Tranh cãi việc Mỹ đề nghị Ukraine bầu cử sau lệnh ngừng bắn

Tranh cãi việc Mỹ đề nghị Ukraine bầu cử sau lệnh ngừng bắn
5 giờ trướcBài gốc
Theo ông Keith Kellogg, đặc phái viên của Trump về Ukraine và Nga, cuộc bầu cử này là một bước cần thiết nhằm duy trì các nguyên tắc dân chủ và có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai quốc gia.
“Hầu hết các quốc gia dân chủ đều tổ chức bầu cử ngay cả khi đang có chiến tranh. Tôi tin rằng đây là một điều quan trọng cho nền dân chủ của Ukraine. Một nền dân chủ vững chắc sẽ cho phép nhiều ứng cử viên có cơ hội tranh cử, thay vì chỉ có người duy nhất”, ông Kellogg nói trong một cuộc phỏng vấn của Reuters.
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gặp nhau tại Trump Tower ở New York, Mỹ, ngày 27.9.2024 - Ảnh: Reuters
Mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, kế hoạch này đang được thảo luận nội bộ trong chính quyền Trump. Một số quan chức Mỹ cho rằng việc thúc đẩy Ukraine đồng ý tổ chức bầu cử có thể là một phần trong thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Kyiv có chấp nhận đề xuất này hay không, đặc biệt là trong bối cảnh chiến sự đang diễn ra và sự bất ổn trong khu vực.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây đã tuyên bố rằng Ukraine có thể tổ chức bầu cử nếu giao tranh chấm dứt và nước này nhận được các đảm bảo an ninh mạnh mẽ. Tuy nhiên, một cố vấn cấp cao của Kyiv cho biết cho đến nay, chính quyền Trump vẫn chưa chính thức đề nghị Ukraine tổ chức bầu cử vào cuối năm nay.
Bầu cử giữa cuộc chiến
Ukraine đã ban hành thiết quân luật vào tháng 2.2022 sau khi Nga phát động cuộc chiến, và theo luật, bầu cử không thể được tổ chức trong thời gian tình trạng khẩn cấp này còn hiệu lực. Washington đã nêu vấn đề bầu cử với Kyiv từ năm 2023, nhưng giới chức Ukraine lo ngại rằng việc tổ chức bầu cử trong thời điểm hiện tại có thể gây chia rẽ và tạo điều kiện cho các chiến dịch gây ảnh hưởng từ Nga.
Một số quan chức phương Tây cũng bày tỏ lo ngại về khả năng Ukraine dỡ bỏ thiết quân luật để tổ chức bầu cử. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bất ổn chính trị, làm suy yếu quyền lực của ông Zelensky, tạo ra làn sóng di cư của những người trong độ tuổi nhập ngũ, và thậm chí làm suy giảm sức mạnh quân đội khi binh sĩ rời chiến tuyến để tham gia bầu cử.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tận dụng vấn đề này để gây áp lực lên Kyiv. Ông từng tuyên bố rằng Tổng thống Zelensky không có tính hợp pháp nếu không tổ chức bầu cử mới, và do đó, Ukraine không thể ký kết bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà ông đại diện. Điều này khiến nhiều quan chức Ukraine tin rằng Moscow đang sử dụng bầu cử như một cái cớ để từ chối đàm phán hoặc tìm cách làm suy yếu chính quyền Kyiv.
Một nguồn tin trong chính phủ Ukraine cho biết: "Nga đang yêu cầu Ukraine tổ chức bầu cử, sau đó sẽ tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết bởi chính quyền hiện tại đều không có giá trị”.
Dư luận cũng đặt câu hỏi liệu Tổng thống Trump có đang sử dụng cách mà Nga để gây áp lực tương tự lên Ukraine hay không. Một cựu quan chức phương Tây nhận định: "Nếu Tổng thống Trump thúc ép Ukraine tổ chức bầu cử, ông ấy có thể đang đáp lại những tuyên bố của Nga về tính hợp pháp của ông Zelensky”.
Thỏa thuận hòa bình
Một số cựu quan chức Mỹ vẫn hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình trong những tháng tới hoặc tổ chức bầu cử vào năm 2025. Cả Nga và Ukraine đều có những điều kiện riêng biệt cho các cuộc đàm phán chính thức, và đến nay, vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy hai bên có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai gần.
Điện Kremlin liên tục khẳng định rằng Nga sẵn sàng đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết, song các nhà phân tích phương Tây cho rằng đây không phải là dấu hiệu của một cuộc đàm phán nghiêm túc. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng Ukraine cần có sự đảm bảo an ninh mạnh mẽ trước khi ký kết bất kỳ thỏa thuận nào với Nga. Ông cũng đã đề xuất triển khai lực lượng quân sự quốc tế đến tiền tuyến để giám sát lệnh ngừng bắn và đảm bảo Moscow tuân thủ cam kết.
Giới chức phương Tây lo ngại rằng nếu cuộc bầu cử được tổ chức trong bối cảnh chưa có đảm bảo rõ ràng, nó có thể dẫn đến sự chia rẽ nội bộ ở Ukraine, gây bất ổn và thậm chí làm suy yếu khả năng quốc gia này tiếp tục chiến đấu.
"Nga không có dấu hiệu nào cho thấy thực sự nghiêm túc về việc đàm phán. Nếu Ukraine tổ chức bầu cử mà không có kế hoạch hòa bình rõ ràng, đó có thể là một bước đi sai lầm", William Taylor, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói.
Tuy nhiên, phía Mỹ vẫn tin rằng bầu cử có thể giúp ổn định tình hình chính trị ở Ukraine, nhất là nếu cuộc chiến bước vào giai đoạn đình trệ. Nếu Kyiv tổ chức bầu cử thành công, người chiến thắng có thể được trao nhiệm vụ đàm phán một thỏa thuận dài hạn với Moscow. Điều này có thể giúp Ukraine có một chính quyền mới với sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn từ cả người dân trong nước lẫn các đồng minh quốc tế.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tranh-cai-viec-my-de-nghi-ukraine-bau-cu-sau-lenh-ngung-ban-228855.html