Tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao cần chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực

Tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao cần chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực
7 giờ trướcBài gốc
Sáng 15-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.
3 nhóm chính sách
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay: Cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 68 có tính chất vượt trội, tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân. Dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể.
Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để huy động đa dạng hóa các nguồn lực và giải phóng nguồn lực xã hội để tập trung vào phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn tiếp theo.
Các nhiệm vụ, giải pháp để thể chế hóa Nghị quyết 68 của Trung ương có ba nhóm.
“Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội” - Bộ trưởng Thắng nói về nhóm giải pháp thứ nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Ảnh: QH
Nhóm giải pháp thứ 2 gồm các vấn đề cần thể chế hóa và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật được trình thông qua trong kỳ họp thứ 9. Nhóm thứ 3 là các giải pháp định hướng, chưa cấp bách, cần thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung luật có liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo.
Dự thảo nghị quyết cũng quy định về việc tổ chức thực hiện, thời điểm có hiệu lực và xử lý mối quan hệ giữa Nghị quyết này với các Luật, Nghị quyết khác có liên quan.
Hiệu lực ngay khi Quốc hội ban hành
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nói Ủy ban tán thành với sự cần thiết, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn xây dựng ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn. Cơ quan thẩm tra cũng tán thành phạm vi điều chỉnh và phạm vi thể chế hóa Nghị quyết số 68 như Chính phủ đề xuất.
Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ chủ trương, định hướng của Đảng để bảo đảm chất lượng của Nghị quyết.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: QH
Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án luật, nghị quyết khác cùng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết 68 để thể chế hóa ngay tại các dự án luật, dự thảo nghị quyết này, sớm có văn bản chính thức gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, chỉ đạo rà soát các nội dung khác có nội hàm, mục tiêu rõ ràng có thể cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2025 để đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 9. Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất xây dựng pháp luật để kịp thời bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 10 và định hướng lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI.
Về nguyên tắc thanh tra, kiểm tra, cơ quan thẩm tra và nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán và Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo xem xét, đánh giá lại công tác triển khai thực hiện để có giải pháp chấn chỉnh, kiểm soát quyền lực.
Đồng thời sớm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng nội dung này sau khi Nghị quyết được ban hành. Cùng với đó, các cơ quan trên được đề nghị sau khi Nghị quyết được ban hành thì khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại các luật liên quan để nâng cao hiệu lực pháp lý và bảo đảm tính ổn định, lâu dài của quy định.
Đặc biệt, do thời điểm có hiệu lực thi hành của Nghị quyết là từ ngày được Quốc hội thông qua, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ, Hội đồng thẩm phán và Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao khẩn trương xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ, nhất quán Nghị quyết 68.
“Cần bảo đảm chất lượng, khả thi, không dẫn đến cơ chế xin - cho, trục lợi chính sách; bảo đảm tinh thần đổi mới, cải cách, đột phá, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; quan tâm công tác hướng dẫn áp dụng và tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả” - ông Phan Văn Mãi trình bày.
Theo nghị trình, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết này vào ngày 17-5.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/tranh-hinh-su-hoa-quan-he-kinh-te-tand-toi-cao-vien-ksnd-toi-cao-can-chan-chinh-kiem-soat-quyen-luc-post849851.html