Tranh cãi về đề xuất không công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận

Tranh cãi về đề xuất không công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận
3 giờ trướcBài gốc
Bộ GD-ĐT đề xuất tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Bộ GD-ĐT cho biết, dự thảo Luật Nhà giáo (bản trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15) có nhiều điểm mới, trong đó nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, dự thảo Luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo.
Trong đó, đáng chú ý là quy định không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo.
Có ý kiến băn khoăn về quy định không được “Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho rằng quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.
Gần đây, nhiều thông tin về sai phạm của nhà giáo gây ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh người thầy như vụ việc cô giáo đề nghị phụ huynh mua laptop cho mình hay một số hành động bạo lực với học sinh, nhất là trẻ mầm non...
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng thông tin đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo đã được đưa ra khỏi dự thảo mới.
"Ngay sau khi các đề xuất dự kiến (nhất là về kinh phí) được thông tin, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của dư luận xã hội đối với nội dung này.
Với tinh thần nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ, sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo" - Bộ GD-ĐT cho hay
Duy Anh
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/tranh-cai-ve-de-xuat-khong-cong-khai-thong-tin-sai-pham-cua-nha-giao-khi-chua-co-ket-luan-post593533.antd