Chiều 8/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tổ về ba dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; và Luật Thanh tra (sửa đổi).
Nhiều ý kiến thẳng thắn chỉ rõ bất cập trong hoạt động thanh tra - kiểm tra hiện nay như trùng lắp, kéo dài, thiếu phối hợp. Các đại biểu nhấn mạnh: đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng “mỗi năm doanh nghiệp đón nhiều đoàn thanh tra” vừa gây tốn kém, vừa làm giảm niềm tin vào hệ thống.
Góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) đề nghị cần thể chế hóa các nội dung quan trọng trong Nghị quyết 57, 66, 68 vừa được ban hành gần đây, trong đó yêu cầu rõ ràng: chấm dứt thanh tra, kiểm tra trùng lắp, kéo dài không cần thiết. Doanh nghiệp chỉ nên bị thanh tra, kiểm tra mỗi năm một lần - trừ khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn Hà Nội) góp ý: “Cần xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng hệ thống dữ liệu và công cụ trí tuệ nhân tạo cảnh báo sớm nguy cơ vi phạm pháp luật; ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Cần triển khai thanh tra, kiểm tra trực tuyến, ưu tiên từ xa dựa trên dữ liệu điện tử; giảm kiểm tra trực tiếp, miễn kiểm tra thực tế với doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật. Những giải pháp này cần được thể chế hóa ngay trong luật”.
Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn Hà Nội) nêu băn khoăn: “Dự thảo luật mới quy định một trình tự chung cho tất cả các hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Trong khi thực tế, hai loại này khác nhau về bản chất, nên áp dụng chung một quy trình sẽ thiếu khả thi”.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) bày tỏ lo ngại: “Dự thảo luật quy định một trình tự chung cho tất cả các hoạt động thanh tra mà không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành - điều này thiếu khả thi. Báo cáo của Chính phủ năm 2024 cho thấy công tác thanh tra còn hạn chế: có trường hợp cán bộ thanh tra vi phạm, bị xử lý hình sự; nhiều đơn vị chậm thực hiện kết luận thanh tra nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để. Nếu không phân biệt hai loại hình thanh tra, liệu có khắc phục được những hạn chế này?”
Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) dẫn báo cáo công tác xét xử cho thấy: năm 2024, ba tòa án cấp cao đã thụ lý 11.152 đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, giải quyết được 6.957 đơn. Tổng số án loại này do TAND Tối cao và các tòa cấp cao thụ lý là 16.096 vụ, đã giải quyết 10.192 vụ, đạt tỷ lệ 63,32%. Theo đại biểu, đề xuất tăng thẩm phán TAND Tối cao từ 13 lên 23–27 người là chưa tương xứng, khi hiện tại có khoảng 170 thẩm phán tại các tòa cấp cao đang đảm đương khối lượng công việc này. Vì vậy, cần phân quyền mạnh hơn cho tòa án cấp tỉnh trong xử lý giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) cho rằng: “Phần mà tòa án cấp tỉnh thực hiện việc giám đốc thẩm tái thẩm cũng sẽ giảm tải được một phần nhưng không phải là nhiều. Hiện đa phần các án giám đốc thẩm tái thẩm vẫn sẽ dồn lên Tòa án nhân dân tối cao. Việc đề xuất tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 lên 23-27 người chưa thực sự tương xứng với khối lượng công việc. Tôi nghĩ cũng không thấm gì so với con số 170 thẩm phán đang tiến hành công việc này tại các tòa án cấp cao hiện nay. Do đó, chúng ta phải nghĩ đến phương án mang tính tổng thể và căn cơ hơn. Đó là phân quyền nhiều hơn cho tòa án cấp tỉnh trong việc xử lý các cái án giám đốc thẩm và tái thẩm”.
Nhiều ý kiến đề nghị, trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, việc thành lập các tòa chuyên biệt như Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, nên thí điểm ở một số thành phố lớn trước, nhằm đánh giá hiệu quả mô hình, tránh gây áp lực tổ chức bộ máy.
Trần Nam
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/tranh-thanh-tra-chong-cheo-nhung-nhieu-doanh-nghiep-328153.htm