Theo trang Parents, trẻ nhỏ thường bắt chước những gì chúng nghe thấy mà không biết chính xác ý nghĩa, bao gồm cả những từ ngữ không hay. Trong khi đó, trẻ lớn hơn có thể muốn thử xem phản ứng của cha mẹ thế nào. Nếu con bắt đầu nói những từ ngữ không phù hợp, cha mẹ cần có phương pháp kỷ luật hợp lý để hạn chế điều này, đồng thời không khiến trẻ tò mò hơn về từ ngữ tục tĩu.
1. Hãy suy nghĩ về giá trị gia đình: Cách chúng ta nuôi dạy con cái về ngôn ngữ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những gì gia đình ta coi trọng. Đối với một số gia đình, chửi thề không phải là vấn đề lớn và cha mẹ chấp nhận trẻ có thể sử dụng. Ngược lại, nhiều gia đình khác coi chửi thề là vấn đề nghiêm trọng. Điều quan trọng là dạy cho trẻ hiểu rằng mỗi gia đình có những giá trị khác nhau và việc sử dụng ngôn ngữ tục tĩu không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu gia đình bạn không sử dụng ngôn ngữ tục tĩu, hãy giải thích cho con hiểu rằng mặc dù chúng có thể nghe thấy những lời chửi thề từ người khác, điều đó không có nghĩa là nó phù hợp với giá trị của gia đình mình và chúng không nên lặp lại những từ đó.
2. Xem xét nguyên nhân: Tìm ra gốc rễ vấn đề là điều quan trọng khi đối diện với việc con sử dụng ngôn ngữ không phù hợp. Có thể con chỉ đơn giản là bắt chước người khác, hoặc sâu xa hơn, đó là dấu hiệu của những khó khăn trong giao tiếp xã hội hoặc mất kiểm soát cảm xúc. Chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố, từ độ tuổi và hoàn cảnh cụ thể đến những kỹ năng sống mà con đang thiếu. Hãy kiên nhẫn lắng nghe, thấu hiểu và hỗ trợ con vượt qua giai đoạn này.
3. Làm gương cho con: Hãy xem xét lại hành vi mà bạn đang làm gương cho con. Nếu bạn chửi thề, có thể con cũng sẽ làm vậy. Việc nói với con rằng "Đây là những từ của người lớn nên bố/mẹ có thể nói nhưng con thì không" là không đủ để giải quyết vấn đề. Trẻ em muốn trở thành người lớn và sẽ bắt chước những gì cha mẹ làm. Vì vậy, nếu bạn hơi "lơ là" với ngôn ngữ của mình và con đã bắt đầu nói bậy, bước đầu tiên phải làm là thay đổi ngôn ngữ của chính bạn. Tiếp theo, hãy tạo ra một môi trường gia đình tích cực và kiểm soát những yếu tố bên ngoài có thể ảnh hưởng đến con.
4. Bỏ qua nếu con muốn sự chú ý: Trẻ em thường lặp lại hành vi để nhận được nhiều sự chú ý, ngay cả khi đó là hành vi tiêu cực. Nếu cha mẹ cười hoặc làm ầm ĩ về một từ tục tĩu, gần như chắc chắn rằng trẻ sẽ nói lại. Mặt khác, một số nghiên cứu cho thấy trẻ em thiếu sự quan tâm dễ có hành vi tìm kiếm sự chú ý. Vì vậy, hãy đảm bảo bạn dành đủ thời gian cho con. Bỏ qua hành vi có thể là bước đầu tốt, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nhưng nếu việc nói bậy được lặp lại, hãy giải thích rằng đó không phải là một từ hay và yêu cầu con không được sử dụng nữa.
5. Thiết lập quy tắc về việc chửi thề: Quy tắc giúp trẻ em biết giới hạn của mình. Vì vậy, cha mẹ hãy đặt ra quy tắc liên quan đến ngôn ngữ tục tĩu, sau đó đưa ra các hậu quả dành cho con. Ví dụ, nếu con chửi thề khi tức giận, phạt con trong khoảng thời gian nhất định sẽ giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc. Ngoài ra, hãy khen ngợi và thưởng khi con sử dụng ngôn ngữ lịch sự. Mục tiêu cuối cùng là giúp con hiểu rằng ngôn ngữ có sức mạnh và ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta.
Ngọc Bích
Ảnh: Freepik