Bộ trưởng Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ số, bà Clara Chappaz, đã chính thức gửi đơn kiến nghị lên Cơ quan quản lý nghe nhìn và kỹ thuật số cùng Liên minh châu Âu (EU) để yêu cầu vào cuộc điều tra.
Bà gọi các nội dung gắn hashtag #SkinnyTok là “ghê tởm và hoàn toàn không thể chấp nhận”, đồng thời lên án mạng xã hội vì đã không kiểm soát được những hệ lụy nghiêm trọng mà thuật toán gợi ý nội dung gây ra.
Theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) của EU, các nền tảng trực tuyến buộc phải “áp dụng biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo vệ trẻ vị thành niên”. Từ năm 2015, Pháp đã ban hành luật quy định hành vi khuyến khích chứng chán ăn có thể bị phạt tới 1 năm tù giam và 10.000 euro.
Ảnh minh họa: Unsplash.
Ước tính có đến 40.000 người ở Pháp đang mắc chứng chán ăn tâm thần (anorexia nervosa), trong đó 90% là thanh thiếu niên. Đây là căn bệnh tâm thần có tỷ lệ tử vong cao nhất tại nước này.
Vấn nạn này không chỉ xảy ra tại Pháp. Ở Mỹ, Anh, Đức và nhiều quốc gia khác, giới chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng đang báo động về ảnh hưởng tiêu cực của các nền tảng như TikTok, Instagram đối với hình ảnh cơ thể và tâm lý tự ti của giới trẻ.
Một nghiên cứu của Facebook từng bị rò rỉ vào năm 2021 tiết lộ rằng chính Instagram đã khiến 1/3 thiếu nữ cảm thấy tự ti hơn về cơ thể mình.
Tại châu Á, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang chứng kiến sự gia tăng các ca rối loạn ăn uống ở tuổi vị thành niên, phần lớn do áp lực từ truyền thông mạng xã hội và các tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế.
TikTok cho biết đã xóa nhiều nội dung vi phạm và áp dụng chính sách nghiêm ngặt chống lại hành vi miệt thị ngoại hình hoặc cổ xúy giảm cân nguy hiểm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây không chỉ là trách nhiệm của các mạng xã hội. Giáo dục giới trẻ về sức khỏe tâm thần và yêu thương cơ thể chính là giải pháp lâu dài để tạo dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh hơn.
(theo Guardian)
Trần Hiền