Thời gian qua, tại TP HCM và nhiều tỉnh miền Nam, dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng nhanh trong nhóm tuổi 10 đến 14 và 6 đến 9 tháng tuổi. Tại TP HCM, từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 12 ghi nhận gần 2.400 ca bệnh sởi, đã có 4 trường hợp tử vong.
Nhiều trẻ mắc sởi khi chưa đủ tuổi tiêm chủng
Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm Bộ Y tế đã xây dựng chiến dịch tiêm vắc-xin sởi nằm ngoài Chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng tiêm cho trẻ từ 1 đến 10 tuổi và tổ chức tiêm cho 18 tỉnh/thành có nguy cơ cao và rất cao. Đến thời điểm hiện tại, tỉ lệ tiêm chủng đạt 98%, hơn 1,2 triệu liều vắc-xin do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) viện trợ đã tiêm hết.
Tuy nhiên, theo ông Đức, đáng lo ngại là trong thời gian qua có nhiều ca mắc sởi nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng là 9 đến 18 tháng và 1 đến 10 tuổi, có 27,2% số ca mắc nằm dưới độ tuổi 9 tháng. Trong khi đó, tại Chương trình tiêm chủng mở rộng, lịch tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi cho trẻ em là 9 tháng và 18 tháng.
"Nhằm tăng cường biện pháp phòng dịch, tháng 11 vừa qua, Bộ Y tế đã phê duyệt việc triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP HCM. Bộ Y tế cũng đang xây dựng kế hoạch để mở rộng độ tuổi tiêm chủng cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi"- ông Đức thông tin.
Ông Đức cho biết các nghiên cứu cho thấy vắc-xin sởi đơn có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc-xin này được xem như là mũi "sởi 0" và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 2 mũi vắc-xin sởi theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi.
Tiêm phòng vắc-xin sởi cho trẻ nhỏ ở Hà Nội
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là: Sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: Viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.
Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.
Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi.
Theo các chuyên gia, tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Dịch sởi chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Hà Nội, cho biết tại bệnh viện có khoảng 30% các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nặng, phải can thiệp thở ôxy hoặc thở máy. Đặc biệt, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm hơn 40% các ca mắc, nhiều trường hợp chưa đến độ tuổi tiêm phòng.
N.Dung