân cũng không làm nền kinh tế tốt lên.
Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc xử lý hình sự đình đám trong thời gian gần đây dù nặng tay vẫn không thu hồi được tài sản đã mất. Trong khi đó, ở một số trường hợp, các biện pháp kinh tế như yêu cầu nộp lại toàn bộ số tiền, chế tài tài chính mạnh, lại đem lại hiệu quả trực tiếp và nhanh chóng cho người bị hại.
Còn nhớ khi tội “kinh doanh trái phép” được bỏ khỏi Bộ luật Hình sự năm 2015, đó không chỉ là một quyết định pháp lý, mà còn là bước tiến tư duy lớn trong cách tiếp cận quản lý kinh tế: tách biệt rõ ràng giữa sai phạm hành chính và hành vi hình sự. Luật pháp không thể hình sự hóa những lỗi thủ tục hay những rủi ro vốn dĩ là một phần của hoạt động kinh doanh.
Không hình sự hóa: Từ chủ trương đến hành động
Từ Nghị quyết 35 của Chính phủ năm 2016 đến Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị năm 2023, thông điệp “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” đã được nhiều lần khẳng định. Nhưng đến nay, khái niệm này vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng trong luật pháp, cũng chưa được thể chế hóa nhất quán trong các văn bản dưới luật.
Chuyên gia Nguyễn Đình Cung, một trong những tác giả của Luật Doanh nghiệp 1999, từng đề nghị: mọi vi phạm và tranh chấp hợp đồng kinh tế nên được giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài kinh tế, không bị khởi tố, không bị điều tra hình sự. Đó là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế và với bản chất của quan hệ kinh tế trong nền kinh tế thị trường.
Vấn đề không chỉ là xử lý ai, mà là xử lý như thế nào để vừa răn đe, vừa tạo cơ hội sửa sai, khôi phục niềm tin, bảo toàn sinh mệnh doanh nghiệp và tinh thần kinh doanh.
Chọn con đường văn minh và hiệu quả
Không ai phủ nhận sự cần thiết của luật pháp nghiêm minh. Nhưng nghiêm minh không đồng nghĩa với hình sự hóa bằng mọi giá. Trong một nền kinh tế thị trường, sự khác biệt giữa “rủi ro kinh doanh” và “tội phạm kinh tế” phải được xác định rõ ràng. Nếu không, sự sợ hãi sẽ thay thế tinh thần khởi nghiệp; sự co cụm sẽ thay thế đầu tư và nền kinh tế sẽ mãi không thể lớn lên.
Việc xử lý vi phạm kinh tế bằng công cụ kinh tế với chế tài mạnh, đủ sức răn đe là hướng đi đúng đắn hơn. Để làm được điều đó, Việt Nam cần nhanh chóng thể chế hóa các nguyên tắc của Nghị quyết 41, củng cố cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng, cải cách tòa án kinh tế, và tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định.
Nếu chúng ta muốn đạt mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và xa hơn là một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững thì không thể chần chừ trước yêu cầu cấp bách: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế.
Năm 2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó đưa ra một quan điểm rất đáng chú ý: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế…”.
Trước đó, năm 2016, Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nêu “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”.
Tinh thần này đã được cập nhật, bổ sung và mở rộng trong hai nghị quyết rất quan trọng mới đây là 66 và 68 sẽ tạo ra một tư duy mới để xây dựng đội ngũ doanh nhân vươn tầm khu vực. Tới đây, các luật liên quan chắc chắn phải sửa đổi lại theo tinh thần này.
Tư Giang
Lan Anh