Tác phẩm Reverse (2002-2003). Ảnh: Gagosian.
Trong suốt lịch sử nghệ thuật phương Tây, nhiều danh họa được tôn vinh vì khả năng khiến sơn dầu trở thành làn da, cơ bắp và nhục cảm sống động. Nhưng khi Jenny Saville xuất hiện vào thập niên 1990, công chúng sớm nhận ra cô sẽ đi theo con đường hoàn toàn khác. Cô không chỉ đơn thuần “vẽ” cơ thể mà cô kể lại câu chuyện của nó, bằng chính ngôn ngữ mà phụ nữ dùng để nhìn nhận bản thân.
“Tôi vẽ phụ nữ như cách họ nhìn thấy mình. Tôi tìm kiếm bản sắc của họ, làn da, mái tóc, hơi thở, sự rò rỉ, cả sức nóng và nhịp sống từ bên trong”, Saville từng chia sẻ.
Dù sớm tạo dấu ấn và được công nhận rộng rãi, đến nay Jenny Saville mới có triển lãm cá nhân lớn đầu tiên tại một bảo tàng ở London. Mang tên Jenny Saville: The Anatomy of Painting, triển lãm diễn ra ở Bảo tàng Chân dung Quốc gia Anh (National Portrait Gallery), trưng bày khoảng 50 tác phẩm hội họa và ký họa, trải dài ba thập kỷ sáng tác. Sự kiện sẽ tiếp tục được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Fort Worth (Mỹ) vào tháng 10 tới.
Triển lãm dẫn dắt người xem đi qua từng giai đoạn của Saville, từ thời còn là thành viên của nhóm nghệ sĩ trẻ Young British Artists, gây chú ý với những bức tranh khổ lớn nhưng đầy nhạy cảm, cho đến các tác phẩm chân dung rực rỡ, ám ảnh, mang đậm ảnh hưởng của thời đại số.
Cơ thể không cần được “lý tưởng hóa”
Saville không chọn vẽ vẻ đẹp lý tưởng theo chuẩn mực truyền thống. Thay vào đó, cô miêu tả những thân hình thực, với những đường cong, dấu vết, vết nhăn hay cả sẹo mổ. Từ người mang thai, người chuyển giới đến cơ thể sau phẫu thuật, Saville trao cho họ vị trí trung tâm, nơi ánh nhìn không còn là phán xét mà là sự thấu hiểu.
Cô không ngại thử nghiệm, liên tục thay đổi phong cách mà vẫn thu hút các nhà sưu tập nghệ thuật, đặc biệt sau khi ký hợp đồng với Gagosian từ năm 1997.
Tác phẩm Propped (1992) từng lập kỷ lục khi được bán với giá 12,4 triệu USD tại Sotheby’s London năm 2018, đưa Saville trở thành nữ họa sĩ sống có giá tranh cao nhất thời điểm đó.
Tác phẩm Ruben's Flap (1992) (bên trái) và Stare (2004-2005). Ảnh: Gagosian.
Propped là tranh tốt nghiệp của cô tại Đại học Nghệ thuật Glasgow, được trưng bày trước gương để người xem có thể đọc dòng chữ đảo ngược của triết gia nữ quyền Luce Irigaray: “Nếu chúng ta cứ nói theo cách đàn ông đã nói hàng thế kỷ qua, chúng ta sẽ phụ nhau mà thất bại”.
Trong tranh, người mẫu khỏa thân với thân hình đầy đặn, góc chụp từ trên xuống tạo cảm giác nhân vật cao lớn và thách thức ánh nhìn. Thật bất ngờ khi biết chính Saville là người mẫu, một lựa chọn khẳng định tính chủ thể và cá nhân trong việc thể hiện cơ thể phụ nữ.
Nhiều tác phẩm của Saville được xem là chân dung, nhưng không theo nghĩa truyền thống. Dù nhân vật có thật (như chính cô và con cái), Saville lại không chủ đích khắc họa cá tính mà hướng đến cảm giác hiện diện trong cơ thể. Ví dụ, Trace (1993-1994) chỉ thể hiện phần lưng của một nhân vật vô danh, để lộ dấu vết của quần áo – một dấu hiệu mang tính trải nghiệm hơn là nhận diện.
