Trao tặng hơn 190 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản

Trao tặng hơn 190 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 28/9, tại Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trao tặng, hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các tỉnh, thành phố ảnh hưởng sau bão, lũ.
Thiệt hại nặng nề
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết thêm, theo báo cáo sơ bộ của địa phương các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Nghệ An, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị vỡ bờ bao, ngập lụt và ước thiệt hại khoảng 30.137 ha. Ước thiệt hại về nuôi trồng thủy sản do bão số 3 và mưa lũ sau bão hơn 6.180 tỷ đồng.
Các Cục: Trồng trọt, Thủy sản, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật và Khuyến nông sẽ tiếp tục tiến hành đánh giá lại thiệt hại và tình hình thực tế để chỉ đạo, tập trung nguồn lực phục hồi cho 2 lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản - chiếm tỷ trọng lớn trong ngành Nông nghiệp.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Hùng Dũng - Giám đốc Công ty Thủy sản Tân An cho biết, công ty có 2 đơn vị nuôi trồng thủy sản nhưng sau bão, toàn bộ hệ thống nuôi biển của công ty, với khoảng 4.000 tấn hàu đến độ thu hoạch, đã bị trôi mất hoàn toàn, không thể thu hồi.
Cục trưởng Cục Thủy sản cũng cho biết thêm, trước tình hình thiệt hại, cục đã đưa ra các giải pháp khôi phục sản xuất. Đồng thời làm việc với các ngân hàng và tổ chức tín dụng để xem xét khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung các gói vay mới nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất...
Các doanh nghiệp trao tặng, hỗ trợ phục hồi lĩnh vực sản xuất chăn nuôi.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Dương Đức Thắng cũng thông tin, tính đến 18h ngày 23/09/2024, tổng hợp thông tin của 22 địa phương có thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra, tổng số thiệt hại gia súc 25.011 con; gia cầm 3.179.300 con. Trong đó: 05 tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Hà Nội, Thái Nguyên.
Ngay sau khi bão xảy ra, từ ngày 10/9/2024 đến 16/9/2024, Cục Chăn nuôi đã thành lập các đoàn công tác đi khảo sát, chỉ đạo khắc phục tại 07 tỉnh thiệt hại như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
Một số tỉnh đã ban hành kế hoạch, chủ động dự trữ nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai. Cùng với đó, triển khai những chính sách hỗ trợ kinh phí trực tiếp hoặc thông qua các dự án triển khai ở địa phương cho người chăn nuôi.
Hơn 190 tỷ đồng hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu tăng tốc trong năm 2024 và hoàn thành kế hoạch vào năm 2025 theo kế hoạch 2021-2025. Tuy nhiên, Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng: 8.100 lồng nuôi, 31.000 ha nuôi trồng thủy sản, 350.000 ha cây ăn trái, lúa, hoa màu và khoảng 4,5 triệu con gia súc, gia cầm bị chết.
"Những khó khăn và thách thức này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng cũng như xuất khẩu của ngành Nông nghiệp trong những tháng cuối năm 2024. Nhưng nhất định, khó khăn nào cũng phải khắc phục để về đích với các mục tiêu đã đề ra" - Thứ trưởng Tiến nói.
Chiều ngày 27/9, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (đứng thứ 2 bên trái) cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo địa phương, Tập đoàn Dabaco trao tặng gà giống cho gia đình anh Cao Đức Thọ, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy (hộ dân thiệt hại hơn 2 tỷ đồng do bão). Ảnh: Đinh Mười.
Trước những thách thức đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan tập trung phòng chống bão lũ và tổ chức nhiều hội nghị nhằm khắc phục hậu quả sau bão, đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho từng đối tượng. Công tác hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và quy trình canh tác sẽ được đẩy mạnh.
Đặc biệt, nằm trong chuỗi chương trình hỗ trợ tái sản xuất do Bộ NN&PTNT phát động, trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến và lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng đã chứng kiến lễ trao tặng 190 tỷ đồng của 123 doanh nghiệp và tổ chức để hỗ trợ phục hồi sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Hình thức hỗ trợ là giống và hiện vật. Đây là hành động thiết thực của các doanh nghiệp trước những mất mát to lớn, chưa từng có của người dân nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.
Ví dụ, Công ty Cổ phần De-Heus hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng; Công ty CJ Việt Nam 1 tỷ đồng; Công ty CPKD thuốc thú y AMAVET 410 triệu đồng; Tập đoàn Thăng Long hỗ trợ 6 tỷ đồng; Công ty TNHH Sinh học Hoàn Cầu 2 tỷ đồng; Tập đoàn Minh Phú 1,3 tỷ đồng; Công ty TNHH Grobest Việt Nam 500 triệu đồng...
Để triển khai công tác tái sản xuất hiệu quả, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn những vật tư được bàn giao hôm nay sẽ góp phần giúp bà con sớm phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, trên 27 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng do Bão số 3 tổng cộng có 02 ổ dịch cúm gia cầm (CGC), số ổ dịch tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước tại 02 tỉnh, thành phố, số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.653 con, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, cả nước có 01 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Bình Phước chưa qua 21 ngày. Nhận định tình hình tại các tỉnh, thành phố ảnh hưởng do bão Yagi, ông Long cho hay, vi rút có thể đã bị phát tán, lây lan rộng, nhất là tại các địa phương vừa xảy ra dịch trong thời gian qua, địa phương giáp biên giới.
Nam Khánh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/trao-tang-hon-190-ty-dong-ho-tro-phuc-hoi-san-xuat-chan-nuoi-va-nuoi-trong-thuy-san-160561.html