Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lĩnh vực giáo dục - đào tạo của phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng chú ý trong dự thảo là việc bổ sung hai nhiệm vụ hoàn toàn mới cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, điều mà trước đây chưa từng được quy định trong Nghị định số 142/2025/NĐ-CP của Chính phủ.
Phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp
Theo dự thảo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quyền quyết định một loạt các vấn đề nhân sự đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Cụ thể, họ có quyền:
Công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian công tác đến tuổi nghỉ hưu, miễn nhiệm, thôi giữ chức vụ, biệt phái, thay đổi vị trí việc làm, khen thưởng và kỉ luật đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.
Thành lập hội đồng trường; công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập.
Công nhận hoặc không công nhận hội đồng trường, Chủ tịch, Phó Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các cơ sở giáo dục tư thục theo đúng tiêu chuẩn chức danh và thủ tục pháp luật quy định.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Hải - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thăng Long (xã Nam An Phụ, thành phố Hải Phòng) cho hay: Đây là bước đi thể hiện rõ chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong quản lý giáo dục, hướng tới mô hình quản trị nhà trường theo hướng tự chủ và gắn với địa phương – một mô hình được nhiều quốc gia phát triển áp dụng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, chia, tách, giải thể trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thẩm quyền về thành lập hoặc giải thể trường liên quan trực tiếp tới thẩm quyền công nhận, bổ nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học cơ sở và việc phân quyền đó cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là hoàn toàn hợp lý.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người nắm rõ tình hình dân cư, điều kiện kinh tế – xã hội, nhu cầu học tập và đặc điểm của từng trường học trên địa bàn. Điều này giúp họ đưa ra các quyết định nhân sự phù hợp với thực tế.
Các quyết định về nhân sự được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục
Cấp xã có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm ... đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường cũng là hợp lý với các nhiệm vụ, quyền khác về giáo dục mà cấp xã phải thực hiện.
Một tiết học của học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long (xã Nam An Phụ, thành phố Hải Phòng). Ảnh: website nhà trường
Cùng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Văn Thung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Kỳ (xã Tứ Kỳ, thành phố Hải Phòng) cho rằng: Việc mở rộng quyền hạn cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong quản lý nhân sự và tổ chức trường học là một bước đi táo bạo, mang tính cải cách rõ nét trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Dù có thách thức, nhưng nếu được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ, đây sẽ là cơ hội để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời nâng cao tính tự chủ và dân chủ trong các cơ sở giáo dục.
Việc lấy ý kiến rộng rãi cho dự thảo Thông tư cũng là cơ hội để các bên liên quan – đặc biệt là các nhà giáo, lãnh đạo địa phương và phụ huynh – đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách một cách sát với thực tế và khả thi nhất.
Việc bổ sung thẩm quyền này cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc hiện thực hóa chủ trương phân cấp, phân quyền mà Đảng và Chính phủ đã nhấn mạnh trong nhiều nghị quyết cải cách bộ máy nhà nước và giáo dục.
Trước đây, quyền bổ nhiệm, điều động, kỷ luật, thành lập hội đồng trường thường là thẩm quyền của Phòng Giáo dục và Đào tạo (thuộc cấp huyện cũ) hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (cấp tỉnh). Việc chuyển quyền này về cấp xã cho thấy sự tin tưởng vào năng lực điều hành địa phương, và cũng để rút ngắn khoảng cách giữa quản lý và thực tiễn giáo dục ở cơ sở. Đồng thời, việc này phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Thầy Nguyễn Văn Thung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Kỳ (xã Tứ Kỳ, thành phố Hải Phòng). Ảnh: website nhà trường
Chính quyền cấp xã, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người gần gũi, hiểu rõ tình hình thực tế ở các trường học công lập trên địa bàn. Vì vậy, việc trao quyền sẽ giúp họ chủ động giải quyết kịp thời các vấn đề nhân sự, tổ chức sẽ rút ngắn đáng kể thời gian xử lý các thủ tục hành chính.
