Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới hơn 37.000 điểm cầu các bộ, ngành, đơn vị Trung ương, các đảng ủy trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy và điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên cả nước, với sự tham dự của hơn 1,5 triệu đại biểu.
Hội nghị còn được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và phát thanh trực tiếp trên kênh thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam để cán bộ, đảng viên và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Y Thanh Hà Niê Kđăm và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Thị Phúc tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có sự tham dự của các đồng chí: Y Thanh Hà Niê Kđăm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thị Phúc - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Hồng Thái - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái và Phó Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thắng cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự hội nghị tại điểm cầu Hội trường Tỉnh ủy Lâm Đồng
Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Trưởng các Ban của HĐND tỉnh; các cơ quan của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Lâm Đồng; các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Lâm Đồng…
Tại Lâm Đồng, hội nghị được kết nối đến 163 điểm cầu gồm: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Hội trường 300 chỗ và 500 chỗ Trung tâm Hành chính tỉnh; các huyện ủy, thành ủy; các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với sự tham dự của trên 11.300 đại biểu.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân"
• KINH TẾ TƯ NHÂN LÀ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG NHẤT CỦA NỀN KINH TẾ QUỐC GIA
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW”.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh tham dự hội nghị
Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân, coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế…
Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tham dự hội nghị
Nghị quyết 68-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu NSNN; giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu châu Á.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đa Cát Vinh và Phó UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị
Về tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị
Ngày 15/5, Đảng ủy Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động kèm theo Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW. Phân công nhiệm vụ bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Ngày 17/5/2025, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị
• ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC XÂY DỰNG, THI HÀNH PHÁP LUẬT
Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trình bày chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW”.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Công an tỉnh
Nghị quyết 66 xác định rõ: Đổi mới căn bản công tác xây dựng và thi hành pháp luật là nội dung cốt lõi, nền tảng cho tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi với cơ chế tổ chức thực hiện nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục của các cơ quan sau sắp xếp tổ chức bộ máy, tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, mở đường cho kiến tạo phát triển.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Trung tâm hành chính tỉnh
Trong đó, năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.
Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước; nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Bảo Lộc
Để hiện thực hóa định hướng, Nghị quyết đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chiến lược: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật; đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; tạo đột phá trong công tác thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế, pháp luật quốc tế; xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Lạc Dương
Ngày 16/5, Đảng ủy Quốc hội đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã ban hành và thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 về Một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Huyện ủy Bảo Lâm
• “BỘ TỨ TRỤ CỘT” ĐƯA ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Sau gần 40 năm kiên trì thực hiện công cuộc đổi mới, những đổi mới, cải cách mà chúng ta đang triển khai hiện nay không chỉ là yêu cầu khách quan của phát triển mà còn là mệnh lệnh từ tương lai dân tộc. Trong đó tập trung vào bốn đột phá: Nghị quyết 57 của Bộ chính trị: thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Nghị quyết 59 về chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng (đã được quán triệt học tập); Nghị quyết 68: phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66: đổi mới toàn diện công tác xây dựng, thi hành pháp luật.
4 nghị quyết quan trọng trên được Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây được xem như “Bộ tứ trụ cột”, sẽ là những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta tiến lên trong kỷ nguyên mới, hiện thực hóa tầm nhìn Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Hội nghị được kết nối đến điểm cầu các xã vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh
Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện. Điểm đột phá chung của cả 4 nghị quyết là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”, từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”, từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”. Đây là bước chuyển tư duy căn bản, kế thừa thành tựu đổi mới 40 năm qua và phù hợp với xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên số.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025–2030) gồm: Hoàn thiện thể chế pháp luật hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy phát triển; Đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tăng tốc hội nhập quốc tế toàn diện, chủ động, hiệu quả; Phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực chất, trở thành “một động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc gia.
Hội nghị được kết nối đến điểm cầu các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh những nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025 khi đây là năm bản lề mở ra kỷ nguyên mới. Trong đó, nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết; khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật, triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW; khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung đàm phán, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA và đặc biệt là đàm phán hiệu quả FTA với Hoa Kỳ; thực hiện đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh truyền thông, tạo đồng thuận xã hội…
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hùng cường, Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hãy chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, để cùng nhau đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình; chủ động, sáng tạo, đoàn kết thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân, làm cho nhân dân có đời sống thực sự ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước.
Lãnh đạo các cấp, từ Trung ương đến địa phương, phải gương mẫu, tiên phong trong đổi mới tư duy và hành động; dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích quốc gia, thậm chí dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Các chương trình hành động phải được triển khai quyết liệt, bài bản, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo năng lực và kết quả công tác.
Người dân và doanh nghiệp phải được xác định là trung tâm và chủ thể sáng tạo trong phát triển. Cần bồi đắp mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp quốc gia, khơi dậy nguồn lực đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, phát triển kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường hiện đại hóa, hội nhập.
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời hướng dẫn việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68
Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; đồng thời hướng dẫn việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Lâm Đồng
Đồng chí nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nội dung: tổ chức truyền thông quán triệt, tuyên truyền kết quả hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị, trong đó nêu rõ tinh thần quyết liệt, đổi mới; nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động thực nghị quyết, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống; bám sát quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, lan tỏa mạnh mẽ cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả của các tổ chức, cá nhân…
TUẤN HƯƠNG