Hay trong tác phẩm Plan (1993), cơ thể phụ nữ bị biến thành bản đồ, đánh dấu bằng những đường cong gợi nhớ đến phẫu thuật thẩm mỹ hoặc sự ám ảnh về hình thể. Saville thậm chí từng theo dõi trực tiếp các ca phẫu thuật tại New York để thực hiện Ruben’s Flap (1998–1999), bức tranh ghép ba phần thân phụ nữ cùng ba góc nhìn khác nhau từ chính khuôn mặt của cô.
Với Saville, cơ thể không cần phải hoàn hảo, nó chỉ cần là chính nó.
Dấu ấn cổ điển trong tư duy hiện đại
Dù nổi tiếng với nét vẽ hiện đại, Saville lại chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các bậc thầy Phục Hưng như Leonardo da Vinci, Michelangelo, cùng các danh họa hiện đại như Lucian Freud, Bacon, Willem de Kooning. Cô từng mê mẩn cách Leonardo xếp chồng nhân vật trong một bức tranh, khiến người xem không thể phân biệt rạch ròi đâu là tay, đây là chân của ai.
Cảm hứng này đã được tái hiện trong One out of two (symposium) (2016), nơi các cơ thể hòa trộn thành khối hình điêu khắc sống động bằng những đường vẽ đỏ dữ dội.
Saville cũng dùng kỹ thuật này để khắc họa kinh nghiệm làm mẹ, một chủ đề ít được tái hiện chân thực trong lịch sử mỹ thuật. Trong tranh cô, trẻ sơ sinh không “hiền như thiên thần” mà là những hình hài rối rắm, tứ chi chuyển động hỗn loạn, đúng như thực tế.
Chasah (2020) đánh dấu bước chuyển mình của Jenny Saville trong thời đại số, với hình ảnh khuôn mặt bị phân mảnh và gam màu nhân tạo gợi liên tưởng đến thế giới qua màn hình kỹ thuật số. Ảnh: Gagosian.
Một ngoại lệ đặc biệt là Aleppo - tác phẩm lấy tên từ thành phố chiến sự ở Syria, gợi lại hình ảnh Pietà của Michelangelo. Thay vì chỉ nói về trải nghiệm làm mẹ, bức tranh này mở rộng thành biểu tượng của nỗi đau chiến tranh, đặc biệt với phụ nữ và trẻ nhỏ.
Các tác phẩm gần đây của Saville mang đậm chất kỹ thuật số với hình ảnh mờ ảo, ánh sáng nhân tạo, màu sắc pastel như hồng phấn, cam, tím. Cô bắt đầu khám phá phong cách này sau chuyến đi đến Moscow năm 2019, khi chụp chân dung phụ nữ địa phương, đa phần rất xinh đẹp theo chuẩn mực phổ thông, nhưng khuôn mặt bị biến dạng nhẹ như thể đang nhìn qua màn hình điện thoại.
Saville cũng để lại bóng dáng chính mình trong các tác phẩm, như chiếc bóng trong mắt trái của một nhân vật nữ tên Chasah. Tuy nhiên, cô khẳng định, đây không phải chân dung theo nghĩa cá nhân mà là hành trình ghi lại cảm giác hiện sinh trong thời đại công nghệ.
“Tôi cố gắng dồn hết mọi thứ có thể để mô tả cảm giác được sống vào lúc này. Không gian hình ảnh hôm nay không còn là một mặt phẳng tĩnh mà là nhiều lớp thực tại trôi nổi như màn hình máy tính”, cô nói tại triển lãm ở Gagosian New York năm 2020.
Saville kết hợp nguồn cảm hứng đa dạng, từ nghệ thuật Ai Cập, tranh hang động thời tiền sử đến chân dung hiện đại, để tìm kiếm điều gì đó mang tính phổ quát. Sau ba thập kỷ, cô vẫn giữ được bản sắc riêng, dũng cảm, chân thực, và luôn không ngừng chuyển mình.
Thư Vũ