Một thời chiến đấu oanh liệt
Những ngày đầu tháng Tư lịch sử, trong căn nhà nhỏ của Chủ tịch Hội Nữ kháng chiến huyện Lộc Ninh Đỗ Thị Nghĩa ở xã Lộc Tấn, các thành viên một thời băng rừng lội suối dưới làn đạn của kẻ thù đã rộn ràng câu chuyện chở người, cứu thương và dẫn đường cho bộ đội. Họ là những bông hoa rừng đóng góp sức người, sức của làm nên chiến thắng giành lại độc lập dân tộc, hòa bình cho đất nước. Cựu nữ du kích Đỗ Thị Nghĩa (hay còn gọi Tư Nghĩa) chia sẻ: Khi được lệnh của Trung ương Cục quyết tâm giải phóng Lộc Ninh, làm bàn đạp, căn cứ cơ sở cách mạng nên chúng tôi được điều động từ Bình Long về tá túc ở Lộc Tấn để tham gia cách mạng. Người tải thương, tải đạn, tải lương thực; người được phân công tải vũ khí… Lúc đó, với quyết tâm giải phóng từng mảng, từng vùng nên mừng lắm, chúng tôi trên vai mỗi người tải 50kg đi ngày, đêm nhưng không mệt mỏi, chỉ với tinh thần hăng hái phục vụ chiến dịch.
Trong những câu chuyện của các nữ kháng chiến tại nhà bà Đỗ Thị Nghĩa, một thời chiến đấu oanh liệt được tái hiện
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Lộc Tấn là nơi có các điều kiện về địa hình, địa thế, chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, dân cư và bảo đảm an toàn cho các hoạt động lãnh đạo cách mạng của Đảng. Nơi đây cũng trở thành “ngôi nhà” của những cán bộ, bộ đội chủ lực và du kích địa phương lưu trú để sống chiến đấu. Bà Nguyễn Thị Lan, thành viên Hội Nữ kháng chiến huyện Lộc Ninh chia sẻ: Bấy giờ tôi biên chế ở đơn vị bộ đội chủ lực. Thời điểm chuẩn bị giải phóng Lộc Ninh, tôi đóng quân ở khu vực Cầu Trắng. Chiến sự bấy giờ rất ác liệt, quân đội tiến vào được cũng nhờ sự hỗ trợ tích cực của địa phương, của du kích địa phương dẫn đường. Bằng tinh thần vì hòa bình độc lập, sức mạnh đoàn kết của quân và dân, chúng ta đã giải phóng Lộc Ninh và sau đó hướng về giải phóng Sài Gòn.
Nữ cựu kháng chiến Đỗ Thị Nghĩa ôn lại những kỷ niệm thời chống Mỹ
Theo Lịch sử xã Lộc Tấn (1930-2006), vào tháng 8-1968, tại làng 5, xã Lộc Tấn, lực lượng địa phương đã cùng chủ lực diệt một đại đội bảo an, bắn cháy nhiều xe cơ giới. Ngày 13-9-1968, lực lượng vũ trang cách mạng tấn công vào đồn đóng quân hỗn hợp Mỹ - ngụy ở cao điểm 224 phía đông làng 9, bắn chết tên trung tướng Tư lệnh sư đoàn "Anh cả đỏ" khi đang ngồi trên trực thăng thị sát. Trong trận này, ta diệt khoảng 450 tên, bắn rơi 1 trực thăng, 1 phản lực; bắn bị thương phản lực khác và 1 máy bay L19. Ngay trong đêm đó, du kích xã Lộc Tấn độc lập tấn công vào làng 5, dùng bộc phá đánh sập 3 nhà hầm, diệt 20 tên ngụy, thu 16 súng tiểu liên và 1 trung liên. Khi diễn ra chiến dịch Nguyễn Huệ trên toàn miền Nam, đêm 4 rạng ngày 5-4-1972, tại Lộc Ninh, trong khi bộ đội Miền lần lượt hạ các đồn bốt địch ở Lộc Bình, Hoa Lư, làng 2 thì ở Lộc Tấn du kích địa phương làm nhiệm vụ dẫn đường nắm tình hình địch phối hợp với bộ đội chủ lực Đại đội 3, Sư đoàn 9 đã đánh chiếm các ấp chiến lược, tiêu diệt và bắt sống địch trong các đồn bốt ở Lộc Ninh dọc theo hai bên quốc lộ 13.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Lộc Tấn cũng là địa bàn đóng quân, đào tạo, huấn luyện, tập kết, trung chuyển của các lực lượng vũ trang; nơi có kho cất trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng... phục vụ mặt trận. Theo Lịch sử xã Lộc Thái(1930-2006), tháng 9-1973, đoàn Hậu cần 50 của Tổng cục Hậu cần đến để xây dựng Lộc Ninh thành nơi dự trữ chiến lược cho cả chiến trường B2. Lộc Tấn có đoàn hậu cần chuyên phục vụ cho các đơn vị trên địa bàn Lộc Ninh. Giai đoạn cuối năm 1973, đầu 1974, khi mạng lưới vận tải cơ giới từ Lộc Ninh đến các chiến trường đã được xây dựng, Bộ Tư lệnh 559 mở tuyến đường ống dẫn dầu vào chiến trường Nam bộ. Khi tuyến đường ống này đến Lộc Ninh, Lộc Tấn là một trong 3 trạm xăng trên đất Bình Phước với mật danh VK.94 (2 trạm còn lại ở Lộc Quang VL.98 và Bù Gia Mập VK.96). Trong suốt thời gian xây dựng và hoạt động, trạm tiếp nhận và cấp phát xăng dầu Lộc Tấn luôn giữ được bí mật và hoạt động an toàn, cung cấp xăng dầu cho xe cơ giới hoạt động trên tuyến Nam Trường Sơn. Lộc Tấn đã trở thành một trong những trạm tiếp nhận và di chuyển hậu cần của huyện Lộc Ninh ở điểm cực Nam đường Trường Sơn lịch sử.
