Lễ diễu binh trên đảo Trường Sa Lớn.
Đúng 9 giờ sáng 29/4/1975, lá cờ Giải phóng tung bay trên bầu trời Trường Sa Lớn, đánh dấu thời khắc lịch sử: quần đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng.
Vang vọng hào khí tháng Tư lịch sử
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, Hải quân nhân dân Việt Nam đã mưu trí, thần tốc, táo bạo giải phóng các đảo do ngụy quyền Sài Gòn kiểm soát, đưa giang sơn về một mối. Đó không chỉ là chiến thắng về mặt quân sự, mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, là tuyên ngôn hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Tổ quốc trên Biển Đông.
Đoàn công tác của Quân chủng Hải Quân phối hợp các đơn vị doanh nghiệp Trung ương thăm các hộ gia đình sinh sống trên đảo Đá Tây A (Quần đảo Trường Sa).
Nửa thế kỷ đã trôi qua, Trường Sa hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Từ những đảo đá, bãi cát hoang sơ đã vươn mình trở thành những điểm tựa vững chãi giữa đại dương. Từ những đơn vị nhỏ bé, nơi đây đã hình thành nên những tập thể quân dân gắn bó keo sơn, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà ở, trường học, bệnh xá, trạm phát sóng viễn thông được đầu tư đồng bộ, bài bản. Những luống rau xanh mướt trên đảo, tiếng trẻ thơ ríu rít học bài, những mái chùa thanh tịnh giữa trùng khơi là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt, cho khát vọng vươn lên và trường tồn.
Tôi còn nhớ, ngày ấy gặp chiến sĩ trẻ Trần Gia Kiệt thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Dưới ánh nắng chói chang của đảo Sinh Tồn, cậu lính trẻ đã xúc động chia sẻ: “Được thực hiện nhiệm vụ ngoài biển đảo là niềm tự hào lớn. Em cảm thấy mình đang trực tiếp tiếp nối truyền thống cha anh, gìn giữ từng tấc đất, từng sải biển quê hương”.
Với những người lính như Gia Kiệt, nhiệm vụ nơi đảo xa không chỉ đơn thuần là mệnh lệnh, mà còn là lý tưởng sống được hun đúc từ truyền thống kiên cường của dân tộc. Những ca gác xuyên đêm, những chuyến tuần tra miệt mài giữa đại dương xanh thẳm, và cả những luống rau xanh mướt vươn lên mạnh mẽ giữa gió cát mặn mòi được Kiệt cùng đồng đội chăm sóc..., tất cả đều thấm đẫm tinh thần “sống bám đảo, chết hóa thân vào đảo”, trở thành biểu tượng sinh động cho ý chí kiên trung, cho sức sống bền bỉ nơi đầu sóng ngọn gió.
Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân phối hợp các đơn vị doanh nghiệp trung ương tặng sách và đồ dùng học tập cho các em học sinh trên đảo Đá Tây A (Quần đảo Trường Sa).
Trong những ngày này, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Núi Le B cũng đang nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ, Chính trị viên Ngô Trí Tài cho biết: “Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Trường Sa, mỗi cán bộ chiến sĩ đều nỗ lực hơn, rèn luyện nhiều hơn, luôn khắc ghi vai trò tiên phong trong công cuộc giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là niềm tự hào cao quý của mỗi người lính”.
Tiếp nối hào khí, dựng xây vững bền
Sau hai lần được ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, đồng chí Hồ Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, bày tỏ sự xúc động sâu sắc: “Trường Sa hôm nay đã thực sự đổi thay. Các điểm đảo được xây dựng khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, chiến sĩ được cải thiện rõ rệt. Nhưng hơn hết, tôi cảm nhận được tinh thần thép, ý chí bất khuất trong mỗi con người nơi đây, từ người lính gác đảo cho đến những cư dân bám biển”.
