Tranh cãi vai Út Khờ và cảnh nóng trong 'Địa đạo'

Tranh cãi vai Út Khờ và cảnh nóng trong 'Địa đạo'
8 giờ trướcBài gốc
Gặt hái 120 tỷ đồng chỉ sau chưa đầy 2 tuần chiếu, Địa đạo tạo nên cơn địa chấn ngoài phòng vé Việt những ngày qua. Với thành tích đầy ấn tượng, bộ phim của Bùi Thạc Chuyên trở thành một “kỳ tích” với dòng phim chiến tranh của điện ảnh nội địa.
Hiếm khi nào, một tác phẩm thuộc đề tài thời chiến lại thu hút sự quan tâm của giới trẻ nhiều như vậy. Song, đây cũng là lúc những tranh cãi bắt đầu nảy ra xung quanh câu chuyện mà Địa đạo kể, về hình ảnh, những số phận nhỏ bé nơi “đất thép thành đồng” - những người du kích quả cảm đã sống, chiến đấu thầm lặng và làm nên kỳ tích dưới lòng địa đạo tối tăm, hay về lăng kính mà đạo diễn soi chiếu các khía cạnh sâu thẳm trong con người, ngay giữa bối cảnh bom rơi đạn lạc…
Tâm điểm của tranh cãi những ngày qua là nhân vật Út Khờ, được hóa thân bởi nữ diễn viên trẻ Diễm Hằng Lamoon.
Tranh cãi về Út Khờ
Địa đạo lấy bối cảnh tại Củ Chi năm 1967, khoảng thời gian vùng đất này trở thành mục tiêu càn quét của quân đội Mỹ. Tại đây, đội du kích do Bảy Theo (Thái Hòa) chỉ huy cố gắng bám trụ tại căn cứ Bình An Đông. Họ giữ trọng trách canh chừng thiết bị quân y, song thực chất là bảo vệ nhóm tình báo chiến lược của Việt Cộng.
Út Khờ là “em út” trong đội du kích của Bảy Theo. Cô gái trẻ có thân hình nhỏ nhắn, sống tình cảm, lại yêu ca hát. Sau những giờ phút tập luyện, chiến đấu căng thẳng, cô cùng đồng đội lại có những khoảnh khắc sinh hoạt văn nghệ ấm áp, vui vẻ. Giọng ca trong trẻo của Út Khờ như thắp sáng địa đạo tối tăm, chữa lành cho tinh thần những người lính vừa trải qua thời khắc sinh tử.
Như bao cô cậu ở độ tuổi 19, đôi mươi, những xúc cảm tình yêu đầu đời cũng chớm nở trong trái tim cô gái trẻ. Cho đến đêm nọ, Út Khờ bị một người đồng đội cướp đi trinh tiết mà chẳng rõ mặt đối phương. Mọi chuyện cứ im lặng trôi đi cho tới khi cô cùng Ba Hương rơi vào đường cùng trước trận càn của quân đội Mỹ.
Địa đạo thu 133 tỷ đồng tính đền chiều 15/4.
Giữa giờ phút sinh tử, Út Khờ chọn buông xuôi. Cô “thú tội” với người đồng đội rằng mình đã có bầu, không rõ ai là chủ nhân cái thai trong bụng. Cả hai sau đó may mắn thoát chết. Ba Hương bày kế tìm ra thủ phạm, đòi lại trong sạch cho Út Khờ nhưng không thành, đành phải thuyết phục đội trưởng Bảy Theo đứng ra “chịu trách nhiệm”.
Tuyến truyện của Út Khờ được khán giả, đặc biệt là người yêu phim, đem ra bàn luận, mổ xẻ trên mạng xã hội những ngày qua. Bên cạnh những bình luận khen ngợi tính chân thực mà Bùi Thạc Chuyên khắc họa số phận con người giữa bối cảnh thời chiến, cũng không ít ý kiến cho rằng tuyến truyện này tạo ra cái nhìn sai lệch.
Hình ảnh Út Khờ bị đồng đội cướp mất trinh tiết vấp phản ứng từ một bộ phận người xem. Họ đặt câu hỏi về tính hợp lý của cảnh quay, đồng thời lo ngại chúng có thể làm hoen ố hình ảnh đẹp. Chi tiết nhân vật im lặng chịu đựng một người đàn ông giấu mặt hãm hiếp, không có động thái phản kháng hay chủ động tố giác khiến người xem không ngừng đặt câu hỏi. Chưa dừng ở đó, chi tiết cô em út giữa thời khắc sinh tử, lại yếu đuối chọn buông bỏ mạng sống vì “đằng nào cũng chết”, cũng gây bàn tán.
