Trao truyền mầm thiện nghìn năm

Trao truyền mầm thiện nghìn năm
5 ngày trướcBài gốc
Thanh niên tham gia Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) luôn được giáo dục về truyền thống quê hương.
Chiêm ngưỡng màn rước “vua giả” trong lễ hội đền Sái (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), người ta thật sự cảm nhận được thế nào là không khí “vui như hội”, “đông như hội”.
Nét đẹp đằng sau những nghi lễ
Đền Sái là nơi thờ Thánh Huyền Thiên Trấn Vũ - tương truyền là người giúp An Dương Vương chém chết tinh gà trắng để có thể hoàn thành việc xây thành Cổ Loa. Xưa, vào mùa xuân, vua, chúa cùng quan lại đích thân về đây lễ bái. Thấy việc đi lại tốn hao tiền của, công sức, cho nên vua lệnh cho dân làng Thụy Lôi được thực hành nghi vệ thiên tử, thay mặt vua bái yết Thánh. Rước vua giả, chúa giả lễ thánh trở thành một trong những nét hấp dẫn nhất của lễ hội.
Những vị vua chúa trang phục uy nghiêm ngồi trên kiệu son, được trai tráng khiêng trong một đám rước dài hàng cây số. Cứ vài chục mét đoàn rước lại dừng lại, tung kiệu lên cao, xoay vòng tròn trong tiếng hò reo náo nhiệt của hàng nghìn người. “Vua”, “chúa” vung gươm như khi đang xung trận. Trở về cuộc sống đời thường sau một ngày “làm vua” ở lễ hội xuân Ất Tỵ, ông Nguyễn Hữu Bá chưa hết bồi hồi: “Khi được các cụ tiến cử vào vai vua, tôi về hỏi con cháu có đồng thuận không vì vào vai vua là vinh dự cho nên cũng phải chuẩn bị nhiều thứ và làm cỗ khao họ mạc, làng xóm. Tất cả các cháu đều bảo: Đấy là mơ ước cả đời không phải ai cũng có được cho nên các con, cháu đều ủng hộ, bản thân tôi xúc động lắm”.
Mỗi năm người dân sẽ chọn một vua, một chúa tham gia tế lễ. Người đóng vua, đóng chúa được tiến cử theo những nguyên tắc rất khắt khe: Gia đình phải còn đủ cụ ông, cụ bà, con cái có nếp, có tẻ. Người đóng vua, đóng chúa phải sống đạo đức, gương mẫu, gia đình con thảo cháu hiền, làm ăn phát đạt. Nhập vai vua, nhập vai chúa với người Thụy Lôi là việc để tưởng nhớ An Dương Vương, là làm “việc nhà thánh”. Bởi vậy ai cũng mơ ước có một lần được lên kiệu. Mà để được lên kiệu như thế phải có nhiều nỗ lực không phải ngày một, ngày hai…
Mùa xuân, đi đến đâu cũng có các đám hội rộn ràng. Người ta đến để hòa mình vào không khí linh thiêng của những màn tế lễ, những đám rước uy nghi mà rực rỡ; đến để thấy mình được trở về nguồn cội sau cả năm quay cuồng cùng nhịp sống hiện đại. Nhưng những lễ nghi thật ra mới chỉ là “phần nổi”, “phần chìm” là dòng chảy của tinh thần hướng đến lễ hội vẫn âm thầm trong cộng đồng. Mỗi lễ hội lại có nguồn gốc, sự tích, tục lệ khác nhau, nhưng lại có những điểm chung. Hầu như lễ hội nào cũng có chủ tế, bồi tế, người viết văn tế (chúc văn).
Tuy không quan trọng bằng chủ tế, nhưng người viết văn tế cũng được chọn lựa kỹ càng. Ở vùng Bắc Bộ xưa, chúc văn do Hội Tư văn - nơi tập hợp những người am hiểu chữ nghĩa, từng đỗ đạt thi cử... chịu trách nhiệm. Người trực tiếp soạn thảo là người “điển văn”. Tiêu chí để được chọn điển văn phải là hay chữ. Vài chục năm gần đây, khi lễ hội được khôi phục, tục chọn người điển văn (hoặc tả văn), rước văn cũng hồi sinh. Viết văn tế là nhiệm vụ hệ trọng, cho nên các gia đình người điển văn thường làm cỗ xôi, con gà ra đình lễ thánh.
