Trao cơ hội việc làm cho người nghèo

Trao cơ hội việc làm cho người nghèo
2 giờ trướcBài gốc
Khôi phục, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Mường xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn
“Trao cần câu”
Cũng như các hộ dân khác ở trong khu, trước đây, gia đình ông Dương Trung Minh ở khu Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn chủ yếu sống dựa vào ruộng nương nên thường xuyên khó khăn, thiếu thốn. Nhiều năm liên tiếp, gia đình ông nằm trong danh sách hộ nghèo. Sau khi được thụ hưởng Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế (thuộc nguồn vốn sự nghiệp Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững), kinh tế của gia đình ông Minh đã được cải thiện. Nhờ được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, đến nay gia đình ông đã duy trì đàn dê 20 con, đàn gia cầm, dúi sinh sản... mỗi năm mang lại nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Kinh tế ổn định, gia đình ông đã ra khỏi diện hộ nghèo, từng bước xây dựng cuộc sống khá giả.
Hộ anh Dương Trung Minh ở khu Đá Cạn, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn được hỗ trợ nuôi dê để phát triển kinh tế gia đình.
Thực hiện tiểu Dự án 3, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) về Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS&MN phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng, gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Phú Thọ đã được hỗ trợ đầu tư sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và công trình phục vụ sinh hoạt, tập luyện cho người học.
Cùng với đó, Trường được đầu tư mua máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo trình độ trung cấp của các nghề: Điện công nghiệp, công nghệ ô tô, hàn, trồng trọt và bảo vệ thực vật; thú y, may thời trang; hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học... Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động đào tạo ngày càng được nâng cao.
Em Đỗ Tuấn Tài ở khu Pheo, xã Yên Lãng, huyện Thanh Sơn đang theo học lớp Công nghệ ô tô tại Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú Thanh Sơn chia sẻ: “Học tại đây, sau 2 năm em sẽ có bằng Trung cấp nghề và có nhiều cơ hội việc làm”. Cùng với Đỗ Tuấn Tài, hàng chục nghìn con em người dân tộc thiểu số được hưởng chế độ hỗ trợ của Chính phủ theo Chương trình 1719 về Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực thuộc Dự án 5.
Huyện miền núi Thanh Sơn có 32 dân tộc cùng chung sống, trong đó chiếm phần lớn là dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Dao và các dân tộc thiểu số khác. Tiếp nối Chương trình 135 được triển khai có hiệu quả, thời gian qua, huyện đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm về lao động, việc làm, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội với các địa bàn đặc biệt khó khăn có đồng bào DTTS sinh sống; đồng thời lồng ghép các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc để đầu tư có hiệu quả các dự án, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào.
Đồng chí Phạm Tú- Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Đời sống đồng bào DTTS của huyện ngày càng khởi sắc, rút ngắn khoảng cách với miền xuôi. Trong 5 năm qua đã có hàng chục nghìn người là đồng bào DTTS được đào tạo nghề, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động. Nhiều gia đình DTTS nghèo được hỗ trợ sửa chữa, xây mới xóa nhà tạm...”.
Hộ anh Hà Văn Tông ở khu Vượng, xã Minh Đài, huyện Tân Sơn được hỗ trợ 200 gà giống nhiều cựa theo Chương trình 1719.
Đầu tư trọng tâm, trọng điểm
Với quan điểm “trao cần câu, không trao con cá”, chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển, từ năm 2021 đến nay, Chương trình 1719 và Chương trình giảm nghèo bền vững đã tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết việc làm mới cho gần 10 nghìn người DTTS; trong đó có 2 nghìn người đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với các ngành nghề chủ yếu là: Sản xuất, chế tạo máy móc, thủy hải sản, nông nghiệp, xây dựng... với thu nhập từ 14 triệu đến 22 triệu đồng/người/tháng.
Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp cho lao động vùng DTTS không ngừng được mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả. Lao động là người DTTS được hỗ trợ tiếp cận với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm. Thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp được hỗ trợ tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.
Chương trình 1719 đã dành nguồn lực đầu tư đáng kể cho các chính sách phát triển thông qua ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế, phát triển nguồn nhân lực kết hợp với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Các nội dung của chương trình hướng đến mục tiêu hỗ trợ kịp thời đồng bào DTTS tiếp cận được các dịch vụ cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển so với các vùng phát triển của cả nước.
Một trong những dự án nổi bật là tiểu Dự án 2 của Dự án 3 về Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị được triển khai tại các huyện miền núi trong tỉnh như: Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy. Tại huyện Tân Sơn đã thực hiện 13 dự án chăn nuôi bò lai tại xã Kiệt Sơn, Long Cốc, Vinh Tiền, Tân Phú, Xuân Sơn, Lai Đồng, Thu Cúc; 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua ứng dụng cơ giới hóa; 3 dự án chăn nuôi dê; 3 dự án chăn nuôi lợn lửng, gà nhiều cựa, vịt suối; 2 dự án trồng cam, quýt; 1 dự án trồng chè; 1 dự án trồng quế hữu cơ; 1 dự án trồng dược liệu.
Nỗ lực “trao cần câu” giúp người dân tự chủ hơn trong phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong việc triển khai lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia với chính sách dân tộc như tuyên truyền giáo dục, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc, hỗ trợ máy móc thiết bị nông cụ và cây con giống, phát triển giao thông nông thôn... Nhìn chung, các chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đều đạt so với kế hoạch đề ra. Đến nay, 100% các xã, 99% các thôn ở miền núi có đường ô tô đến trung tâm được trải nhựa hoặc bê tông; 100% các thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 99,77% hộ dân được sử dụng điện lưới; 96,56% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Đồng chí Cầm Hà Chung- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: “Việc triển khai, thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát tốt... Đến nay đã có hàng trăm hộ đồng bào DTTS viết đơn tự nguyện xin thoát nghèo; hàng nghìn gia đình tự nguyện hiến đất, cây cối, hoa màu, tài sản trên đất phục vụ giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, công trình, xây dựng NTM... Nhiều gia đình vươn lên trở thành những điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất kinh doanh giỏi”.
Thúy Hằng
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/trao-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-ngheo-221563.htm