Chung niềm xúc động ấy, đồng chí Hà Sơn Nhin, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, cũng gửi gắm những lời nhắn nhủ đầy tin yêu: “Từ lòng dân đất liền, chúng tôi gửi gắm trọn niềm tin vào các anh - những người lính canh giữ trời biển quê hương. Các anh là hiện thân của lòng quả cảm, của tình yêu Tổ quốc bất diệt”.
Tặng quà cho cán bộ, chiến trên đảo Đá Tây A (Quần đảo Trường Sa).
Nếu những người đã nhiều lần tới Trường Sa cảm nhận sự trưởng thành, lớn mạnh của quần đảo, thì với những người lần đầu đặt chân đến nơi đây, cảm xúc lại càng dâng trào mãnh liệt. Trong chuyến đi cùng chúng tôi năm ngoái, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam không giấu nổi sự xúc động khi lần đầu được ra thăm Trường Sa. Ông cho biết: “Chứng kiến tận mắt cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa, tôi thật sự cảm phục sự hy sinh thầm lặng, tinh thần bám trụ kiên cường của họ. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của Trường Sa, để nơi này không chỉ là pháo đài thép bảo vệ chủ quyền, mà còn là miền đất trù phú, ấm tình người”.
Tình cảm từ đất liền không chỉ gửi gắm qua những lời động viên, mà còn được thắp sáng bằng các hoạt động văn hóa hướng về biển đảo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam xúc động chia sẻ khi ra với các đảo: “Chúng tôi mang ra Trường Sa những thước phim, những cuốn sách, như những nhịp cầu nối nhịp đập đất liền với đảo xa. Nghệ thuật có thể xóa nhòa khoảng cách địa lý, thắp lên tình yêu nước, niềm tin vào Trường Sa bất diệt trong lòng mỗi người dân”.
Tôi vẫn nhớ, buổi trưa nắng hôm ấy, trên đảo Đá Tây A, trong tiếng chuông chùa ngân vang, Đại đức Thích Nhuận Hiếu, trụ trì chùa Đá Tây A, xúc động nhắn nhủ: “Trường Sa là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Đó là chân lý vĩnh cửu. Con dân nước Việt hãy cùng nhau chung tay giữ cho biển đảo quê hương luôn bình yên, thịnh vượng”.
Lễ diễu binh trên đảo Trường Sa Lớn.
Không chỉ có những người lính, những công dân Trường Sa như vợ chồng anh Nguyễn Minh Tâm và chị Phạm Thị Bảy cũng đang từng ngày vun đắp sự sống trên đảo. Anh Tâm hiện là dân quân tự vệ, tham gia chăm sóc cảnh quan, bảo vệ công trình công cộng. Chị Bảy ngoài việc nội trợ, chăm con, còn trồng rau, chăn nuôi, tham gia Chi hội Phụ nữ ở thị trấn Trường Sa. “Tình quân dân trên đảo thắm thiết như anh em ruột thịt. Chúng tôi xem Trường Sa như quê hương thứ hai, cùng nhau xây dựng cuộc sống bình yên, no ấm giữa trùng khơi” - anh Tâm tự hào nói.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, khẳng định: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội và nhân dân Trường Sa đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo vẫn vô cùng nặng nề, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần thép của mỗi cán bộ chiến sĩ”. Cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quân và dân Trường Sa còn tích cực tuyên truyền, chung tay xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên biển.
Nửa thế kỷ trôi qua, chiến công giải phóng Trường Sa vẫn tỏa sáng rực rỡ, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Những người lính, những công dân nơi đảo xa đang từng ngày, từng giờ viết tiếp bản hùng ca bất tử bằng lòng yêu nước nồng nàn, bằng ý chí bền bỉ, không lùi bước trước gian khó, thử thách. Phát huy chiến công năm xưa, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân chủng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ, kịp thời nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch để luôn vững vàng trong tư thế chủ động, linh hoạt, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.
HOÀI THU