Sophia Phương Anh, tay vợt pickleball chuyên nghiệp trẻ nhất Việt Nam, từng là VĐV tennis và từng giành chức vô địch giải tennis trẻ TP.HCM năm 2018. Ảnh: Phương Lâm.
Tháng 3, Lý Hoàng Nam gây chấn động làng quần vợt Việt Nam khi xác nhận tạm dừng chơi quần vợt chuyên nghiệp để tập trung cho môn thể thao mới pickleball.
Một số gương mặt khác từng "khuynh đảo" môn tennis, cầu lông như Trịnh Linh Giang, Lê Đức Phát, Trương Vinh Hiển, Sophia Huỳnh Trần... cũng nhanh chóng trở thành những biểu tượng mới của pickleball Việt Nam.
Không chỉ áp đảo ở các giải đấu, họ còn liên tiếp ký hợp đồng tiền tỷ, trở thành đại sứ thương hiệu, mở cửa hàng thể thao mang tên mình. Với khả năng giành 60-70 triệu đồng mỗi giải, thi đấu 3-4 giải mỗi tháng, chưa kể các khoản thù lao từ sự kiện, lớp dạy và quảng cáo, pickleball mang đến cho họ mức thu nhập vượt xa thời ăn tập tennis.
Lựa chọn thực dụng này làm dấy lên tranh cãi giữa những người hâm mộ thể thao nước nhà.
Ai đang trên đỉnh pickleball Việt Nam?
Theo hệ thống xếp hạng pickleball quốc tế DUPR (Dynamic Universal Pickleball Rating), nhóm tay vợt nam hàng đầu tại Việt Nam hiện nay gồm Phúc Huỳnh, Trương Vinh Hiển, Lý Hoàng Nam và Trịnh Linh Giang - tất cả đều có nền tảng từ tennis.
Phúc Huỳnh chơi tennis từ sớm tại Mỹ, trong khi ba người còn lại là thành viên đội tuyển tennis quốc gia, trong đó Lý Hoàng Nam từng giành HCV SEA Games.
Ở nhóm nữ, các tay vợt hàng đầu như Sophia Huỳnh Trần, Sophia Phương Anh, Quỳnh Phan, Sĩ Bội Ngọc... cũng đều có khoảng thời gian dài gắn bó với tennis trước khi rẽ hướng sang pickleball.
Nền tảng tốt từ tennis giúp Hoàng Nam nhanh chóng thích nghi với pickleball. Ảnh: Quang Thịnh.
Bên cạnh đó, hai "lão tướng" Lý Minh Tân và Lý Minh Triết, những người tiên phong đưa pickleball vào Việt Nam, lại xuất thân từ bóng bàn. Cặp anh em này từng giúp đội tuyển bóng bàn Việt Nam giành HCB lịch sử tại SEA Games 1995 ở Chiang Mai (Thái Lan).
Hiện nhiều VĐV xuất sắc tại các giải phong trào cũng đến từ các môn thể thao dùng vợt như tennis, cầu lông, bóng bàn. Một số cái tên nổi bật có thể kể đến là Đạt Trố (bóng bàn), Đắc Tiến (tennis), Triệu cầu lông, Huy cầu lông...
Pickleball là bộ môn đòi hỏi sự tổng hòa kỹ năng từ các môn cầm vợt khác. Ở cuối sân, pickleball cần những cú drive thuận tay, trái tay như tennis. Trên bếp (kitchen), pickleball cần phản xạ nhanh, sự khéo léo, mềm mại như bóng bàn và cả sự mạnh mẽ, quyết liệt như cầu lông.
Do đó, các VĐV từng chơi chuyên nghiệp ở những bộ môn này nhanh chóng bắt nhịp với pickleball và nhanh chóng đạt trình độ cao. Gần như không có trường hợp nào trở thành VĐV pickleball hàng đầu mà trước đó không chơi các môn thể thao dùng vợt.
Đừng trách VĐV khi họ từ bỏ đỉnh cao
Lý Hoàng Nam, Trịnh Linh Giang rẽ ngang sang pickleball khi đang là VĐV tennis số 1, số 2 của Việt Nam. Tay vợt trẻ Trương Vinh Hiển là "của để dành" cho tương lai, được kỳ vọng thay thế ngôi vị của Hoàng Nam trong tương lai gần. Nhưng giờ đây, tất cả là đối thủ trực tiếp trong các giải pickleball.
