Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, để đạt được mục tiêu, trong quý IV/2024, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần quyết liệt tháo gỡ những vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách quy định liên quan đến các thủ tục về đất đai, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, nhất là có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA.
Công nhân thi công gia tải nền đường đoạn qua huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang (Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). Ảnh minh họa: Thanh Sang/TTXVN
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, đến ngày 30/9, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 320.566 tỉ đồng, bằng 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tỉ lệ giải ngân này không đạt được như kỳ vọng; trong đó, Tp. Hồ Chí Minh được giao hơn 79.263 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 21,29% kế hoạch. Còn Hà Nội được giao hơn 81.033 tỉ đồng, nhưng tỉ lệ giải ngân mới chỉ đạt 38,88% kế hoạch.
Đáng nói vẫn còn 31 bộ, cơ quan và 23 địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp hơn trung bình của cả nước. Một số địa phương được giao kế hoạch lớn, song tỉ lệ giải ngân thấp dẫn đến làm giảm tỉ lệ giải ngân chung của cả nước.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do chính sách còn vướng mắc, chậm sửa đổi, việc phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công các năm chậm trễ, phân bổ rất nhiều lần. Nhiều dự án tắc nghẽn vì giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng. Trong khi tại các địa phương, tâm lý cán bộ e dè, không dám làm cũng gây cản trở tiến độ giải ngân.
Tại buổi làm việc của Tổ công tác số 3 của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 mới đây tại Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và trước đó là tỉnh Bình Phước (6 địa phương vùng Đông Nam Bộ), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đánh giá, 6 địa phương vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ trung bình giải ngân vốn đầu tư chỉ đạt 35,46% kế hoạch, thấp hơn bình quân cả nước là 47,29%. Do đó, các địa phương cần phải đánh giá sát hơn, có giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện các mục tiêu.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, nhìn chung các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của 6 địa phương trong vùng Đông Nam Bộ cũng là chung của cả nước, đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, nguyên nhân giải ngân chậm do việc triển khai tại các địa phương còn nhiều bất cập. Cùng mặt bằng pháp lý, có bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có nơi tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), bao gồm 7 Chương, 116 Điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn. Và dự Luật này sẽ được đưa ra tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét và cho ý kiến.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, dự thảo Luật Đầu tư công lần sửa đổi này sẽ khắc phục được bài toán “có tiền mà không tiêu được”; đồng thời, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”… và có thể tận dụng hiệu quả các nguồn lực có sẵn để giải ngân được ngay về mặt kế hoạch. Từ đó, đáp ứng được yêu cầu của các nhà tài trợ nhưng vẫn đảm bảo được quy định của Luật Quản lý nợ công “giải ngân đồng thời song song giữa vốn cấp phát và vốn vay lại”…
Cùng với việc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật đầu tư công, việc đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong quý IV là rất áp lực. Trước yêu cầu cấp thiết này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg ngày 8/10/2024 đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch được giao.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đẩy nhanh tiến độ, giảm ít nhất 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan tới việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh thanh toán, quyết toán vốn đầu tư công, không để tồn đọng khối lượng đã thực hiện nhưng không được thanh toán, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động Tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng. Cùng đó, phân công lãnh đạo theo dõi, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện công việc trong từng tuần. Ngoài ra, bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan tại các bộ, ngành Trung ương, địa phương cũng như tại các đơn vị trực thuộc để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Về phía địa phương, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương giao chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công cho từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án đầu tư công, giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết so với quy định hiện hành.
Cùng với Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, trọng tâm là những công trình, dự án đã được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận chỉ đạo, cho chủ trương thực hiện. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh rà soát, tham mưu UBND tỉnh cắt giảm, điều chuyển nguồn vốn đối với những dự án không thể giải ngân đạt kế hoạch; phấn đấu kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
Thúy Hiền (TTXVN)