Ý đồ của Bùi Thạc Chuyên
Việc Bùi Thạc Chuyên liều lĩnh kể câu chuyện nhạy cảm về Út Khờ, gây tranh cãi là điều không khó hiểu. Đối diện những đánh giá trái chiều, cha đẻ Địa đạo khẳng định không đưa những cảnh này vào phim nhằm mục đích gây sốc với người xem.
Điều ông hướng tới là khắc họa chân dung những con người bình thường trong chiến tranh, chứ không cố gắng hình tượng hóa họ trở nên lớn lao, thần thánh. Họ thực chất chỉ là các cô cậu trẻ tuổi, đầy hoài bão nhưng cũng giàu cảm xúc, có những lúc mắc sai lầm. Chính việc cố gắng vượt qua nỗi sợ và những thử thách gian nan đó đã biến sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của họ trở nên vĩ đại.
“Phim thực chất dành nhiều khoảng trống để khán giả tự điền vào. Tôi không dẫn dắt khán giả, không bắt họ phải nghĩ theo mình. Đó là cách để phim có độ lùi, có một sự khách quan nhất định”, Bùi Thạc Chuyên trò chuyện với Tri thức - Znews.
Địa đạo gây tranh luận vì sự xuất hiện của một số cảnh nóng.
Tạm gạt bỏ những tranh luận về tính logic sang một bên, việc thể hiện những khía cạnh cảm xúc đời thường là điều cần thiết để tạo nên bức tranh chân thực về cuộc sống người lính. Như chia sẻ của đạo diễn, Địa đạo không tô vẽ hình ảnh người hùng, mà là một cuộc chiến đầy máu và nước mắt của những người bình thường, bằng xương bằng thịt. Họ không chiến đấu để trở thành huyền thoại, mà chỉ vì mong muốn đơn giản: bảo vệ người thân thương, bảo toàn từng tấc đất của Tổ quốc.
Dưới góc nhìn đó, việc Út Khờ trải nghiệm và bước qua biến cố bằng những cảm xúc của riêng cô, dù cho mâu thuẫn trong mắt đồng đội, vẫn là sự khắc họa trung thực về nhân tính. Mà nhân tính thì không hoàn hảo: họ cũng mắc sai lầm, cũng có những khoảnh khắc “lạc lối”. Bi kịch xảy ra với Út Khờ cũng là một cài cắm phản ánh sự bất công trong xã hội, khi dù ở bất cứ thời nào, phụ nữ cũng có thể trở thành nạn nhân của những đối xử bất công, trong trường hợp Địa đạo là bị xâm hại tình dục.
Tại đó, sự xuất hiện của Ba Hương hay đội trưởng Bảy Theo mang tới ánh sáng cho cuộc đời Út Khờ. Là khi Ba Hương quyết tâm “có chết cũng phải đưa nó ra tòa án binh” để đòi lại công bằng cho đồng đội, là khi Bảy Theo nhận trách nhiệm làm chồng của Út Khờ, làm cha của đứa bé.
Với Ba Hương, sự im lặng chịu đựng những thương tổn tinh thần cần phải được kết thúc.
Còn với người đội trưởng, anh hiểu rõ chẳng ai nắm chắc chuyện sống chết giữa hoàn cảnh ngặt nghèo, nên điều quan trọng là bù đắp cho em út, để cho cô có chồng, đứa bé cũng có cha...
Diễm Hằng Lamoon hóa thân thành Út Khờ trong phim.
Đó có lẽ cũng là tinh thần nhân văn mà Địa đạo muốn gửi gắm, khi chủ đích hướng ống kính tới cách những người lính đối diện và bước qua những biến cố, bi kịch hay thậm chí là sai lầm của mình.
Nó gợi nhắc người xem về câu nói kinh điển trong A Farewell to Arms của Ernest Hemingway: “Thế giới này làm tổn thương tất cả chúng ta. Nhưng sau đó, nhiều người trở nên kiên cường chính tại nơi họ từng gục ngã. Còn ai không chịu khuất phục sẽ bị thế giới này hủy diệt. Nó tiêu diệt cả những người tốt đẹp nhất, dịu dàng nhất và can đảm nhất, một cách không thương tiếc”.
Hay Mùa Lạc của Nguyễn Khải cũng viết: "Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".
Hoàng Nhi
Nguồn Znews : https://znews.vn/tranh-cai-vai-ut-kho-va-canh-nong-trong-dia-dao-post1545990.html