Tại hội nghị Cấp cứu Ngoại viện toàn quốc mới đây, Phó giáo sư Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TPHCM, đã chia sẻ về thực trạng đáng lo ngại trong việc đưa bệnh nhân đột quỵ đến cơ sở y tế không phù hợp.
Ông nhấn mạnh rằng, dù Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong phát triển các trung tâm đột quỵ 15 năm qua, nhưng vẫn còn thiếu một hệ thống định hướng rõ ràng để người dân biết cần đưa bệnh nhân đột quỵ đến đâu.
Phó giáo sư Thắng kể lại trường hợp một bé gái 14 tuổi ở tỉnh cách TPHCM 35km, bị đột quỵ với triệu chứng liệt nửa người. Gia đình đưa trẻ đến trung tâm y tế huyện cách nhà 2km, sau vài giờ, cháu được chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh (cách 5km), rồi tiếp tục lên Bệnh viện Nhân dân 115.
Tổng thời gian từ khởi phát triệu chứng đến khi vào trung tâm đột quỵ mất hơn 10 giờ - vượt xa “thời gian vàng” để cứu chữa hiệu quả. Bệnh nhi được cứu sống nhưng di chứng để lại nặng nề.
PGS Thắng chia sẻ về cấp cứu đột quỵ ngoại viện. Ảnh: BTC.
Theo bác sĩ Thắng, những trường hợp đáng tiếc như trên có thể tránh được nếu Việt Nam có hệ thống Paramedic (đội ngũ cấp cứu ngoại viện chuyên nghiệp). Paramedic không chỉ sơ cứu, lấy thông tin, chuẩn bị đường truyền mà còn kết nối ngay với trung tâm đột quỵ gần nhất có khả năng điều trị 24/7.
Một cuộc gọi thông báo trước từ Paramedic có thể rút ngắn đáng kể thời gian, từ đó cải thiện rõ rệt kết quả điều trị.
Tuy nhiên, hiện chỉ 11 tỉnh/thành ở Việt Nam có hệ thống cấp cứu 115 hoạt động, dẫn đến việc chưa tới 10% bệnh nhân đột quỵ được vận chuyển bằng đội ngũ chuyên nghiệp.
Ở nhiều nơi, đặc biệt tại TPHCM, người dân thường tự đưa bệnh nhân đến bệnh viện bằng xe công cộng, taxi hoặc phương tiện cá nhân, làm chậm trễ thời gian điều trị.
PGS Thắng khẳng định, cách đây 20 năm, đột quỵ từng là căn bệnh khiến các bác sĩ gần như bất lực do tốc độ phá hủy tế bào não nhanh chóng. Nhưng hiện nay, đột quỵ hoàn toàn có thể điều trị nếu bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong thời gian vàng (thường trong 4-6 giờ đầu).
Nếu đến trễ, nguy cơ tàn phế rất cao, gây gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Những sai lầm cần tránh
PGS Thắng cảnh báo một số sai lầm phổ biến khi xử trí đột quỵ:
Tự ý dùng thuốc hạ huyết áp: Nhiều người thấy huyết áp tăng cao (180-190 mmHg) liền cho bệnh nhân uống thuốc hạ áp trước khi đến bệnh viện. Điều này là sai lầm, bởi trong giai đoạn đột quỵ cấp, huyết áp cao giúp duy trì máu đến não. Hạ huyết áp đột ngột có thể làm chết thêm tế bào não.
Sơ cứu không cần thiết: 90% bệnh nhân đột quỵ vẫn tỉnh táo, do đó không cần thực hiện các biện pháp sơ cứu phức tạp. Việc tự ý cho uống thuốc không rõ nguồn gốc hoặc chờ đợi tại nhà chỉ làm mất thời gian "vàng".
Chọn sai cơ sở y tế: Nhiều người đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất nhưng không có khả năng điều trị đột quỵ, dẫn đến mất thời gian chuyển viện.
PGS Thắng nhấn mạnh rằng đột quỵ không xảy ra ngẫu nhiên mà luôn liên quan đến các yếu tố nguy cơ như cao huyết áp, hút thuốc lá, béo phì, đái tháo đường. Nếu không kiểm soát những yếu tố trên, nguy cơ đột quỵ rất cao, có thể xảy ra trong vài tháng hoặc vài năm. Tuy nhiên, đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách:
- Kiểm soát huyết áp, nếu huyết áp cao cần đưa về mức bình thường (120-130 mmHg) bằng thuốc và duy trì đều đặn.
- Tầm soát sức khỏe định kỳ, đặc biệt từ tuổi 50-60, nên kiểm tra sức khỏe hàng năm để phát hiện sớm các nguy cơ.
- Thay đổi lối sống như tránh hút thuốc, kiểm soát cân nặng và quản lý bệnh mạn tính như đái tháo đường.
“Đột quỵ không phải là dấu chấm hết nếu chúng ta hành động kịp thời và đúng cách”, Phó giáo sư Thắng khẳng định.
Video hướng dẫn sơ cứu đột quỵ tại nhà. Nguồn: Hội Đột quỵ Việt Nam.