Tranh cãi thời gian bảo lưu phụ cấp khi điều động giáo viên

Tranh cãi thời gian bảo lưu phụ cấp khi điều động giáo viên
12 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo ngày 20/11, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, Đoàn Quảng Ngãi, cho rằng tại khoản 5 Điều 21 về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo quy định thời gian bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ tối đa 36 tháng, bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi tối đa 12 tháng.
Theo đại biểu, quyết định này chưa thống nhất, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm có sự thống nhất trong ngành. Vì nhà giáo điều động sang cơ quan quản lý giáo dục thời gian qua không được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và ảnh hưởng đến cách tính lương hưu.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân mà nhà giáo không muốn hoặc từ chối khi được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục. Vì vậy cần rà soát, nghiên cứu bổ sung và đề nghị bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục và không quy định thời hạn bảo lưu tối đa, như vậy mới khuyến khích được nhà giáo có năng lực, kinh nghiệm từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục.
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Quochoi.vn
Đề cập đến vấn đề trên, Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Đoàn Đồng Nai trăn trở và mong muốn những trường hợp này được giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo, bởi vì chúng ta đang thực hiện việc thu hút nhân tài. Những người được điều về cơ quan chuyên môn để làm việc là những cán bộ quản lý, những giáo viên rất giỏi công tác ở các trường.
Theo Đại biểu Đỗ Huy Khánh, thực tế khi một cán bộ quản lý hoặc một giáo viên về công tác tại phòng chuyên môn của sở giáo dục, phòng giáo dục thì chỉ được hưởng phụ cấp chức vụ 25%, trong khi đó sẽ bị mất phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 35% và sẽ mất nguyên phụ cấp thâm niên.
Ví dụ, một giáo viên giỏi về đó lương đang ở dưới trường là 10 triệu, khi về đó lương chỉ còn 7 triệu.
“Vậy, đằng sau những thầy, cô, những con người đó là cả một gia đình họ phải lo. Trong khi nhận điều động về sở giáo dục hay phòng giáo dục, vẫn công tác trong lĩnh vực chuyên môn nhưng lương thấp hơn. Chúng ta không bảo lưu quan điểm đó thì họ sẽ không về, nếu họ không về thì không lấy được người giỏi, bởi không thể tuyển một sinh viên mới về để làm nhiệm vụ đó được”, đại biểu nói thêm.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi ,Đoàn Bến Tre nhấn mạnh thời gian qua, việc điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ sở quản lý giáo dục gặp nhiều khó khăn.
Giáo viên không muốn được điều chuyển mặc dù ở vị trí cao hơn, bởi sau khi được điều động một thời gian sẽ bị mất các khoản phụ cấp. Do vậy, đại biểu đề nghị nên cho nhà giáo được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên khi được điều động sang công tác tại cơ quan quản lý giáo dục, nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều động, sắp xếp cán bộ của ngành giáo dục.
Tranh luận về thời điểm bảo lưu, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp đề xuất cao nhất là 12 tháng, không thể là 36 tháng.
Trong khi đó, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn Đắk Nông đề nghị cân nhắc việc bảo lưu chế độ, chính sách của vị trí công tác cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng.
Theo đại biểu, vì cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức, bên cạnh đó nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo luật hiện nay.
Từ đó, đại biểu đề nghị bảo lưu chế độ, chính sách trong thời hạn 6 tháng hoặc hơn nhưng không phải là 36 tháng.
Bên cạnh đó, một số chính sách về bảo lưu chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện hành được quy định bằng nghị định của Chính phủ và do đó để phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong các quy định, không luật hóa các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường , Đoàn Hà Nội lại cho rằng những giáo viên dạy giỏi thường không muốn rời vị trí công tác để chuyển sang làm công tác quản lý. Tuy nhiên, để làm công tác quản lý chuyên môn của các cơ quan quản lý giáo dục lại phải có giáo viên giỏi.
Do vậy, khi điều chuyển giáo viên giỏi sang làm công tác quản lý, đề nghị phải giữ nguyên chế độ thâm niên, chế độ ưu đãi cho những giáo viên này ít nhất là một nhiệm kỳ điều động 5 năm, không phải chỉ 12 tháng.
Nguyệt Như
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/tranh-cai-thoi-gian-bao-luu-phu-cap-khi-dieu-dong-giao-vien.htm