Binh sĩ Israel tiến hành hoạt động quân sự tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Trong số đó, khoảng 28% cuộc gọi từ binh sĩ phản ánh tình trạng khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Khoảng 20% liên quan đến lo âu, sang chấn tâm lý hoặc cảm giác mất mát. Gần 1/3 (khoảng 32%) các cuộc gọi thể hiện cảm giác cô đơn sâu sắc, và 10% người gọi chia sẻ đang gặp khó khăn trong các mối quan hệ cá nhân quan trọng.
Theo Tiến sĩ Shiri Daniels, Giám đốc chuyên môn quốc gia của ERAN, nhiều binh sĩ vẫn đang gặp trở ngại lớn trong việc tìm đến sự hỗ trợ tâm lý. Bà Daniels cho biết: "Trong môi trường coi trọng sự mạnh mẽ và bền bỉ, việc tìm kiếm sự giúp đỡ có thể bị nhìn nhận là dấu hiệu của sự yếu đuối, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân hoặc cách nhìn nhận của đồng đội đối với họ".
Tiến sĩ Daniels cũng chỉ ra rằng văn hóa quân đội có thể làm trầm trọng thêm vấn đề này: "Binh sĩ thường được huấn luyện để kìm nén cảm xúc, hoạt động dưới áp lực cực độ và luôn duy trì trạng thái sẵn sàng. Những phẩm chất này tuy cần thiết trên chiến trường, nhưng lại cản trở khả năng thể hiện cảm xúc và nhận biết dấu hiệu khủng hoảng tâm lý".
Tiến sĩ Daniels lý giải nhiều trường hợp khủng hoảng không được nhận biết hoặc bị phủ nhận. Binh sĩ thường quen với việc chịu đựng áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần như một phần của nhiệm vụ. Điều này khiến họ dễ xem nhẹ các triệu chứng, hoặc nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường, thay vì nhận ra rằng đó là dấu hiệu cần được can thiệp về mặt tâm lý.
Ông David Koren – Giám đốc điều hành ERAN – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh xung đột kéo dài, cả binh sĩ thường trực lẫn quân dự bị và gia đình họ đều phải chịu áp lực tinh thần ngày càng lớn. Ông Koren lưu ý: "Gánh nặng tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cá nhân, mà còn tác động đến đời sống hằng ngày, bao gồm cả quan hệ gia đình và sự ổn định tài chính".
Gần đây, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tel Aviv đã theo dõi tỉ lệ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm lý hậu sang chấn (PTSD) ở các binh sĩ chiến đấu trong thời gian tại ngũ và sau khi giải ngũ. Kết quả cho thấy xung đột đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng tâm lý, với 12% số người tham gia khảo sát báo cáo có triệu chứng PTSD ở mức nghiêm trọng. Các báo cáo gần đây cũng cho thấy hiện tượng kiệt sức trong lực lượng dự bị của IDF khi một số người đã trải qua nhiều đợt chiến đấu kéo dài.
Thanh Bình (TTXVN)