Tranh cãi xoay quanh trung tâm giam giữ người nhập cư mới tại Mỹ

Tranh cãi xoay quanh trung tâm giam giữ người nhập cư mới tại Mỹ
một ngày trướcBài gốc
Hình ảnh vệ tinh đường băng Dade-Collier đã xây dựng các khu nhà ở tạm.
Nằm sâu trong vùng đất ngập nước Everglades, cách khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Miami chưa đầy 80 km về phía Tây, một cơ sở giam giữ người nhập cư mới đang gây ra làn sóng tranh cãi gay gắt. Được gọi với biệt danh “Alligator Alcatraz”, trung tâm tạm giữ này là sáng kiến mới nhất trong nỗ lực siết chặt chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Trump.
Chỉ trong vài ngày, sân bay huấn luyện và chuyển tiếp Dade-Collier, với đường băng dài hơn 3 km, đã được chuyển đổi thành một khu lều trại tạm bợ. Ông Trump đã trực tiếp tới thăm địa điểm này vào ngày 1/7.
Theo kênh truyền hình CNN, cơ sở này dự kiến có sức chứa khoảng 5.000 người nhập cư không có giấy tờ, trong khi họ chờ xử lý trục xuất. Thống đốc Florida Ron DeSantis cho biết: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ chính quyền liên bang để triển khai cơ sở này, và đó là 'Alligator Alcatraz'” - cái tên được đặt bởi Tổng Chưởng lý bang.
“Xét về an ninh, nếu ai đó tìm cách trốn thoát, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều cá sấu. Không ai có thể đi đâu xa. Trung tâm này an toàn và bảo mật tối đa,” ông DeSantis nhấn mạnh.
Một "Alcatraz" giữa đầm lầy
Ý tưởng về một "Alcatraz mới" – nhà tù nổi tiếng nằm ngoài khơi San Francisco – đã được ông Trump nhiều lần đề cập. Nay, kế hoạch ấy đang được hiện thực hóa ngay tại khu vực ông từng quen thuộc.
Đường băng từng được xây dựng để phục vụ máy bay siêu vượt âm đã trở lại nhộn nhịp hôm 30/6, khi các xe đầu kéo vận chuyển vật tư và hàng chục công nhân thi công gấp rút dựng lều và lắp đặt trang thiết bị.
Theo Văn phòng Thống đốc Florida, các lều tạm thực chất là xe kéo rơ mooc của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (FEMA) – loại nhà di động thường được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp do thiên tai, với khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt. Các tiện ích như nước sạch, xử lý nước thải và điện đều được cung cấp bằng thiết bị di động.
Một quan chức Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết, trung tâm này sẽ có khoảng 5.000 giường, với chi phí vận hành khoảng 245 USD/giường/ngày. Dự kiến tổng kinh phí hoạt động trong một năm sẽ lên đến 450 triệu USD. Florida sẽ ứng trước chi phí và sau đó yêu cầu hoàn trả thông qua FEMA và Bộ An ninh Nội địa.
Ông DeSantis khẳng định đây là giải pháp cần thiết và tạm thời nhằm giảm tải cho các nhà tù tiểu bang và lực lượng thực thi pháp luật, trong bối cảnh số lượng người di cư không giấy tờ gia tăng.
Công tác xây dựng đang được tiến hành. Ảnh: WSVN
Làn sóng phản đối lan rộng
Tuy nhiên, kế hoạch này đang đối mặt với làn sóng phản đối dữ dội từ các tổ chức nhân quyền, nhà hoạt động vì môi trường và cộng đồng bản địa.
Thomas Kennedy, nhà phân tích chính sách của Liên minh Người nhập cư Florida, nói: “Việc giam giữ hàng nghìn người trong các thùng rơ-moóc giữa đầm lầy Everglades, vào mùa hè nóng nực và bão lũ, là một ý tưởng tồi tệ cần phải chấm dứt.”
Các nhà lập pháp đảng Dân chủ cũng lên án trung tâm giam giữ này là “phi nhân tính”. Đồng thời, giới bảo vệ môi trường lo ngại rằng dự án có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái nhạy cảm và nguồn nước ngọt chính của bang Florida.
Ban đầu, chính quyền bang đề xuất mua lại khu vực sân bay Dade-Collier từ Quận Miami-Dade với giá 20 triệu USD. Tuy nhiên, Thị trưởng Daniella Levine Cava cho biết mức giá này “thấp hơn đáng kể” so với định giá gần nhất là 190 triệu USD.
Bà cũng bày tỏ quan ngại về tác động môi trường của việc xây dựng trung tâm giam giữ tại khu vực vốn được quy hoạch để bảo tồn. Tổ chức Friends of the Everglades và nhiều nhóm môi trường khác đã khởi kiện chính quyền bang nhằm ngăn chặn dự án.
Phản hồi lại, Thống đốc DeSantis cam kết cơ sở sẽ “không để lại bất kỳ tác động tiêu cực nào” đến môi trường Everglades.
Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/tranh-cai-xoay-quanh-trung-tam-giam-giu-nguoi-nhap-cu-moi-tai-my-20250702092528784.htm