Sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đầy căng thẳng, nhiều học sinh và phụ huynh tiếp tục đối mặt với một quyết định quan trọng không kém: lựa chọn tổ hợp môn học.
Năm học 2025–2026 là năm thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT. Theo đó, thay vì học tất cả các môn như trước, học sinh lớp 10 sẽ học 8 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Giáo dục địa phương. Ngoài ra, mỗi học sinh sẽ chọn thêm 4 môn trong số 9 môn tự chọn, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Việc được lựa chọn môn học theo năng lực, sở thích là điểm mới tích cực của chương trình. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến không ít phụ huynh và học sinh lần đầu tiếp cận chương trình mới trở nên bối rối, bởi tổ hợp môn không chỉ ảnh hưởng đến cả quá trình học tập và là căn cứ quan trọng khi xét tuyển vào đại học.
Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh.
Ghi nhận tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy, ngay sau khi công bố điểm chuẩn trúng tuyển, các trường đã chủ động triển khai tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10. Tại Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, năm học này, nhà trường có khoảng 630 học sinh khối 10 chia vào 14 lớp. Đến nay học sinh đã hoàn thành việc đăng ký lựa chọn tổ hợp môn học, trong đó khoảng 440 em đăng ký tổ hợp khoa học tự nhiên, 190 em chọn khoa học xã hội. Thầy giáo Dương Văn Thành, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Về lý thuyết, học sinh có thể chọn nhiều tổ hợp khác nhau từ các môn tự chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, do điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất, nhà trường chỉ có thể triển khai một số tổ hợp phù hợp, chia thành hai nhóm chính là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Tại Trường THCS và THPT Hoàng Hoa Thám, công tác tư vấn cũng được triển khai sớm. Hiệu trưởng nhà trường Vũ Thanh Bình chia sẻ: Nhiều học sinh vẫn chọn tổ hợp theo bạn bè hoặc theo ý phụ huynh mà chưa thực sự hiểu mình học tốt môn nào, muốn làm nghề gì sau này. Hậu quả là giữa chừng lại muốn đổi tổ hợp, ảnh hưởng lớn tới chất lượng học tập. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh chỉ được xem xét đổi môn học vào cuối năm lớp 10 và phải học bù kiến thức, gây không ít áp lực.
Trong quá trình lựa chọn tổ hợp môn học, em Nguyễn Hoàng Thu Thủy, học sinh lớp 10, Trường THPT Dương Quảng Hàm có sự tư vấn, định hướng từ gia đình và nhà trường.
Từ góc độ học sinh, em Nguyễn Hoàng Thu Thủy, học sinh lớp 10, Trường THPT Dương Quảng Hàm bày tỏ: Chúng em mong các trường đại học công bố đề án tuyển sinh sớm, ngay từ khi bắt đầu vào lớp 10, để có định hướng rõ ràng trong việc lựa chọn tổ hợp môn, tránh tình trạng như năm nay, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề, một số trường đại học bất ngờ loại bỏ tổ hợp khối C00 xét tuyển khiến nhiều anh chị hoang mang, lo lắng...
Theo các chuyên gia giáo dục, chọn tổ hợp môn học là một quyết định “chiến lược”, ảnh hưởng tới cả quá trình học tập ở THPT và cơ hội vào đại học. Học sinh cần xác định rõ sở trường, tìm hiểu kỹ yêu cầu tuyển sinh ngành học mong muốn, và tham khảo ý kiến giáo viên, tư vấn hướng nghiệp. Học sinh tuyệt đối không nên chọn môn học chỉ vì dễ đạt điểm cao nếu không phục vụ cho mục tiêu dài hạn. Mỗi bạn học sinh cần là người đưa ra quyết định cho chính tương lai của mình.
Hương Giang - Dương Miền