Tranh cãi giữa Mỹ và EU về nhiên liệu hóa thạch

Tranh cãi giữa Mỹ và EU về nhiên liệu hóa thạch
6 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Phát triển Kinh doanh Barbados, Lisa Cummins và Quyền Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ về các vấn đề quốc tế, Tommy Joyce tham dự một cuộc thảo luận nhóm tại Hội nghị thượng đỉnh về Tương lai của An ninh Năng lượng, do Cơ quan Năng lượng Quốc tế và Chính phủ Vương quốc Anh tổ chức tại Lancaster House ở London, Anh vào ngày 24 tháng 4 năm 2025. Ảnh REUTERS
Phát biểu tại hội nghị, ông Tommy Joyce, quyền Thứ trưởng phụ trách các vấn đề năng lượng quốc tế của Mỹ, nhấn mạnh: “Có những quan điểm kêu gọi loại bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng không tái tạo để đạt mục tiêu trung hòa carbon. Chúng tôi cho rằng các chính sách quá cực đoan như vậy cần được cân nhắc kỹ lưỡng, vì có thể mang lại rủi ro đáng kể”.
Nhận định của ông Joyce được cho là nhằm phản ánh quan điểm khác biệt của Mỹ với một số đề xuất trước đây của IEA, bao gồm lời kêu gọi ngừng phê duyệt các dự án khai thác dầu khí mới từ năm 2021, như một phần trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Khuyến nghị này từng vấp phải phản ứng trái chiều từ nhiều doanh nghiệp trong ngành.
Hội nghị năm nay quy tụ đại diện từ khoảng 60 quốc gia và 50 doanh nghiệp, cùng bàn về tương lai của an ninh năng lượng toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng từ nhiều cuộc khủng hoảng — xung đột ở Ukraine, căng thẳng tại Trung Đông, chính sách thuế của Mỹ, và quan điểm hoài nghi biến đổi khí hậu ở một số nơi.
Đáng chú ý, Trung Quốc, Nga và Ả Rập Xê Út, những nhân tố quan trọng trong ngành năng lượng, đều vắng mặt tại hội nghị. Mỹ cũng không cử quan chức cấp cao nhất, mà chỉ có sự hiện diện của các đại diện cấp Thứ trưởng. Trong khi đó, hội nghị được đồng chủ trì bởi nước chủ nhà Anh.
Thủ tướng Anh Keir Starmer và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã có bài phát biểu trong phiên chiều cùng ngày.
Tranh luận về vai trò của năng lượng tái tạo
Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị An ninh Năng lượng, những bất đồng sâu sắc đã sớm lộ diện, đặc biệt xoay quanh vai trò của năng lượng tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc buổi sáng, Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol, thể hiện lập trường mềm mỏng hơn so với những phát biểu trước đây. Ông ghi nhận rằng dầu khí hiện vẫn là “những thành phần then chốt trong hệ thống năng lượng”, đồng thời nhấn mạnh các nguồn năng lượng này “sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong thời gian tới”.
Phát biểu của ông Birol được cho là có sự điều chỉnh so với các dự báo trước đó của IEA, trong đó tổ chức từng dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt đỉnh trước năm 2030.
Ông Birol cũng cảnh báo về một thách thức mới đang nổi lên trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch: Nhu cầu tăng vọt đối với các kim loại quan trọng như pin, tuabin gió hay xe điện. Một phần đáng kể nguồn cung các kim loại này hiện đang tập trung tại Trung Quốc, đặt ra câu hỏi về tính đa dạng và ổn định chuỗi cung ứng.
Liên hệ với các bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970, ông Birol lưu ý rằng an ninh năng lượng vẫn là yếu tố không thể xem nhẹ trong bất kỳ giai đoạn chuyển đổi nào.
Bộ trưởng Năng lượng Anh, ông Ed Miliband, cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Ông cho biết: “Khi năng lượng còn có khả năng bị sử dụng như công cụ gây sức ép, thì các quốc gia và người dân vẫn có nguy cơ bị tổn thương”.
“Ba nguyên tắc vàng” để đảm bảo an ninh năng lượng
Trước những biến động ngày càng phức tạp của thị trường năng lượng toàn cầu, Giám đốc IEA, ông Fatih Birol, kêu gọi các quốc gia và doanh nghiệp bám sát ba nguyên tắc cốt lõi nhằm tăng cường an ninh năng lượng: Đa dạng hóa nguồn cung, xây dựng chính sách ổn định và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Theo ông Birol, đầu tư vào năng lượng đòi hỏi vốn lớn và tầm nhìn dài hạn, do đó sự ổn định về chính sách là yếu tố then chốt giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư. “Nếu chính sách thay đổi liên tục và thiếu nhất quán, dòng vốn đầu tư có thể bị chững lại do tâm lý e ngại”, ông nói. Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến thị trường và các quốc gia khác lo ngại vì tính khó đoán.
Ông Birol và Bộ trưởng Năng lượng Anh Ed Miliband cùng nhấn mạnh vai trò của tinh thần hợp tác quốc tế, cho rằng đây là điều cần thiết để đối phó hiệu quả với các thách thức chung, trong bối cảnh xu hướng phân cực đang gia tăng trên toàn cầu.
Đáng chú ý, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với hội nghị lần này. Theo OPEC, việc IEA tập trung trở lại vào vấn đề an ninh năng lượng được xem là một tín hiệu tích cực, phù hợp với những mục tiêu lâu dài mà tổ chức này theo đuổi.
Trước đó, OPEC từng phản đối IEA khi tổ chức này kêu gọi từ bỏ năng lượng hóa thạch, cho rằng các đề xuất như vậy cần tính đến thực tế về chi phí, tính khả thi và đảm bảo nguồn cung ổn định.
Phản hồi trước những lo ngại này, một quan chức của Bộ Năng lượng Pháp khẳng định: “IEA vẫn giữ đúng định hướng là thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, đồng thời tôn trọng chủ quyền của từng quốc gia”. Ông cũng nhấn mạnh rằng châu Âu vẫn tin tưởng vào vai trò trung tâm của IEA trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Nh.Thạch
AFP
Nguồn PetroTimes : https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tranh-cai-giua-my-va-eu-ve-nhien-lieu-hoa-thach-726897.html