Tranh "Liên hoa tịnh cảnh" có tính biểu tượng, mang ý nghĩa sâu sắc về sự thuần khiết, giác ngộ và lòng từ bi trong Phật giáo. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Không chỉ có giá trị nghệ thuật mà bức tranh còn có tính biểu tượng, mang ý nghĩa sâu sắc về sự thuần khiết, giác ngộ và lòng từ bi trong Phật giáo.
Bức tranh mở ra khung cảnh tĩnh lặng của ban mai với những bông sen đang chuẩn bị đua nhau khoe sắc. Sử dụng mảng màu tươi sáng và chất liệu sơn dầu, họa sĩ Kim Đức đã khắc họa rõ nét sự vươn mình đẹp đẽ của những bông sen hồng, sen trắng xen kẽ với những lá sen xanh xòe to những chiếc ô xinh xắn trên mặt nước, đủ che đi bùn lầy ngay phía dưới.
Bất giác sự tươi mát, hương thơm thoang thoảng của hoa sen làm tỉnh thức con người, hướng tới chân thiện mỹ và đạt sự giác ngộ, tinh thần lạc quan, xua đi những khó khăn, thách thức của cuộc sống.
Tranh "Liên hoa tịnh cảnh" của họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức được trưng bày cùng xá lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ. (Ảnh: Mỹ Anh)
Ngắm bức tranh sen Liên hoa tịnh cảnh với những cánh sen đang nở tượng trưng cho sự khai mở của tâm thức, hương sen tỏa hương thơm ngát, biểu thị sự lan tỏa của trí tuệ và lòng từ bi. Đây đều là những biểu tượng sâu sắc mang tinh thần Phật giáo và là những giá trị cốt lõi mà Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc hướng tới.
Kết tinh giá trị nghệ thuật và yếu tố tâm linh, tranh Liên hoa tịnh cảnh thể hiện ý nghĩa sâu sắc về triết lý sống của con người “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” theo đúng tinh thần của Phật giáo.
Nhân dịp Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, bản in tranh Liên hoa tịnh cảnh đã vinh dự được Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn làm quà tặng Tổng thống Anura Kumara Dissanayaka của Sri Lanka – quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời.
Bản in tranh Liên hoa tịnh cảnh đã vinh dự được Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn làm quà tặng Tổng thống Anura Kumara Dissanayaka của Sri Lanka. (Nguồn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam)
Món quà không chỉ thể hiện tình cảm và sự tôn trọng giữa hai quốc gia, mà còn là biểu tượng giao lưu văn hóa – tâm linh, góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Sri Lanka trên nền tảng giá trị chung của Phật pháp.
Trong khuôn khổ Đại lễ, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức cũng đã trao tặng bản in bức tranh Liên hoa tịnh cảnh cho các đại biểu đến từ nhiều quốc gia: Ngài Ramin Mammadov – Bộ trưởng Bộ các tổ chức tôn giáo Azerbaijan; Đức Nhiếp chính vương Sangay Dorji Rinpoche, Bhutan; Ngài Zuraev Igor Ivanovich (Phó Thủ tướng Buryatia; Người đứng đầu Chính quyền Buryatia đại diện của Tổng thống Vladimir Putin, Nga) và Trưởng lão Hòa thượng Diễn Giác (Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc).
Họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức trao tặng bản in bức tranh "Liên hoa tịnh cảnh" cho Trưởng lão Hòa thượng Diễn Giác (Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc). (Ảnh: Mỹ Anh)
Trước đó, Liên hoa tịnh cảnh được Đức Pháp chủ, Đức Phó Pháp chủ và Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa, Tăng thống Phật giáo Myanmar gia trì, trưng bày tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX và triển lãm Nghệ thuật Sen Việt 2023 – Vẻ đẹp thuần khiết.
Chia sẻ với TG&VN, họa sĩ Nguyễn Thị Kim Đức cho biết, được trưng bày bức tranh Liên hoa tịnh cảnh trong khu vực Xá lợi Đức Phật tại chùa Quán Sứ vào dịp lễ đặc biệt này là phước báu và là cơ duyên hiếm có của chị, qua đó Liên hoa tịnh cảnh cũng sẽ góp phần nhỏ bé lan tỏa tinh thần lạc quan, mang lại sự hoan hỉ cho người dân Thủ đô đến chiêm bái xá lợi Đức Phật.
Mỹ Anh