Sáng 16/5, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Nhiều đại biểu đồng tình với các hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo, song cũng lo ngại về các quy định bố trí quỹ đất và cơ chế đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Theo các đại biểu Quốc hội, việc yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp dành một phần diện tích cho doanh nghiệp tư nhân thuê được đánh giá là bước đi đúng, tháo gỡ rào cản lớn: tiếp cận đất đai. Tuy nhiên, quy định tại khoản 4, 5 điều 7 trong dự thảo Nghị quyết lại gây nhiều băn khoăn. Theo đó, các khu công nghiệp thành lập sau khi Nghị quyết có hiệu lực phải dành tối thiểu 20 ha hoặc 5% diện tích đã đầu tư hạ tầng để cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực tư nhân thuê lại. Nếu sau hai năm không có đơn vị thuê, chủ đầu tư mới được cho doanh nghiệp khác thuê.
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho hay: “Quy định này có thể ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, vì họ đã phải tự bỏ vốn đầu tư nhưng trong vòng hai năm đầu lại chưa được khai thác diện tích đất này nếu không có doanh nghiệp đủ điều kiện thuê”.
Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu ý kiến: “Nếu sau khi hoàn thành hạ tầng, để lại một phần diện tích nhưng không có doanh nghiệp thuê thì sẽ lãng phí. Ai chịu trách nhiệm cho sự lãng phí đó? Có thể đẩy nhà đầu tư vào thế bị động, ảnh hưởng đến năng lực tài chính và thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”.
Phản hồi các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc dành quỹ đất cho doanh nghiệp tư nhân thuộc diện ưu tiên đã được cân nhắc kỹ. Quy định sau hai năm nếu không có doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên thuê thì được cho các đối tượng khác thuê là một cơ chế "mở".
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu: "Việc lấp đầy một khu công nghiệp thường mất vài năm, nên mốc thời gian hai năm là phù hợp. Ngoài ra, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ như giảm tiền thuê đất tối thiểu 30%, phần này được Nhà nước bù trừ qua cơ chế tài chính".
Trao đổi thêm với các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, việc bỏ thuế khoán là chủ trương lớn nhằm minh bạch môi trường kinh doanh, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã thử nghiệm tại một số địa phương và khẳng định hiệu quả, sẵn sàng mở rộng toàn quốc với đầy đủ hạ tầng và công nghệ. Để hỗ trợ hộ kinh doanh kê khai thuế, Bộ đã chỉ đạo hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền. Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất hỗ trợ tài chính để hộ kinh doanh sử dụng nền tảng số, phần mềm kế toán miễn phí. Chính phủ xem đây là giải pháp trọng yếu nhằm đạt 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 và 3 triệu vào năm 2045.
Trần Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/tranh-luan-ve-quy-dinh-bo-tri-quy-dat-khu-cong-nghiep-331113.htm