Tránh xa cảm xúc tiêu cực nhờ có 'đồng nghiệp chất lượng'

Tránh xa cảm xúc tiêu cực nhờ có 'đồng nghiệp chất lượng'
6 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Vì hai chị em khá thân nhau nên mỗi lần nhảy việc, Vy đều tâm sự với tôi. Em nói, làm ở nơi nào cũng chỉ được một thời gian ngắn là Vy mất hứng thú trong công việc. Không lý do này thì lý do khác tác động, khiến Vy cảm thấy chán.
Thậm chí có lần Vy tâm sự: "Cứ nghĩ đến việc phải đến công ty là em thấy sợ! Đi làm với tâm trạng này, mọi việc làm sao có thể hiệu quả được hả chị?"…
Vậy là Vy lại tìm cách "nhảy việc", với mong muốn có thể tìm lại niềm vui nơi công sở. Cũng may, cô học kế toán nên tìm việc cũng không quá vất vả như các ngành nghề khác. Có thể mức thu nhập mỗi lần chuyển chỗ làm tương đương nhau nhưng "nhảy việc" liên tục đã làm cho Vy mất cơ hội thăng tiến.
Trong lúc bằng tuổi Vy, nhiều bạn bè của cô đã khẳng định được mình và có chỗ đứng nhất định thì Vy phải "làm lại từ đầu" chỉ để chứng minh được mình là người có thực lực.
Bố mẹ Vy - tức là cô chú của tôi - cũng rất buồn và nói đã tạo điều kiện hết cỡ cho con. Hai lần Vy sinh con là hai lần cả ông bà nội và ngoại đều dành thời gian chăm cháu. Vy không quá vất vả việc nhà vì đã có ông bà hai bên hỗ trợ nên có thể toàn tâm toàn ý cho công việc.
Hơn ai hết, cô chú của tôi mong con có thể gắn bó lâu dài với một công ty nào đó thay vì cứ vài năm lại "nhảy việc" một lần. "Càng có tuổi, tìm việc càng khó, lần trước thời gian gián đoạn giữa hai công ty cũng hơn nửa năm trời cháu ạ!", cô tôi thở ngắn than dài khi biết tin Vy lại nghỉ việc.
"Không có thu nhập là một chuyện, điều cô thấy lo là tâm trạng Vy mỗi lần nghỉ việc cũng không bình thường. Cả nhà phải chịu đựng tính khí thất thường, hơi tí là cáu giận vô cớ của nó! Cháu thân với em thì khuyên nó giúp cô chú".
Thực tình, tôi đã nói chuyện với Vy khá nhiều lần nên lần này không biết sẽ nói gì với em. Nhưng vì cô chú có lời nhờ nên tôi vẫn hẹn Vy đi cà phê nói chuyện.
Vừa ngồi xuống, Vy đã nói ngay: "Có phải chị lại định khuyên em đừng tiếp tục nhảy việc không? Em cũng không biết sao em lại thế. Lần nào em cũng hạ quyết tâm đây sẽ là lần cuối em chuyển chỗ làm nhưng rồi em lại không thể thực hiện được!"…
Vy lo lắng vì không biết cô có mắc bệnh tâm lý nào đó không khi bản thân lúc nào cũng cảm thấy có người xì xào nói xấu sau lưng mình. Làm ở đâu Vy cũng chỉ kết bạn và chia sẻ được với 1-2 người. Ai cũng ngại tiếp xúc với Vy vì nhìn cô lạnh lùng, khó gần.
"Chị có thấy em khó gần không?", Vy bất ngờ hỏi khiến tôi ngỡ ngàng. Dù "nhảy việc" nhiều nhưng đây là lần đầu tiên Vy thẳng thắn đề cập đến chuyện này với tôi.
Tôi khuyên Vy nên mở lòng hơn, tuy không kết thân với nhiều đồng nghiệp nhưng những đồng nghiệp tốt sẽ là "cầu nối" giữa Vy và những đồng nghiệp khác. Cố gắng làm tốt phần việc của mình, ít quan tâm đến những lời nói của nhóm này, nhóm kia và tự nghĩ rằng họ đang nói xấu mình bởi sự suy diễn này sẽ "hút hết" năng lượng tích cực của Vy…
Bẵng đi một thời gian, mới đây gặp lại, tôi nhìn thấy một hình ảnh rất khác của Vy. Vy ăn mặc trẻ trung, năng động hơn, nói cười vui vẻ với một nhóm đồng nghiệp. Vy hào hứng giới thiệu tôi với mọi người và bảo: "Đây là các đồng nghiệp ở công ty cũ của em. Sắp tới em sẽ trở về đó làm việc. Em cảm thấy vui vì mọi người đã luôn yêu quý và chào đón em trở lại".
Lúc chia tay, Vy thì thầm: "Nhờ mở lòng chia sẻ với đồng nghiệp chất lượng như chị khuyên mà em thấy công việc, cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều!"…
Bảo Châu
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/tranh-xa-cam-xuc-tieu-cuc-nho-co-dong-nghiep-chat-luong-20241003153252509.htm