Trao cơ hội làm lại cuộc đời cho học viên cai nghiện ma túy

Trao cơ hội làm lại cuộc đời cho học viên cai nghiện ma túy
9 giờ trướcBài gốc
Trong tuần đầu tháng 5, Đại úy Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Bình Phước cho biết đơn vị vừa tổ chức khai giảng lớp học xóa mù chữ cho 24 học viên đang cai nghiện tại cơ sở. Theo chương trình Tiểu học (lớp 1 và lớp 2), học viên được học các môn Tiếng Việt và Toán trong 3 buổi mỗi tuần, do cán bộ bộ phận Văn hóa - Giáo dục của cơ sở trực tiếp giảng dạy.
Không chỉ cai nghiện, cơ sở muốn học viên có cơ hội được giáo dục lại từ gốc rễ, để sau này họ có thể hòa nhập xã hội một cách đầy đủ hơn.
Cán bộ Công an tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Phú Văn dạy học viên học.
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 tỉnh Bình Phước (xã Phú Nghĩa), lớp xóa mù chữ cũng vừa chính thức khai giảngTổng cộng có 40 học viên tham gia và được chia thành 2 lớp, học theo chương trình Tiểu học (lớp 1 và lớp 2) với các môn học chính gồm: Tiếng Việt và Toán. Lớp học được tổ chức 3 buổi mỗi tuần, do cán bộ bộ phận Văn hóa – Giáo dục của cơ sở trực tiếp giảng dạy.
Dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên từ Trung tâm Giáo dục thường xuyên, học viên được học theo chương trình xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tập trung vào các kỹ năng cơ bản: đọc, viết và tính toán. Dù tuổi đời và hoàn cảnh mỗi người khác nhau, song điểm chung là sự hứng khởi, mong mỏi được thay đổi, làm lại từ đầu.
Thượng tá Dương Văn Mạnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, trong nhiều buổi làm việc với các cơ sở đã nhấn mạnh, không chỉ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các cơ sở, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng Công an là giáo dục, phục hồi nhân cách, tạo điều kiện cho học viên tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, xóa mù chữ là một giải pháp mang tính nền tảng.
Công an tỉnh đã chủ động huy động đội ngũ giáo viên và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm tổ chức lớp học ngay tại các cơ sở cai nghiện. Không gian học tập được chuẩn bị đầy đủ bàn ghế, bảng viết, sách vở. Học viên học theo ca, đảm bảo phù hợp với lịch sinh hoạt, lao động trị liệu tại đơn vị.
Ngồi cặm cụi nắn nót từng chữ cái, học viên N.T.T. (SN 1990) rưng rưng chia sẻ: “Em bỏ học từ lớp 2 vì gia đình nghèo, sau đó đi làm thuê, sa vào ma túy lúc nào không hay. Tưởng đời mình vậy là hết, ai ngờ vào đây lại được đi học, được cán bộ Công an quan tâm. Chưa bao giờ em nghĩ sẽ có ngày ngồi trong lớp, có sách vở, bút mực như thế này”.
Bên cạnh việc mở lớp học, Công an tỉnh Bình Phước còn triển khai đồng bộ các hoạt động phục hồi chức năng tâm lý, giáo dục đạo đức, lao động trị liệu và dạy nghề tại các cơ sở. Mục tiêu là để học viên không chỉ thoát khỏi cơn nghiện về thể chất mà còn được chữa lành về tâm hồn, có định hướng rõ ràng sau khi trở về với cộng đồng.
Theo đánh giá của cán bộ phụ trách, việc xóa mù chữ là một trong những bước đầu tiên nhưng rất quan trọng trong tiến trình phục hồi. Bởi khi người nghiện có kiến thức cơ bản, họ mới có thể tiếp cận thông tin tích cực, tự tin hơn trong giao tiếp, nâng cao khả năng kiếm sống hợp pháp và giảm nguy cơ tái nghiện. Không chỉ là hình thức, xóa mù chữ đã trở thành biểu tượng của sự nhân văn, là hành trình tiếp sức cho những phận người lầm lỡ có cơ hội làm lại. Khi biết đọc, biết viết, học viên có thể chủ động học tập, tìm hiểu các quy định pháp luật về phòng, chống ma túy. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu rõ hơn về tác hại của ma túy, góp phần xây dựng ý chí vươn lên, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.
Nguyễn Cảnh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/xa-hoi/trao-co-hoi-lam-lai-cuoc-doi-cho-hoc-vien-cai-nghien-ma-tuy-i768974/