Kiên cường giữ đảo
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (1/1973), Chính phủ Mỹ tiếp tục viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn, xúi giục chính quyền tay sai phá hoại hiệp định. Chúng thực hiện kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, càn quét, bình định, tái chiếm những vùng do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam kiểm soát.
Ở Lý Sơn, chính quyền tay sai tăng cường số lượng ngụy quyền lên đến 53 tên, ngụy quân lên đến 190 tên và trang bị thêm các loại vũ khí mới để chống lại lực lượng cách mạng. Chúng thực hiện chính sách khủng bố, bắt bớ, đe dọa, đàn áp tinh thần người dân. Cùng với đó, chúng dùng tiền bạc, vật chất mua chuộc bọn lưu manh, phản động nhằm đánh phá phong trào cách mạng ở Lý Sơn. Song, lực lượng cách mạng và nhân dân trên đảo vẫn kiên trì tổ chức biểu tình, đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch. Ngày 15/2/1975, địch đưa từ đất liền ra đảo một lực lượng biệt phái để đàn áp cơ sở cách mạng của ta...
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang tham quan Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải (Lý Sơn). Ảnh: XUÂN BẢO
Sau thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên trong tháng 3/1975, quân giải phóng tiếp tục mở Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ngụy quân, ngụy quyền từ Huế, Đà Nẵng... tháo chạy ra biển để thoát thân. Những ngày cuối tháng 3/1975, đảo Lý Sơn có hơn 12 nghìn quân ngụy, ngụy quyền trốn chạy từ đất liền ra chờ ứng cứu. Tại đây, chúng đã gây ra cảnh hỗn loạn, cướp bóc, đàn áp nhân dân trên đảo.
Ngày 23/3/1975, thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy Quảng Ngãi “Đẩy mạnh tổng công kích và khởi nghĩa toàn tỉnh”, Huyện ủy Đông Sơn chỉ đạo Ban cán sự Lý Sơn thành lập Ban khởi nghĩa giải phóng đảo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào Lý Sơn cất giấu lương thực, cô lập bọn lính tàn quân. Ngày 30/3/1975, Ban Khởi nghĩa Lý Sơn phân công các đội du kích vũ trang, các tổ tuyên truyền về trụ bám ở các chốt, các địa điểm của mỗi xã chờ lệnh nổ súng.
Đúng 4 giờ ngày 31/3/1975, Ban Khởi nghĩa phát lệnh cho các xã, các tổ tuyên truyền, cổ động đi khắp đảo vận động toàn dân nổi dậy giành chính quyền. Lúc 7 giờ 15 phút, 4 quả mìn được quân ta bố trí trên các đỉnh núi nổ vang. Cờ giải phóng phấp phới bay trên 5 đỉnh núi và các ngã đường, truyền đơn, áp phích cách mạng được rải và dán khắp nơi. Toàn dân xuống đường hô vang khẩu hiệu chống Mỹ - ngụy, ủng hộ cách mạng và xông vào chiếm lĩnh các cơ quan, đồn bót của ngụy quân, ngụy quyền, tịch thu tài liệu, vũ khí... đảo Lý Sơn được hoàn toàn giải phóng.
Đoàn kết xây dựng quê hương
Sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lý Sơn bước công cuộc tái thiết quê hương với vô vàn khó khăn, nhất là cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu. Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí cho hay, đảo Lý Sơn trở thành đơn vị hành chính cấp huyện vào ngày 1/1/1993. Các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn chung sức, chung lòng xây dựng quê hương. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và đời sống dân sinh được xây dựng ngày càng hoàn thiện. Trong đó, có hàng chục công trình có quy mô lớn như cảng cá Lý Sơn, cảng Bến Đình, vũng neo đậu tàu thuyền trú bão, mạng lưới đường giao thông, bệnh viện, trường học và khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống sạt lở bờ biển, hệ thống điện cáp ngầm xuyên biển, đầu tư tàu khách cao tốc. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển huyện Lý Sơn đã được ban hành.
Lý Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: XUÂN BẢO
Trong 50 năm qua, kinh tế, xã hội của huyện đạt nhiều thành tựu đáng tự hào. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2024 đạt 2.437 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần so với năm 1993. Thu nhập bình quân đầu người năm 1993 khoảng 200 nghìn đồng/người/năm, đến năm 2024 tăng lên 48 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 240 lần. Năm 1993 thu ngân sách trên địa bàn huyện chỉ đạt 162 triệu đồng, đến năm 2024 đạt 17 tỷ đồng, tăng gấp 105 lần. Đặc biệt, sau khi có hệ thống điện lưới quốc gia, các chợ, siêu thị, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải đường thủy và đường bộ được đầu tư phát triển; doanh thu thương mại, dịch vụ năm 2024 đạt 1.097 tỷ đồng, tăng hơn 50 lần so với năm 1993. Lý Sơn cũng trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Lý Sơn đang đứng trước vận hội mới để phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ huyện xác định, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển sản xuất, đưa huyện Lý Sơn phát triển mạnh, bền vững về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, quyết tâm xây dựng Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
XUÂN BẢO