Tránh để cán bộ cơ sở trở thành lực lượng 'thừa biên chế, thiếu động lực' sau sáp nhập

Tránh để cán bộ cơ sở trở thành lực lượng 'thừa biên chế, thiếu động lực' sau sáp nhập
11 giờ trướcBài gốc
Tinh giản và sắp xếp lại bộ máy để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách là rất rõ ràng, tuy nhiên, đó mới chỉ được một vế.
Bộ máy mới nếu vận hành bằng tư duy cũ thì khó có chỗ cho nhân tài
Vế còn lại nằm ở cách làm. Làm sao cho hiệu lực, hiệu quả, bắt được sóng để phát triển; làm sao để bộ máy sau khi được sắp xếp lại phải hoạt động một cách linh hoạt nhất, tốt nhất để đem lại lợi ích lớn nhất cho đất nước, tránh để hiện tượng những cán bộ cơ sở trở thành lực lượng “thừa biên chế, thiếu động lực”.
Một bộ máy mới mà vẫn vận hành bằng tư duy cũ thì rất khó có chỗ cho nhân tài được trọng dụng và phát triển. Đây là vấn đề không hề đơn giản.
Sau sắp xếp, sáp nhập cần xốc lại tinh thần làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đó là câu hỏi không chỉ dành cho các nhà lãnh đạo mà còn dành cho tất cả những người đang mang trọng trách là công bộc của nhân dân.
Làm cán bộ, nếu không trăn trở cho câu hỏi đó, không đặt mình trong dòng chảy cải cách và không chủ động đổi mới tư duy, khó có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Đã đến lúc từng cán bộ, ở từng vị trí, cần chủ động nhập cuộc với tinh thần trách nhiệm cao; phải thật sự dấn thân vào công cuộc đổi mới, phát huy tối đa năng lực, sở học và sở tài, cùng góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển của đất nước.
Và muốn “vươn mình” thì đội ngũ cán bộ, công chức phải trưởng thành lên từng ngày, không chỉ ở tầm nhìn và tư duy, mà còn trong bản lĩnh hành động, khả năng thực thi và tinh thần chịu trách nhiệm trước nhân dân và thời cuộc.
Phải cất ngay những “niềm riêng”
Vậy cụ thể phải làm những gì?
Trước tiên, cần xốc lại tinh thần cho cán bộ sau sắp xếp. Đây là việc rất quan trọng và nên làm ngay sau khi sắp xếp, để cho cán bộ phải cất ngay những “niềm riêng” trong tư tưởng, bắt tay ngay vào hành trình tiếp theo. Thậm chí phải lên tinh thần cho cán bộ ở cường độ cao để tạo động lực, tạo niềm tin cho họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến.
Cụ thể và thực tế nhất ở đây nằm ở 3 vấn đề - thu nhập, cơ chế sử dụng nhân tài và cách làm việc.
Lương phải cao - đó là điều chắc chắn phải làm. Nhân tài phải có “đất dụng võ”, không nhất thiết cứ phải bổ nhiệm lên làm lãnh đạo vì có những người chỉ làm tốt chuyên môn và đam mê với chuyên môn sở trường của họ, quan trọng là đúng người đúng việc. Cuối cùng, cách làm việc phải thiết thực, hiệu quả, tránh tình trạng trên “nóng”, dưới vẫn “lạnh”, Trung ương thì rốt ráo để chạy đua còn địa phương, cơ sở vẫn bình chân như vại, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ.
Kế đến là thiết lập cuộc chơi mới và luật chơi mới. Cuộc chơi mới là xác định rõ và phát động đây là giai đoạn bứt tốc để phát triển đất nước - giai đoạn tạo nền tảng để xây dựng xã hội chủ nghĩa trong tương lai.
Luật chơi mới chính là thiết lập một cơ chế làm việc đủ hấp dẫn để cán bộ sẵn sàng dấn thân cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo và theo đuổi mục tiêu; hưởng thành quả lớn (gồm mức lương cao và mức thưởng lớn để cho họ cảm thấy xứng đáng với công sức và trí tuệ bỏ ra) nhưng cũng đồng thời là kỷ luật sắt.
Xây dựng hệ thống quản lý công việc theo KPI - chỉ số đo lường hiệu quả công việc trong quản lý cán bộ, quản lý tổ chức.
Đây là một công cụ quan trọng để đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động của mỗi cá nhân, bộ phận hoặc toàn bộ một tổ chức.