Thêm vào đó, quyền công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ tạo điều kiện để mô hình tự chủ trường học phát triển – một xu thế tất yếu trong cải cách giáo dục hiện nay.
Cần có cơ chế giám sát để việc bổ sung chức năng được thực hiện hiệu quả
Việc xác định rõ phạm vi tham mưu và giới hạn thẩm quyền của cấp xã là bước đi cần thiết nhằm hoàn thiện cơ chế phân cấp trong quản lý giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực thì một số thầy cô cũng bày tỏ sự băn khoăn.
Theo hiệu trưởng một trường trung học cơ sở tại xã Thái Tân, thành phố Hải Phòng chia sẻ: Một trong những lo ngại lớn nhất là năng lực thực thi của đội ngũ lãnh đạo cấp xã. Không phải Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nào cũng có kiến thức sâu về: Quy định pháp luật liên quan đến tổ chức và nhân sự giáo dục; Quy trình bổ nhiệm, kỷ luật, khen thưởng theo Luật Giáo dục, Luật Viên chức; Tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của hiệu trưởng, hội đồng trường.
Nếu thiếu kiến thức, việc bổ nhiệm sai người, sai quy trình, hoặc thiên vị trong đánh giá có thể dẫn đến bất ổn trong nội bộ nhà trường, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Hội đồng trường là cơ chế quản trị dân chủ, nơi các thành phần trong và ngoài nhà trường (giáo viên, đại diện địa phương...) cùng tham gia vào việc định hướng chiến lược phát triển nhà trường. Tuy nhiên, nếu việc thành lập và công nhận hội đồng trường do chính quyền xã trực tiếp quyết định mà không có giám sát, kiểm tra minh bạch, rất dễ dẫn tới tình trạng hình thức hóa, mất đi tính dân chủ và phản biện cần thiết.
Trong khi hệ thống công chức cấp xã vốn đã chịu áp lực lớn từ nhiều lĩnh vực như y tế, dân cư, môi trường... thì việc bổ sung thêm các đầu việc phức tạp về quản lý nhân sự giáo dục đặt ra yêu cầu cao về nguồn lực, cơ chế phối hợp và hỗ trợ từ cấp tỉnh.
Chính vì thế, nếu dự thảo được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành hướng dẫn kỹ thuật và quy trình chuẩn để Ủy ban nhân dân cấp xã không "lúng túng" khi ra quyết định. Các nội dung nên bao gồm: Mẫu hồ sơ, biểu mẫu bổ nhiệm/kỷ luật cán bộ; Tiêu chuẩn chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, hội đồng trường; Quy trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra lý lịch, đánh giá năng lực…
Học sinh Trường Tiểu học Tứ Kỳ (xã Tứ Kỳ, thành phố Hải Phòng). Ảnh: website nhà trường
Ngoài ra, cần tổ chức các lớp tập huấn liên tục cho cán bộ cấp xã, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhân sự giáo dục. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát từ Sở Giáo dục và Đào tạo nhằm đảm bảo quyết định nhân sự được thực hiện công khai, minh bạch, đúng tiêu chuẩn chuyên môn.
Việc trao quyền cần song hành với bảo vệ quyền tự chủ chuyên môn, tài chính, nhân sự của trường học. Chính quyền địa phương không nên can thiệp sâu vào công việc chuyên môn của nhà trường, tránh tình trạng hành chính hóa giáo dục.
Việc trao quyền cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nếu được thực hiện đúng cách, sẽ tạo động lực đổi mới mô hình quản trị trường học, thúc đẩy giáo dục phát triển hài hòa với đặc thù của từng địa phương. Tuy nhiên, thách thức về năng lực, tính minh bạch và cơ chế giám sát là không thể xem nhẹ. Chỉ khi các điều kiện triển khai được đảm bảo, nhiệm vụ này mới có thể đi vào thực chất, mang lại hiệu quả lâu dài cho hệ thống giáo dục Việt Nam.
LÃ TIẾN