Với tinh thần kiên cường, anh dũng trong kháng chiến, Lộc Tấn vinh dự 2 lần được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978 và năm 2005. Đó là niềm vinh dự và khích lệ nhân dân Lộc Tấn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và động lực trong xây dựng, đổi mới, phát triển hiện nay.
Nghĩa tình trong thời bình
Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương luôn quan tâm, chăm lo cho người dân, nhất là những gia đình có công với cách mạng bằng nhiều chính sách thiết thực và ý nghĩa. Gia đình thương binh Nguyễn Ngọc Lũy ở ấp 5C, xã Lộc Tấn, hoàn cảnh khó khăn, đến năm 2024 được xã Lộc Tấn vận động phối hợp Quân khu 7 trao tặng căn nhà nghĩa tình quân dân. Ông Lũy chia sẻ: Chính quyền địa phương rất quan tâm gia đình tôi, hỗ trợ từ căn nhà tới các phần quà ý nghĩa trong các dịp lễ, tết.
Lãnh đạo xã Lộc Tấn thăm và động viên gia đình chính sách Nguyễn Ngọc Lũy ở ấp 5C, xã Lộc Tấn
Bà Trần Thị Vinh ở ấp K57, xã Lộc Tấn, cho biết: Hộ tôi thuộc diện khó khăn về nhà ở, để làm được căn nhà là điều xa vời đối với gia đình. Vừa qua, chính quyền xã Lộc Tấn đã trao tặng căn nhà mơ ước cho gia đình tôi. Niềm hạnh phúc này gia đình mãi không quên và sẽ nỗ lực đoàn kết để phát triển kinh tế.
Khởi công xây dựng nhà tình nghĩa quân dân cho hộ bà Trần Thị Vinh ở ấp K57, xã Lộc Tấn
Bà Đỗ Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Tấn cho biết: Năm 2024, xã đã bàn giao, đưa vào sử dụng 15 căn nhà từ chương trình của Bộ Quốc phòng hỗ trợ hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở thuộc huyện biên giới, với tổng trị giá hơn 1,7 tỷ đồng; vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng và bàn giao 11 căn nhà tình nghĩa, tình thương tổng trị giá 760 triệu đồng tặng các đối tượng khó khăn về nhà ở. Đồng thời, xã phối hợp trao 400 phần quà tặng hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 600 phần ăn cho nhân dân, học sinh do Hội Chữ thập đỏ xã vận động với tổng trị giá gần 160 triệu đồng; tổ chức thăm, tặng 254 phần quà cho người có công trị giá 102 triệu đồng...
Sau khi được công nhận là xã an toàn khu, Nhà nước thực hiện các chính sách quan tâm, chăm lo cho người dân trong vùng. Năm 2023, Nhà nước đã thực hiện chính sách cấp bảo hiểm y tế cho toàn dân xã an toàn khu. Với sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, nhân dân vui mừng phấn khởi, từ đó tích cực hơn trong việc gìn giữ và phát huy giá trị địa phương cách mạng.
Bà Đỗ Thị Thu Hoài, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Tấn
Với truyền thống anh hùng của một xã vùng đất “địa đầu”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Tấn đang từng bước khắc phục để vượt qua khó khăn, quyết tâm xây dựng thành xã giàu đẹp, văn minh của huyện Lộc Ninh.
Cẩm Liên