Muốn làm được điều đó một cách thuận lợi, đồng bộ và hiệu quả, nhất thiết phải đẩy nhanh tiến độ số hóa dữ liệu công việc của tổ chức và cá nhân, để KPI của mỗi tổ chức và cá nhân mỗi cán bộ được số hóa và có thể chủ động cập nhật tiến độ hoàn thành công việc trên phần mềm hoặc trên app mọi lúc, mọi nơi một cách linh hoạt nhất.
Kèm theo đó là xây dựng một hệ thống chế tài phù hợp để có thể thưởng phạt rõ ràng. Việc này căn cứ trên mức độ hoàn thành công việc thông qua kiểm tra KPI của cá nhân và tổ chức để làm căn cứ thưởng, phạt.
Việc này không chỉ phải đánh vào tính kỷ luật, lòng tự ái của cán bộ, mà còn phải đánh tan luôn cả tâm lý “vùng an toàn” khi làm việc trong khu vực nhà nước. Khi tất cả cán bộ đều phải “lo”, thì đôi chân, đôi tay tự khắc phải tự bước đi và hành động, bộ não tự khắc phải nảy số để tồn tại và để cùng xắn tay vào làm, cùng dấn thân vào thực hiện mục tiêu chung.
Thực tế cũng có những trường hợp “đã làm thì phải sai, chỉ có người không làm gì mới không sai”. Song song với đó cũng có một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, cả chuyên viên theo đúng nghĩa “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Nếu thiết lập một cách khéo léo và khoa học, cuộc cách mạng này sẽ tự khắc đào thải những hàng “kém chất lượng” và tạo ra những đội ngũ tinh hoa cho đất nước, nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ được tập trung cho hệ thống các cơ quan đảng và nhà nước ở tất cả các cấp và ngày càng “tinh nhuệ”.
Ngoài ra, nên chăng để cho cán bộ chủ chốt từng địa phương chủ động xây dựng chiến lược phát triển các địa phương theo cách riêng, phù hợp với tiềm năng, điều kiện hiện có và sức dân. Cấp trên chỉ giao chỉ tiêu về GRDP, thu ngân sách và các chỉ tiêu chung… nói chung là quản lý về kết quả.
Đối với một số việc, Trung ương cũng nên có cơ chế “đặc quyền” cho từng địa phương trong một số lĩnh vực nhất định để có thể tạo nên đột phá.
Song song với đó, việc thanh tra, kiểm tra cũng phải được tiến hành nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn kịp thời những sai phạm và chấn chỉnh cán bộ có dấu hiệu vi phạm kỷ luật.
Dứt khoát loại bỏ những việc làm viển vông, hình thức
Việc tiếp theo là nên cải tổ cách làm việc. Đảng và Nhà nước làm việc theo khoa học, vì vậy nên đề cao tính hiệu quả trong công việc và cách làm việc. Dứt khoát loại bỏ những việc làm viển vông, hình thức, "làm màu", vừa tốn kém tiền của, tốn thời gian mà không giải quyết tận gốc được vấn đề.
Ngày nay, hiện tượng “phông bạt” trong cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý không hề ít. Tổ chức nhiều sự kiện, nhiều cuộc phát động, nhiều cuộc thi sáo rỗng chỉ để chạy đua thành tích nhưng kết quả chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu thì dứt khoát nên loại bỏ để dành thời gian, tiền bạc cho những việc có hiệu quả lâu dài.
Việc tạo điều kiện cho cán bộ tập trung chuyên sâu là rất quan trọng, điều đó sẽ giúp cho cán bộ ngày càng tinh thông, tinh nhuệ hơn, có nhiều điều kiện để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm chuyên môn.
Cùng với đó, cần thực hiện sớm số hóa dữ liệu và tối ưu hóa hồ sơ trên nền tảng số, đồng bộ dữ liệu số. Chuyển đổi số và đặc biệt đồng bộ dữ liệu số là vô cùng cần thiết trong thời điểm này.
Có thể làm một loại thẻ dành cho cán bộ, công chức với đầy đủ thông tin được tích hợp giống như căn cước công dân, trong đó có đầy đủ mọi thông tin của cán bộ, và được chính cán bộ đó cập nhật liên tục, kể cả kê khai tài sản…
Khi cần, cơ quan thẩm định chỉ cần căn cứ nội dung đã cập nhật trên hệ thống để làm việc, sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
Trường Thanh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tranh-de-can-bo-co-so-tro-thanh-luc-luong-thua-bien-che-thieu-dong-luc-2399225.html