Có người nói chỉ tạm dừng tennis, có người nói vẫn tập song song cả hai môn. Nhưng có lẽ, khi pickleball vẫn đang phát triển mạnh mẽ, ngày trở về tennis của các VĐV này vẫn còn xa.
Pickleball mang lại cho các VĐV sự cải thiện đáng kể về hình ảnh và thu nhập, điều khó đạt được ở nhiều bộ môn khác. Trương Vinh Hiển, cách đây hơn một năm vẫn là cái tên xa lạ với nhiều người, giờ đã trở thành VĐV pickleball hàng đầu, sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo, một cửa hàng thể thao mang tên mình, vai trò đại sứ thương hiệu vợt và hàng loạt hợp đồng quảng cáo giá trị.
Những VĐV như Vinh Hiển, Hoàng Nam hay Linh Giang có thể kiếm được thu nhập đáng kể từ nhiều nguồn. Họ đủ sức vô địch ở hầu hết giải đấu mình tham dự. Nếu vô địch ở cả 3 nội dung đăng ký (đơn nam, đôi nam và đôi nam nữ), mỗi VĐV có thể bỏ túi khoảng 60-70 triệu đồng mỗi giải. Mỗi tháng, họ chơi ít nhất 4 giải. Đó là chưa tính đến khoản phí mời thi đấu - vốn ngày càng phổ biến khi các giải mong muốn hút nhà tài trợ và nâng tầm quy mô.
Không chỉ VĐV trong nước, nhiều VĐV quốc tế như Jack Wong (Hong Kong, Trung Quốc), Sarah Jane Lim (Philippines), Nicholas Khamphilath (Lào)... cũng thường xuyên đến Việt Nam thi đấu nhờ tiền thưởng hấp dẫn (có giải lên tới 100-200 triệu đồng cho chức vô địch) và các giải được tổ chức liên tục.
Khi gặt hái được thành công trên sân đấu, các VĐV tự mở ra nhiều cơ hội kiếm tiền khác. Họ có thể trở thành đại sứ cho các hãng vợt, quần áo thể thao... và nhận thu nhập cố định hàng tháng, kèm theo thưởng doanh số.
Đức Phát phải bỏ tiền túi rất nhiều khi theo đuổi cầu lông đỉnh cao. Ảnh: Hoàng Nguyên.
Tiếp theo đó, các VĐV cũng có thể được mời tham dự ở các sự kiện pickleball. Hiện các sự kiện pickleball ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, quy mô, truyền thông bài bản, kéo theo nhu cầu mời VĐV nổi tiếng tham gia. Mỗi lần xuất hiện tại sự kiện, họ có thể nhận thù lao từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng, cùng các quyền lợi truyền thông đi kèm.
Nếu sở hữu kỹ năng giao tiếp tốt và có đội ngũ hỗ trợ, các VĐV hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, chia sẻ kỹ thuật, hậu trường tập luyện và đời sống cá nhân - một hướng đi bền vững để tăng độ nhận diện và thu nhập.
Với những VĐV ít tên tuổi hơn, việc mở lớp dạy pickleball dựa trên thành tích thi đấu cũng mang lại nguồn thu ổn định và lâu dài.
Khác với con đường thể thao đỉnh cao đầy thử thách như tennis hay cầu lông, pickleball đang mang lại lựa chọn thực tế hơn cho nhiều VĐV.
Lý Hoàng Nam từng chia sẻ rằng nếu gia đình không có điều kiện tài chính, anh khó lòng theo đuổi tennis chuyên nghiệp. Trịnh Linh Giang cũng khẳng định pickleball cho anh một cuộc sống ổn định hơn.
Lê Đức Phát, VĐV cầu lông nam duy nhất của Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024, cho biết anh tự bỏ tiền túi không dưới 25.000 USD để thi đấu các giải quốc tế nhằm tích lũy điểm số và có vé dự Thế vận hội.
Rõ ràng, sự trỗi dậy mạnh mẽ của pickleball đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến giới VĐV chuyên nghiệp tại Việt Nam. Khi những cái tên như Hoàng Nam, Linh Giang, Vinh Hiển hay Sophia Huỳnh Trần không chỉ thi đấu vì đam mê mà còn sống tốt bằng nghề, pickleball đang trở thành biểu tượng cho một lối đi mới: chuyên nghiệp hơn, cởi mở hơn, và nhiều cơ hội hơn.
Quan trọng hơn cả, thành công của họ chứng minh rằng: trong thể thao, đôi khi lối rẽ không phải là bước lùi, mà là cú bứt phá để bước ra ánh sáng.
Hoàng Nguyên