Sau khi viết văn tế, nhân dân sẽ tổ chức đoàn rước văn về đình, đền. Lễ hội đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và cũng là lễ hội khôi phục, gìn giữ tục rước văn, điển văn. Lễ hội diễn ra vào đầu tháng 2 âm lịch, nhưng ngay từ đầu năm mới, các vị cao niên đã bầu ra một người hay chữ, gia đình đầy đủ trai gái, làm ăn thành đạt, dâu rể hiếu thảo để làm công việc quan trọng này. Trước hội, dân làng đưa kiệu bát cống từ đình làng đến nhà người điển văn để rước văn.
Bức văn tế được đặt vào chiếc hộp sơn son trên cỗ kiệu trong sự háo hức của người dân suốt quãng đường đám rước đi qua. Ông Âu Xuân Thảnh, từng nhiều năm là điển văn ở lễ hội Trường Lâm chia sẻ: “Trong hội làng, chủ tế, bồi tế và điển văn là những người giữ vai trò quan trọng. Đây là vinh dự của đời người, của gia đình, họ mạc. Khi đám rước gần đến nhà, lòng dạ tôi đã xốn xang và thấy vinh dự khi được tham gia công việc cho làng xóm. Bởi thế, tôi luôn tự bảo mình và các con cháu phải cố gắng sống có đạo đức, ứng xử hài hòa với mọi người”.
Một phần không thể thiếu của lễ hội là những vật phẩm dâng lên thánh thần, người có công. Ở lễ hội La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) là tục nuôi và rước “ông lợn” để tế thánh; Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có nhiều vật phẩm như: Voi chiến, ngựa chiến, trầu cau, cỏ cho voi ăn…; Lễ hội làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) có món cháo se; Lễ hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có bánh trôi, bánh chay là những vật phẩm độc đáo nhất.
Và chuyện làm bánh trôi dâng thánh cũng ẩn tàng những câu chuyện đầy thú vị. Tương truyền, sau khi thất bại trước quân Hán, Hai Bà tuẫn tiết bên dòng sông Hát. Trước khi hóa, có một chủ quán dâng bánh trôi cho Hai Bà. Bao đời nay người dân địa phương làm bánh trôi dâng Hai Bà trong lễ hội đầu tháng 3 (âm lịch). Việc chuẩn bị lễ vật không thực hiện tại khuôn viên đền mà được thực hiện tại một gia đình trong làng gọi là nhà chứa lễ.
Gạo để giã lấy bột làm bánh phải chọn loại nếp cái hoa vàng, đã chọn bỏ hạt đen, hạt vỡ; bột để làm bánh dâng cúng phải giã bằng tay với quy trình rất cẩn thận. Các công đoạn làm bánh cũng được gọi bằng những thuật ngữ riêng như: “trùng bánh”, “khám bánh”, “tắm bánh”... Sau khi hoàn tất các công đoạn làm bánh, dân làng tập trung tại nhà chứa lễ để cùng rước bánh về đền dâng lên Hai Bà. Điều đặc biệt, gia đình chứa lễ phải là gia đình song toàn, còn đủ cả ông bà, con cái có đủ trai, đủ gái, gia phong nền nếp...
Nghìn năm chữ đức
Hàng nghìn lễ hội với biết bao nghi thức, biết bao tục lệ vẫn đang diễn ra trong những ngày xuân. Cũng có những ý kiến cho rằng không ít lễ tục câu nệ, rườm rà, phức tạp từ tế lễ, rước kiệu, tắm tượng cho đến vật phẩm dâng thánh thần, người có công... Thật ra, người ta dễ có kết luận như thế nếu chỉ nhìn vào “phần vỏ”. Nhưng nhìn sâu hơn, hầu như lễ hội nào cũng thế, càng dự phần vào việc quan trọng, người ta càng phải “xét mình, sửa mình” làm sao cho xứng đáng với phần việc mà cộng đồng giao phó, sao cho xứng với “việc nhà thánh” như cách dân gian vẫn gọi. Hóa ra, những tục lệ, nghi thức có thể khác nhau, nhưng đều xuất phát từ mục đích chính là tôn vinh chữ đức, là mầm thiện được vun trồng qua mỗi kỳ lễ hội.
