Trẻ sơ sinh được bú mẹ có sức khỏe tim mạch tốt hơn

Trẻ sơ sinh được bú mẹ có sức khỏe tim mạch tốt hơn
19 giờ trướcBài gốc
Nội dung
1. Cho trẻ bú mẹ giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tim mạch
2. Lợi ích của việc cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời
1. Cho trẻ bú mẹ giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tim mạch
Bú mẹ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho trẻ, bao gồm tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ nhiễm trùng và dị ứng. Nghiên cứu cho thấy, trẻ được bú mẹ có sức khỏe tim mạch tốt hơn do có thành phần dinh dưỡng tối ưu như chứa các acid béo chuỗi dài không bão hòa đa DHA và ARA, rất quan trọng cho sự phát triển tim mạch của trẻ.
Bú mẹ giúp trẻ kiểm soát cân nặng tốt hơn và giảm nguy cơ béo phì, một yếu tố nguy cơ lớn của bệnh tim mạch. Đặc biệt, sữa mẹ cung cấp nhiều loại vi khuẩn đường ruột hơn giúp điều hòa huyết áp trẻ khi trưởng thành, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Trẻ được bú mẹ có sức khỏe tim mạch tốt hơn.
Một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ phát hiện, trẻ sơ sinh có nhiều loại vi khuẩn đường ruột hơn có huyết áp thấp hơn khi còn nhỏ và mối liên hệ này rõ hơn nếu trẻ được bú mẹ ít nhất sáu tháng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ 526 trẻ em trong một nghiên cứu triển vọng tại Đan Mạch. Họ tìm kiếm mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột ở trẻ sơ sinh (có thể bị ảnh hưởng bởi dinh dưỡng) và huyết áp ở trẻ em. Để đánh giá điều này, họ đã thu thập các mẫu phân để phân tích vi khuẩn trong ruột của trẻ sơ sinh trong tuần, tháng và năm đầu tiên của cuộc đời. Sau mốc 3 và 6 năm, tiến hành đo huyết áp của trẻ. Kết quả, trẻ em có nhiều loại vi khuẩn đường ruột hơn trong một tháng có huyết áp thấp hơn sáu năm sau đó.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc cho con bú trong thời gian ít nhất sáu tháng. Họ phát hiện ra, ở những trẻ em được cho bú ít nhất sáu tháng, tác dụng hạ huyết áp của việc có nhiều loại vi khuẩn đường ruột hơn còn mạnh hơn. Cụ thể, những trẻ có nhiều loại vi khuẩn đường ruột hơn trong suốt tháng đầu đời có huyết áp tâm thu thấp hơn khoảng 2mm Hg sáu năm sau đó nếu chúng được cho bú ít nhất sáu tháng.
Các nhà nghiên cứu tin rằng, có thể có một số lý do cho những mối liên hệ này. Một số vi khuẩn đường ruột đã phát triển bộ máy sinh học chuyên biệt cho phép chúng chuyển đổi carbohydrate không tiêu hóa được trong sữa mẹ thành calo và các chất mà cơ thể có thể sử dụng. Các loài Bifidobacterium cụ thể, bao gồm B. infantis giúp phân hủy các carbohydrate này và biến chúng thành acid béo chuỗi ngắn có thể ảnh hưởng đến huyết áp và hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Ở trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ, vi khuẩn không có carbohydrate trong sữa mẹ để ăn có thể phá vỡ carbohydrate lót ruột. Điều này có thể dẫn đến tình trạng "ruột rò rỉ", nghĩa là vi khuẩn và chất béo có thể xâm nhập vào máu. Ruột rò rỉ có liên quan đến tình trạng viêm và tăng huyết áp ở người lớn.
Nghiên cứu cũng phát hiện số loại vi khuẩn, bao gồm H.pylori, xuất hiện ở một số trẻ sơ sinh và những vi khuẩn này có liên quan đến tình trạng tăng huyết áp nhiều năm sau đó. H.pylori có thể lây truyền từ mẹ sang con và tạo ra mức độ viêm thấp dai dẳng, ảnh hưởng đến đường ruột.
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là cách tốt nhất để trẻ phát triển toàn diện.
2. Lợi ích của việc cho trẻ bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời
Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời là cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các bà mẹ nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và tiếp tục cho trẻ bú đến 2 tuổi vì những lý do sau:
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất:Sữa mẹ cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong 6 tháng đầu đời bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất.
Sữa mẹ giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ: Sữa mẹ chứa các kháng thể tự nhiên giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi, nhiễm trùng tai và các bệnh khác.
Trẻ bú mẹ có nguy cơ thấp hơn mắc các bệnh như hen suyễn, dị ứng, đái tháo đường type 2, béo phì và hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Phát triển trí não và tim mạch: Sữa mẹ chứa DHA và ARA, các acid béo quan trọng cho sự phát triển não bộ và thị lực của trẻ. DHA và ARA cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ tim mạch của trẻ.
Vân Anh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tre-so-sinh-duoc-bu-me-co-suc-khoe-tim-mach-tot-hon-169250402154800856.htm