Mới đây trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) truyền tay nhau một đoạn video clip cực kỳ viral với hơn 5 triệu lượt xem. Đoạn video ghi lại cảnh các tín đồ đang tranh nhau từng giọt "nước thánh" chảy ra từ vòi có hình dáng con voi ở ngôi đền Banke Bihari ở thị trấn Vrindavan của Uttar Pradesh.
Theo đó, những người này cho rằng "nước thánh" chảy ra là "Chanran Amrit", hay nước thánh từ chân của Thần Krishna, vị thần trong Ấn Độ giáo. Rất nhiều tín đồ khi đi qua con đường nhỏ hẹp đã không ngừng hứng nước hoặc dừng lại trước vòi để cầu nguyện, nhiều người còn lấy cốc đựng hoặc hứng tay để uống với suy nghĩ đó chính là phước lành mà thần linh ban cho.
Nhiều tín đồ đã đến ngôi đền và tranh nhau từng giọt "nước thánh".
Tuy nhiên, sự thật đằng sau thứ mà ai cũng nghĩ là "nước thánh" , còn tranh nhau từng chút lại khiến nhiều người sau khi nghe xong ngay lập tức buồn nôn.
Được biết "nước thánh" này đến từ hệ thống điều hòa không khí. Một nhà sư tại ngôi đền nói về chuyện này: "Chúng tôi tôn trọng đức tin của mọi người vào thần linh. Tuy nhiên nước Charan Amrit thực sự là loại nước có chứa các thành phần như cây hương nhu và cánh hoa hồng, loại nước mà mọi người đang lầm tưởng chỉ là nước chảy ra từ hệ thống điều hòa không khí mà thôi".
Vụ việc trên còn được trang chuyên Times of India đưa tin. Một bác sĩ chuyên khoa gan ở Ấn Độ theo dõi vụ việc cũng đã chỉ ra nhiều mối nguy hại từ việc này. Không kể đến việc sùng đạo của các tín đồ, hệ thống điều hòa là nơi sinh sôi của nhiều loại bệnh truyền nhiễm và cực kỳ nhiều loại nấm, ký sinh trùng. Nếu uống nước ngưng tụ từ hệ thống điều hòa không khí có thể có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, đặc biệt là viêm phổi Legionnaire. Nhiều tín đồ sau khi biết chuyện đã cực kỳ ngỡ ngàng và buồn nôn.
Truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin về vụ việc và nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp cận thông tin chính xác tại các địa điểm tôn giáo để các tín đồ và người sùng đạo được đảm bảo sức khỏe và niềm tin.
Thừa Nguyên