Trào lưu ăn thực phẩm sống: Hệ lụy khôn lường với sức khỏe

Trào lưu ăn thực phẩm sống: Hệ lụy khôn lường với sức khỏe
8 giờ trướcBài gốc
Các chuyên gia y tế lo ngại, nếu các bạn trẻ xem và học theo trào lưu “ăn tươi, nuốt sống” này rồi áp dụng rộng rãi trong đời sống thực sẽ gây ra các hệ lụy khôn lường đối với sức khỏe.
Bệnh nhân bị suy đa tạng sau khi ăn tiết canh được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Ngấm ngầm tàn phá cơ thể
Chỉ cần gõ từ khóa “ăn sống” trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong ít giây sẽ có 223 triệu kết quả, trong đó đa phần là các video giới thiệu trào lưu “ăn tươi, nuốt sống” trên nền tảng mạng xã hội khiến người xem phải rùng mình. Giờ đây, không chỉ có các món gỏi, sashimi thường thấy mà ngay cả gan bò, tủy bò, thịt lợn, thịt bò, óc lợn… cũng được ăn sống trực tiếp mà không cần qua chế biến.
Điển hình như tại TikTok M.Đ.Ă đã đăng video cảnh một cô gái ăn ngấu nghiến từng miếng gan bò sống, khiến người xem không khỏi rùng mình. Hay như tại TikTok C.M, một cô gái giới thiệu trải nghiệm của bản thân khi ăn gan bò sống tại một quán hàng, đồng thời đưa ra cảnh báo, trước khi đưa vào miệng, thực khách cần phải có sự can đảm. Thậm chí, bạn trai cô đã lắc đầu khi thưởng thức cách ăn này…
Thời gian gần đây, những video như thế này xuất hiện ngày càng nhiều trên các nền tảng mạng xã hội: YouTube, TikTok… với mục đích câu view, tăng lượt tương tác từ người xem. Thế nhưng, tác giả của những video phản cảm này không hiểu được rằng, việc ăn thực phẩm sống kéo theo những hậu quả khôn lường về sức khỏe. Bởi vì trong thực phẩm sống có hơn 250 loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau, nếu không được xử lý đúng cách, người ăn có thể nhiễm vi rút norovirrus, salmonella, tụ cầu vàng gây ngộ độc thực phẩm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cho rằng, các loại thực phẩm sống luôn tồn tại nhiều vi sinh vật, ký sinh trùng gây hại cho cơ thể. Đặc biệt, các thực phẩm giàu chất đạm (như thịt bò, thịt lợn, cá…) còn là môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi, ngấm ngầm tàn phá cơ thể. Chính vì vậy, việc nấu chín thực phẩm trước khi ăn sẽ giúp tiêu diệt các vi khuẩn và loại bỏ các tác nhân gây hại cho sức khỏe. Ăn thực phẩm tươi sống, không qua chế biến sẽ khiến cơ thể con người trở thành mục tiêu tấn công của vi rút viêm gan A, giun, sán và nhiều loại ký sinh trùng…
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) nhấn mạnh, việc ăn thực phẩm tái, sống cũng chính là nguyên nhân đưa các loại giun, sán xâm nhập vào cơ thể. Khi vào cơ thể, giun, sán có thể di chuyển theo đường máu tới não, cơ và gây bệnh. Đáng lo ngại, tỷ lệ thường gặp (chiếm từ 60%-96%) sán cư trú trong não có thể dẫn đến các nhóm bệnh thần kinh như: Nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, co giật cơ. Nguy hiểm hơn, khi nhiễm giun lâu ngày, loại ký sinh trùng này có thể chui vào các vị trí khác trong cơ thể như các ổ khớp, cột sống rồi bị chết, vôi hóa gây ra tình trạng cứng khớp, liệt...
Cần tuyệt đối tuân thủ “ăn chín, uống sôi”
Thời gian qua, tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp phải nhập viện do thói quen ăn thực phẩm tái sống. Điển hình là anh T.Đ.T (21 tuổi, ở Yên Bái) đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng dưới da ở đùi, mặt cẳng tay, bụng, lưng đều có hình ảnh giun sán ký sinh trùng di chuyển. Bệnh nhân này có sở thích ăn gỏi cá.
Tại bệnh viện, bệnh nhân đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm là con giun rồng dài khoảng 30cm. Ngoài ra, nam bệnh nhân còn dương tính với nhiều loại giun sán khác như: Sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo.
Trước khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương), sức khỏe của ông D.V.P (58 tuổi, ở Thái Nguyên) hoàn toàn bình thường. Bỗng một ngày, ông P. bất ngờ bị co giật, méo miệng, không nói được. Nghi ngờ đột quỵ, nên ngay lập tức gia đình đưa ông đi cấp cứu. Tuy nhiên, kết quả chụp phim phát hiện có tổn thương sán não, không phải bị đột quỵ. Trước đó, ông P. có thói quen ăn tiết canh lợn…
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 triệu người ngộ độc sau khi ăn thực phẩm ô nhiễm, với hơn 420.000 ca tử vong. Ngộ độc thực phẩm phần lớn do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc có độc tố.
Do đó, WHO khuyến cáo, mọi người cần tuân thủ nguyên tắc “ăn chín, uống sôi”, bởi hầu hết giun, sán hoặc trứng, ấu trùng của chúng đều bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi. Chúng không chết khi ngâm muối, chanh hay tẩm nước sốt. Ngoài ra, nên hạn chế ăn rau sống, tuyệt đối tránh ăn cá, mực hoặc các loại cá biển còn sống, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá mòi, cá thu... hay thịt heo tái, sống, tiết canh.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo người dân, nhất là những người có vấn đề về tiêu hóa như bị viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý gan, béo phì hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường tiêu hóa, tuyệt đối không tham gia trào lưu ăn thực phẩm sống. Thay vào đó, người dân nên chọn lựa thực phẩm bảo đảm an toàn, rõ nguồn gốc, còn hạn sử dụng, khi chế biến bảo đảm vệ sinh và tuân thủ “ăn chín, uống sôi”.
Thu Trang
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/trao-luu-an-thuc-pham-song-he-luy-khon-luong-voi-suc-khoe-697967.html