Trẻ nhập viện do biến chứng sởi tăng nhanh

Trẻ nhập viện do biến chứng sởi tăng nhanh
3 ngày trướcBài gốc
Bệnh viện đã dành riêng Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để điều trị và cách ly bệnh sởi, các bệnh truyền nhiễm khác phân luồng sang khoa, phòng khác để điều trị. Dịch sởi năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ, nhưng dường như các phụ huynh đã quên mất nỗi đau ấy, nên vẫn có nhiều cháu không được tiêm phòng và đó là nguyên nhân để dịch bùng phát.
Hầu hết trẻ biến chứng sởi chưa tiêm phòng
Có mặt tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương sau khi Hà Nội ghi nhận ca tử vong đầu tiên do sở là cháu bé 4 tuổi, theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, nơi đây đang điều trị cho gần 100 bệnh nhi bị sởi biến chứng, hoặc có nguy cơ trở nặng. Tại Khoa Điều trị tích cực, nhiều em bé bị sởi phải thở oxy, thở máy, người nhà ở phía ngoài lo lắng dõi theo. Điều trị tại Khoa Nội tổng quát đã 1 tuần, cháu bé 5 tháng tuổi ở Thanh Hóa tiến triển tốt hơn. Mẹ của bé chia sẻ, cách đây 3 tuần cháu nhập viện tại Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương) để điều trị bệnh tim bẩm sinh. Một tuần trước cháu xuất hiện sốt, phát ban và được chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới với chẩn đoán nhiễm sởi. Sau khi được điều trị tích cực, cháu đã đỡ, khi khỏi bệnh sẽ quay trở lại Trung tâm Tim mạch để tiếp tục điều trị.
TS.BS Đỗ Thiện Hải đang khám cho cháu bé 9 tháng tuổi mắc sởi.
Nằm tại giường bên cạnh là cháu bé 9 tháng tuổi ở Hà Tĩnh được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên với triệu chứng sốt cao, dị ứng với kháng sinh. Theo mẹ cháu bé, chị vẫn cho con tiêm dịch vụ các mũi vaccine, nhưng không hề biết trẻ từ 6 tháng tuổi đã tiêm được vaccine sởi. "Phòng tiêm chủng tư nhân không hướng dẫn mà chỉ hẹn con đủ 9 tháng đến tiêm vaccine sởi. Nhưng chưa đến lịch hẹn con đã mắc bệnh rồi", người mẹ tiếc nuối cho biết.
Nằm cùng phòng là bệnh nhi 11 tháng tuổi ở Sơn La bị sởi biến chứng viêm phổi, thở khò khè. Người nhà bệnh nhi cho biết, em bé chưa được tiêm vaccine. Còn một phụ huynh ở Thái Nguyên chia sẻ, xã mời cho trẻ đi tiêm phòng sởi, nhưng nghĩ con mắc tắm lá cây là khỏi nên không cho con tiêm. Khi con mắc sởi biến chứng rất nhanh, tắm lá không ăn thua, thậm chí, nếu đến bệnh viện chậm còn khó lòng qua khỏi. Một phụ huynh khác khi được hỏi cũng chia sẻ nguyên nhân không cho con tiêm vaccine vì "lời xúi" trên mạng. Tới khi con mắc bệnh bị biến chứng nặng thì mới hoảng hốt đưa tới Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù cháu bé đã vượt qua "cửa tử", nhưng sức khỏe còn rất yếu.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho biết, sau Tết, số bệnh nhi mắc sởi nhập viện gia tăng. Nguyên nhân có thể do virus sởi đã lây lan và dịp Tết, các cháu tiếp xúc với nhiều người nên lây. Hiện có 97 cháu mắc sởi điều trị tại Trung tâm, trong đó, 5 cháu phải thở máy, 30 cháu phải thở oxy, còn lại cũng đều có biến chứng. Là bệnh viện tuyến cuối nên các bệnh nhi nhập viện đều đã bị biến chứng nặng hoặc có nguy cơ biến chứng nặng như viêm tai mũi họng, tăng đáp ứng viêm quá mức gây suy giảm chức năng các cơ quan như tim mạch, rối loạn đông máu, suy hô hấp. Đáng lưu ý khi các cháu mắc sởi nặng đợt này ở hầu hết dưới 3 tuổi và chưa tiêm phòng, hoặc tiêm chưa đầy đủ. Mặc dù các bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo từ trước Tết, nhưng tình hình vẫn diễn ra và nhiều cháu vẫn phải nhập viện trong tình trạng "thập tử nhất sinh".
"Dịch sởi năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều cháu bé, nhưng dường như các phụ huynh đã quên mất nỗi đau ấy, nên vẫn có nhiều cháu không được tiêm phòng và đó là nguyên nhân để dịch bùng phát. Mỗi năm, có khoảng 1 triệu trẻ chào đời, chỉ cần 10% trong số đó không được tiêm phòng, cùng với khoảng 5-10% cháu tiêm nhưng không đáp ứng, thì tích lũy qua 5 năm, đã có 1 triệu cháu không có miễn dịch và dịch sởi bùng theo chu kỳ 5 năm/lần vẫn diễn ra", TS.BS Đỗ Thiện Hải chia sẻ.