Trở lại với câu chuyện của ông “vua giả” Nguyễn Hữu Bá ở lễ hội đền Sái. Ông Bá tuy làm nghề nông, nhưng ngay từ hồi trẻ đã rất hăng say, tâm huyết với công việc của làng xã. Khi đến tuổi lão niên, nhiều năm nay, ông tham gia hoạt động của Tiểu ban quản lý di tích đền Sái và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Ông nhớ lại: “Tôi không nghĩ có ngày mình sẽ được vào vai vua đi lễ thánh. Nhưng bản thân tôi luôn nghĩ mình phải gương mẫu trong đời sống hằng ngày, từ nếp ăn, ở cho đến lời ăn tiếng nói. Thế rồi vinh dự đến với tôi. Cuộc đời đã một lần “làm vua” thì sau này vẫn phải giữ gìn, nếu không người đời lại đánh giá…”.
Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bởi có nhiều nét văn hóa độc đáo. Trong đó có màn múa rắn lột, diễn lại sự tích thành hoàng Linh Lang Đại vương hóa thành con rắn trắng. Màn múa rắn lột có sự tham gia của khoảng từ 17 đến 23 thanh niên trai tráng. Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình chùa Trường Lâm Âu Xuân Kiên là người có công khôi phục lễ hội, cũng là người gắn bó với lễ hội trong suốt hơn 30 năm qua.
Ông Âu Xuân Kiên chia sẻ: “Chính việc từ xa xưa các cụ đề ra các tiêu chí khắt khe để lựa chọn những vị như: Chủ tế, bồi tế, điển văn… và tiêu chí để trai tráng tham gia tiết mục múa rắn lột có ý nghĩa giáo dục rất lớn, đầu tiên, nếu không phải thanh niên sinh trưởng trong gia đình có đạo đức thì không được tham gia. Bây giờ các cháu bận việc học hành, đi làm cho nên việc tuyển chọn giai đinh múa rắn lột được “nới” hơn trước về độ tuổi, còn các tục lệ khác vẫn được giữ gìn. Trước mỗi kỳ lễ hội, khi các cháu luyện tập, chúng tôi đều bảo ban các cháu về ý nghĩa của phong tục, về vinh dự khi được tham gia. Đấy chính là cách chúng tôi trao truyền các giá trị văn hóa của quê hương đến lớp trẻ”.
Nếu xét về sự nghiêm cẩn khi tham gia “việc nhà thánh” thì có lẽ không đâu hơn ông hiệu cờ trong Lễ hội Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Vào vai ông hiệu cờ có rất nhiều tiêu chí khắt khe. Trước lễ hội nhiều ngày, ông hiệu cờ ở trong “dinh” riêng, lập tại gia đình luyện tập, trai giới nghiêm mật; không ai được tiếp xúc, nói chuyện, kể cả cha mẹ. Phục vụ riêng ông có ba người, chỉ ba người này với thầy dạy mới được nói chuyện với ông. Trở thành ông hiệu cờ là mơ ước của mọi thanh niên làng Phù Đổng.
Người ở Phù Đổng bảo rằng, khi đã “đi hiệu”, ông hiệu là người của “nhà thánh”, cả đời sẽ được gọi là ông hiệu. Vì thế, trở về cuộc sống sau lễ hội, ông hiệu vẫn phải giữ gìn đạo đức, phấn đấu trong cuộc sống để gìn giữ sự linh thiêng của Đức Thánh, xứng đáng với sự tin tưởng của dân làng. Giá trị của hội Gióng không chỉ nằm ở những màn diễn xướng, mà còn ở câu chuyện chữ “tâm”, chữ “đức” mà cộng đồng gìn giữ.
Chưa bao giờ lễ hội hồi sinh mạnh mẽ như hôm nay kèm theo cả tích cực lẫn không ít tiêu cực, những than phiền về rườm rà, tốn kém. Nhưng thay vì chú trọng “phần vỏ”, những lễ nghi, những màn rước linh đình, nếu người ta chú trọng hơn đến những thông điệp nhân văn mà người xưa gửi gắm thì lễ hội mới thật sự vững bền và nhận được sự ủng hộ của cộng đồng.
GIANG NAM
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/trao-truyen-mam-thien-nghin-nam-post859934.html