Phát biểu tại hội thảo "Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam", ngày 18/4, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, mặc dù chính sách thuế đối ứng của Mỹ chưa chính thức thực thi, nhưng đã tạo ra áp lực đáng kể đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Nguy cơ bất ổn trong chính sách thương mại toàn cầu đang hiện hữu và ngày càng rõ nét.
Trong bối cảnh đó, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh với các doanh nghiệp xuất khẩu vô cùng khó khăn. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ và rất hiếm khi xảy ra.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm tới 29% tổng kim ngạch xuất khẩu với các mặt hàng chủ lực như gỗ, điện tử, dệt may... Nếu chính sách thuế đối ứng được triển khai, tăng trưởng kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giảm việc làm và gây ra nhiều hệ lụy cho thương mại toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo "Thuế đối ứng của Mỹ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam".
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định, đề xuất áp thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đang tạo ra những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế. Nếu Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng hóa của Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta có thể giảm do nhu cầu yếu đi.
Cùng đó, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng và việc kiểm soát xuất khẩu, điều tra trốn thuế, xác minh nguồn gốc xuất xứ… có thể khiến Việt Nam đối mặt với rủi ro bị áp thuế đối ứng; bị hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao. Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa từ các quốc gia khác đang dư cung, đặc biệt là Trung Quốc.
“Trong kịch bản cơ sở, nếu Mỹ áp thuế đối ứng khoảng 20 - 25% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam, ước tính doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải trả thêm khoảng 55 tỷ USD mỗi năm. Ngược lại, nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống 0% cho hàng hóa từ Mỹ, tổn thất do giảm thu thuế ước khoảng 1,2 tỷ USD”, ông Lực nói.
Ông Lực khuyến nghị các doanh nghiệp nên tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí và tín dụng để tối ưu chi phí; đồng thời, cần chủ động nắm bắt xu hướng chuyển đổi “kép” (xanh hóa và số hóa) nhằm xây dựng chiến lược phát triển phù hợp với các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Ngoài ra, cần đa dạng hóa các yếu tố như thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm, dịch vụ và nguồn vốn để thích ứng với chuyển đổi xanh và mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Các doanh nghiệp cũng nên tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và việc nâng cấp quan hệ song phương với các đối tác lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Malaysia, New Zealand và Singapore. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội mở rộng xuất khẩu sang các thị trường đang tìm nguồn cung thay thế, cũng như đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (Amcham Hanoi), Amcham đang tập trung vào hai hướng chính để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó với nguy cơ áp thuế đối ứng từ Mỹ. Đó là đẩy mạnh đàm phán giữa các bên liên quan; hỗ trợ doanh nghiệp thực thi ba nhóm giải pháp chính đã được Chính phủ xác định (thu hẹp thặng dư thương mại với Mỹ, kiểm soát xuất xứ hàng hóa, giải quyết các rào cản kỹ thuật).
Bà Chu Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam chia sẻ, ngành đồ uống trong những năm gần đây phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Trong đó có áp lực trước dự thảo chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi với các đề xuất tăng mạnh đối với mặt hàng đồ uống có cồn và bổ sung mặt hàng mới là nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam đã gửi nhiều kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền với mong muốn các nhà hoạch định chính sách có thể rà soát, phân tích kỹ các tác động một cách đa chiều, toàn diện. Đồng thời, xem xét lại lộ trình tăng thuế phù hợp đối với mặt hằng rượu bia, chưa nên bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, bà Vân Anh bày tỏ.
Cùng quan điểm với kiến nghị của doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, các hiệp hội đã gửi kiến nghị tới các cơ quan liên quan về việc cân nhắc, xem xét việc giãn, giảm và lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt cho các đối tượng chịu tác động, trong đó có ngành rượu bia.
Các cơ quan chức năng chưa nên mở rộng, bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Qua đó, doanh nghiệp từng bước phục hồi, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp hiện nay.
Hà Anh