Tranh luận về dự thảo thuế thu nhập doanh nghiệp 15-17%

Tranh luận về dự thảo thuế thu nhập doanh nghiệp 15-17%
2 giờ trướcBài gốc
Trong phiên họp Quốc hội hôm nay, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), với mục tiêu giảm gánh nặng thuế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, do dự luật có tác động lớn tới doanh nghiệp và nền kinh tế, nên nhiều nội dung đã dấy lên không ít lo ngại về hiệu quả thực tiễn và tác động đối với ngân sách nhà nước.
Trong đó, dự thảo luật đề xuất áp dụng mức thuế suất ưu đãi 15% cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng, và 17% cho doanh nghiệp có doanh thu từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng.
Theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), điều này sẽ giúp giảm gánh nặng thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ phát triển, tăng tính cạnh tranh và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng mức doanh thu 3 tỷ đồng là quá thấp so với quy mô thực tế của các doanh nghiệp siêu nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và thương mại, các ngành có chi phí cao, điều này hạn chế số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện.
Ngoài ra, khoảng cách doanh thu giữa các bước thuế 3 tỷ đồng và 50 tỷ đồng là rất lớn, trong khi thuế suất chỉ chênh 2%, tạo cảm giác bất bình đẳng.
Ông Bình còn bày tỏ lo ngại rằng cách phân loại doanh nghiệp dựa trên doanh thu có thể bị lợi dụng. Doanh nghiệp có thể chia nhỏ doanh thu hoặc lập công ty con để hưởng mức thuế suất thấp hơn, gây thất thoát ngân sách.
Ngoài ra, mức thuế suất tăng đột ngột từ 15% lên 17% và 17% lên 20% có thể khiến doanh nghiệp kìm hãm tăng trưởng để tránh mức thuế cao hơn, làm giảm động lực phát triển dài hạn.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh). Ảnh: trang tin Quốc hội
Để giải quyết các bất cập này, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế suất 15% lên 5 tỷ đồng, và 17% lên 70 tỷ đồng. Đồng thời, cần bổ sung các tiêu chí phân loại như số lượng lao động và tổng tài sản để đánh giá toàn diện hơn.
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn tình trạng lách luật, chẳng hạn như chuyển giá hay chia tách doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị áp dụng lộ trình tăng thuế suất linh hoạt, thay vì áp mức cố định. Ví dụ, thuế suất có thể tăng từ 15% lên 16%, rồi 17% lên 18% thay vì tăng đột ngột lên 20%. Điều này sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp khi mở rộng quy mô.
Đồng thời đề xuất mức thuế suất ưu đãi dưới 15% hay 17% cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và năng lượng tái tạo để thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) cũng góp ý rằng mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông 20% hiện tại vẫn còn cao so với các nước trong khu vực ASEAN, như Singapore. Bà đề nghị giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp xuống khoảng 19% nhằm tạo môi trường cạnh tranh hơn, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc nhận định rằng, mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm thấp trong khu vực Đông Nam Á. Ông cho rằng không nên so sánh trực tiếp với Singapore, nơi có thu nhập bình quân đầu người trên 90.000 USD.
Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ linh hoạt điều chỉnh thuế suất khi có biến động thực tế, như tình trạng trượt giá, để đảm bảo tính ổn định và dài hạn của luật.
Có thể thấy, các ý kiến tại kỳ họp hôm nay đều hướng tới việc cân nhắc kỹ lưỡng giữa mục tiêu giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước. Việc thiết kế chính sách cần tính toán kỹ để vừa hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, vừa tránh các hệ lụy tiêu cực như thất thu thuế hay kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Nhật Hạ
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/tranh-luan-ve-du-thao-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-15-17-d38137.html