Các bên đã tranh luận hàng thập niên về việc có nên lắp đặt camera giám sát trong buồng lái. Ảnh: Bloomberg.
Willie Walsh - người đứng đầu Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - ủng hộ việc lắp đặt thiết bị ghi hình trong buồng lái nhằm giám sát hành động của phi công. Tính đến thời điểm hiện tại, "dựa trên những gì chúng ta đã biết, một đoạn video - cùng với ghi âm giọng nói - có thể hỗ trợ các điều tra viên tìm hiểu về vấn đề sức khỏe tâm thần (của phi công)", ông nói.
Ông Walsh đưa ra nhận định trên trong bối cảnh các chuyên gia bàn luận sôi nổi về kết quả báo cáo sơ bộ vụ tai nạn máy bay Air India hồi tháng 6 khiến 260 người thiệt mạng. Họ tự hỏi liệu một trong 2 phi công có tác động tới công tắc cung cấp nhiên liệu của máy bay không, khi báo cáo cho biết vài giây sau khi cất cánh, cả hai công tắc chuyển sang vị trí “ngắt”.
Theo Reuters, những người ủng hộ lắp camera trong buồng lái cho rằng những đoạn video sẽ khỏa lấp điểm yếu của thiết bị ghi âm và ghi dữ liệu, trong khi nhóm phản đối nêu lo ngại về quyền riêng tư và sử dụng sai mục đích.
Trong báo cáo vụ tai nạn rơi máy bay Air India hồi tháng 6, theo đoạn ghi âm trong buồng lái, một phi công hỏi đồng nghiệp tại sao lại ngắt nhiên liệu, nhưng người kia khẳng định mình không làm vậy. Trong ảnh là cần đẩy và công tắc điều khiển nhiên liệu trong báo cáo sơ bộ.
"Muốn riêng tư hay an toàn?"
Đoạn video là tài liệu “vô giá” với các điều tra viên trong vụ trực thăng Robinson R66 nổ tung giữa không trung vào năm 2023, theo báo cáo cuối cùng của Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia (ATSB). Trong vụ tai nạn, phi công đã thiệt mạng.
Dựa trên video buồng lái, “phi công tất bật thực hiện các nhiệm vụ không liên quan đến hoạt động bay trong phần lớn thời gian, như dùng điện thoại và ăn uống”. ATSB ca ngợi Robinson Helicopters vì cung cấp camera và khuyến khích các nhà sản xuất khác xem xét lợi ích lâu dài của các thiết bị tương tự.
Năm 2000, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) Jim Hall đã thúc giục Cục Hàng không Liên bang yêu cầu các máy bay thương mại trang bị máy ghi hình buồng lái. Ông Hall đưa ra khuyến nghị trên sau vụ tai nạn máy bay Boeing 767 của hãng Egyptair năm 1999, khi cơ phó cố tình đâm chiếc Boeing 767 khiến toàn bộ 217 người trên máy bay thiệt mạng.
"Giữa quyền riêng tư và an toàn, cán cân rõ ràng nghiêng về phía an toàn. Bảo vệ hành khách là một nghĩa vụ thiêng liêng”, cựu phi công John Nance cho biết.
Anthony Brickhouse - chuyên gia an toàn hàng không - nhận định với tư cách là một điều tra viên tai nạn hàng không, ông ủng hộ camera trong buồng lái, song cũng cảm thông với những lo ngại của các phi công thương mại. Nếu có video trên chuyến bay 171 của Air India, “chúng ta sẽ giải được rất nhiều câu hỏi”, ông nói.
Nỗi lo của phi công
Trong khi đó, các công đoàn phi công Mỹ như Hiệp hội Phi công Hàng không (ALPA) và Hiệp hội Phi công Đồng minh (APA) nhấn mạnh các máy ghi âm giọng nói và dữ liệu đã cung cấp đủ thông tin xác định nguyên nhân vụ tai nạn, và camera sẽ xâm phạm quyền riêng tư và có thể bị dùng sai mục đích.
Vụ tai nạn máy bay Air India hồi tháng 6 đã cướp đi sinh mạng của 260 người. Ảnh: Reuters.
Dennis Tajer - phát ngôn viên APA, phi công của American Airlines - cho biết lời kêu gọi lắp đặt camera buồng lái là phản ứng dễ hiểu trước tâm lý hoang mang “không biết điều gì đã xảy ra sau một vụ tai nạn”. “Tuy nhiên, các điều tra viên đã có đủ dữ liệu làm rõ tác nhân dẫn tới tai nạn, nên không cần tới camera nữa”, ông nói.
Phát ngôn viên của ALPA thì cho rằng để đảm bảo an toàn bay, giới chức và nhà sản xuất nên cải thiện các hệ thống hiện tại nhằm ghi lại dữ liệu chất lượng cao hơn, thay vì bổ sung camera.
Cựu phi công John Cox nói nhiều người lo ngại các hãng hàng không sẽ lợi dụng các đoạn phim để kỷ luật nhân sự, hoặc video có thể bị rò rỉ sau tai nạn.
“Gia đình các phi công không muốn chứng kiến cảnh người thân (phi công) đã qua đời bị phát sóng trên bản tin thời sự”, ông nói, khẳng định ông có thể suy xét ủng hộ lắp camera nếu các bên có thể đảm bảo tính bảo mật.
Các điều tra viên thường giữ bí mật bản ghi âm giọng nói trong buồng lái. Họ sẽ chủ đích công bố một phần hoặc toàn bộ bản ghi trong báo cáo cuối cùng.
Mặc dù vậy, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Phi công Hàng không nghi ngờ về khả năng giữ kín video ghi trong buồng lái. "Do nhu cầu cao về những hình ảnh giật gân, IFALPA không hoàn toàn tin tưởng việc bảo vệ dữ liệu (máy ghi hình ảnh trên không), gồm hình ảnh các thành viên phi hành đoàn", tuyên bố ghi.
Trí Ân