Trẻ 6 tháng tuổi cần được tiêm vaccine sởi
TS.BS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cùng với việc TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch sởi và xuất hiện nhiều ca mắc ở miền Bắc, tháng 6/2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra quy định sàng lọc sởi, phân luồng và có kế hoạch điều trị cho bệnh nhân sởi. Những trường hợp bệnh nhi đến sớm, khởi phát trong 2-4 ngày với biểu hiện sốt, ho, chưa có phát ban, bệnh viện cho làm xét nghiệm sởi. Các cháu có triệu chứng khác nhau sẽ được phân luồng để làm xét nghiệm. Trường hợp dương tính sẽ chuyển sang Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tư vấn chuyên sâu xem trường hợp nào cần nằm viện, trường hợp nào không. Các trường hợp mắc sởi trong bệnh viện phải được cập nhật lên hệ thống; các đối tượng phơi nhiễm cũng được quản lý để đề phòng chuyển từ phơi nhiễm thành sởi.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cập nhật lại phác đồ điều trị, nhanh chóng đưa ra chiến lược chuyển đổi mô hình điều trị, đưa Trung tâm Bệnh Nhiệt đới thành nơi thu dung bệnh nhân sởi, còn bệnh nhân ở Trung tâm phân luồng sang khoa, phòng khác. "Bệnh sởi hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, bệnh nhân sởi cần được phát hiện sớm các biến chứng nặng về hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, mắt… Bệnh viện đã phải dự trù nguồn cung ứng vitamin A liều cao để sẵn sàng cho tình huống gia tăng ca mắc sởi cả nội và ngoại trú", BS Tùng cho biết.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện công tác khám sàng lọc, điều trị trong bệnh viện làm tương đối tốt nhưng số mắc vẫn gia tăng chủ yếu liên quan đến ý thức, hiểu biết của cộng đồng trong chủ động phòng bệnh. Một trong những nguyên nhân khiến ca mắc sởi gia tăng thời gian qua là có khoảng trống miễn dịch. Trước kia, nhóm bệnh sởi ghi nhận ở độ tuổi lớn hơn khoảng 5-10 tuổi, nhưng số liệu hiện nay cho thấy 19% ca mắc sởi từ 6 đến 9 tháng và 14% ca mắc sởi dưới 6 tháng, trong khi đó, theo lịch tiêm chủng trước đây trẻ trên 9 tháng tuổi mới tiêm phòng sởi. Vì thế, từ cuối 2024, Bộ Y tế đã mở rộng đối tượng tiêm vaccine sởi từ khi 6 tháng tuổi và sau đó tiêm 2 mũi như khuyến cáo cho trẻ trong vùng dịch.
Mặc dù thời tiết đã nóng hơn và không còn lạnh, ẩm, nhưng Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo các gia đình không được chủ quan. Nếu con đã được 6 tháng tuổi, cần cho tiêm phòng sớm để có miễn dịch chủ động.
Hà Nội: Tỷ lệ tiêm vaccine mới đạt 66% so với kế hoạch
Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch bệnh ở người trên địa bàn TP Hà Nội.
UBND TP nêu rõ, trong 3 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP vẫn được kiểm soát, tuy nhiên số ca mắc bệnh sởi gần đây đang có xu hướng tăng cao. Đến ngày 14/3, TP ghi nhận 876 ca mắc bệnh sởi và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, có thể ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh sởi, đặc biệt ở nhóm trẻ em mắc các bệnh lý nền, thường xuyên phải nhập viện điều trị.
Trong khi đó, tính đến ngày 14/3, tỷ lệ tiêm chủng vaccine sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi của TP đạt 66% còn thấp so với kế hoạch đề ra đạt trên 95%.
Để triển khai kịp thời, hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian tới theo nguyên tắc "phòng là chính", UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình dịch bệnh, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.
Chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh "từ sớm, từ xa" theo địa bàn, phạm vi, lĩnh vực quản lý; rà soát các điều kiện phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai kịp thời, hiệu quả.
Về công tác tiêm chủng vaccine phòng chống dịch bệnh sởi, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác, UBND TP yêu cầu Sở Y tế đảm bảo đủ vaccine và các điều kiện cần thiết khác để hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám chữa bệnh.
Đồng thời, sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa trường hợp tử vong; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi và công tác phòng, chống dịch bệnh khác tại các địa phương.
UBND TP cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh sởi trong trường học bằng nhiều hình thức; phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. (CL)
Trần Hằng
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/xa-hoi/tre-nhap-vien-do-bien-chung-soi-tang-nhanh-i763278/