Trên tàu 561 ra Trường Sa

Trên tàu 561 ra Trường Sa
2 ngày trướcBài gốc
Tàu 561 cập âu tàu thị trấn Trường Sa. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
"Hiên ngang" với sóng lắc ngang
Trong hải trình đến với quần đảo Trường Sa, con tàu vượt sóng lớn. Gần đến giờ ăn, tổ phục vụ thông báo mời phóng viên báo đài xuống nhà ăn dùng cơm. Lúc sóng lắc ngang, chúng tôi bước một bước, tàu đẩy chạy ngang thêm ba bước, phải nắm tay ghì chặt thanh inox dài hai bên thành tàu, rồi vừa thả tay bước về hướng nhà ăn vừa chạy ngang. Chị Dương Thị Nương, phóng viên Báo Kon Tum đang đi sau “khen” đồng nghiệp đi trước: "Đi “hiên ngang” với sóng lắc ngang". Nghĩa là bước qua bước lại chắn ngang lối đi, chớ không phải hiên ngang là người bước đi nhanh nhẹn dứt khoát, luôn ngẩng cao đầu.
Có lúc sóng lắc ngang mạnh quá, phóng viên nữ lần đầu đi biển không đi “hiên ngang” xuống nhà ăn được, phải nhờ phóng viên nam đem cơm lên tận phòng.
Sau gần một đêm nằm dài trong phòng “chịu đựng” sóng gió đại dương, đoàn phóng viên ra boong nhìn về hướng trước mũi tàu, háo hức khi gần đặt chân đến quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chị Đinh Thị Thu Thảo, phóng viên Báo Hải Dương tâm sự: Nằm nhiều thấy người chìm trong phòng, ra ngoài nhìn chim hải âu bay lượn thấy nhẹ nhàng bay bổng.
Tuyến thứ nhất, một ngày đêm rồi thêm một đêm, con tàu vượt sóng ra thị trấn Trường Sa. Tàu 561 cập âu tàu, có người nôn ói mật xanh mật vàng vẫn vui vẻ vì tình yêu biển đảo.
Trên tàu 561, giữa đêm tối, con tàu rẽ sóng lao nhanh về phía trước, chúng tôi nghĩ về những con thuyền nhỏ của Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa mấy trăm năm trước mà hết sức cảm phục tinh thần quả cảm của các bậc tiền nhân. Ra đảo bằng thuyền nhỏ, thiếu thốn trăm bề, chỉ bằng những thiết bị thô sơ, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm và sức người mải miết chèo. Vậy mà cha ông ta vẫn đi đến đích, đặt chủ quyền của Việt Nam giữa thăm thẳm trùng khơi mới thấy hết tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn xa bỏng cháy đến nhường nào...
Từ thị trấn Trường Sa đến An Bang, gọi là hòn đảo bão tố, cặp hải âu bay lượn theo cả buổi chiều rồi ngủ đêm trên cột cờ tàu 561. Mờ sáng, khi chúng tôi thức dậy, cặp hải âu vẫn ngủ thêm nửa tiếng đồng hồ nữa mới bay. Một thủy thủ trên tàu cho hay: Đi biển chuyến nào cũng thấy hải âu bay lượn nhưng chúng ngủ đêm trên tàu là hiếm gặp.
Trong hải trình chúng tôi còn may mắn tận mắt thấy cá heo nhảy múa lên khỏi mặt nước. Những chú cá heo đồng hành theo con tàu 561 cả buổi chiều. Một số nghiên cứu đánh giá cá heo rất thông minh, việc bơi trước mũi tàu là để hưởng lợi về năng lượng khi bơi, tận dụng cơ hội săn mồi tốt hơn và để vui chơi, giải trí.
Trên tàu 561 có tổ phục vụ, có siêu đầu bếp. Anh Nguyễn Thành Phú, phóng viên Báo Lào Cai tác nghiệp ở nhà bếp, tâm sự: Bếp nấu nằm ở đuôi tàu. Khi tàu lắc ngang, nghiêng qua lắc lại, siêu đầu bếp chạy qua chạy lại xào chảo xào, nêm nếm nồi canh. Binh nhất Cao Đình Hải, chiến sĩ nuôi quân tàu 561 kể, ngồi lặt rau cũng bị ngã do sóng đánh, tàu rung lắc phần đuôi. Từ nồi nhỏ đến chảo to khi nấu trên bếp phải ràng buộc hai quai...
Bàn ăn thiết kế gờ, khi tàu gặp sóng lắc ngang nồi cơm chạy theo xoong canh đến gờ đứng lại chờ... Sóng lớn xô cả khay thức ăn trượt từ đầu bàn này sang đầu bàn kia, ai cũng bỏ đũa giữ chắc. Bữa cơm dập dềnh giữa biển khơi với nồi cơm biết chạy, nhớ biết bao!
Đến lòng hồ đảo Đá Đông, Đá Tây, tàu 561 nằm lại 3 ngày, đoàn công tác thăm quân và dân trên đảo. Sau những cuồng phong, biển cũng dịu hiền như vòng tay thiếu nữ. Tối, anh em phóng viên rủ dồn phòng xem bóng đá, tiếng reo hò cổ vũ rộn ràng. Kết thúc trận đấu, có người ngồi lại bình luận, có người ra ngoài ngắm biển đêm. Đêm ấy tôi đứng trên boong tàu, dưới ngàn sao lấp lánh để tận hưởng phút êm ả thơ mộng của biển.
Thượng úy Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Thuyền trưởng tàu 561 (bìa phải). Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Buồng lái tàu hiện đại
Tàu 561 thuộc biên chế của Vùng 4 Hải quân được đánh giá là một trong những tàu bệnh viện hiện đại nhất Đông Nam Á. Con tàu này đạt tiêu chuẩn quốc tế IMO với thân tàu dài hơn 70m, rộng hơn 13m. Tàu có tải trọng hơn 1.500 tấn, chở được hơn 200 người và được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, tương đương một bệnh viện ở đất liền. Các khoang đều có điều hòa, tủ lạnh, ti vi kết nối truyền hình vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua vệ tinh Vinasat và các phòng bệnh có hệ thống máy móc tiên tiến.
Tham quan buồng lái tàu 561, chúng tôi bất ngờ về mức độ hiện đại của con tàu này. Tàu 561 là con tàu hiện đại nhất do Việt Nam đóng, chịu được sóng từ cấp 8 đến cấp 10. Thượng úy Nguyễn Xuân Hoàn, Phó Thuyền trưởng tàu 561 (Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Vùng 4 Hải quân) năm nay 32 tuổi, từng có 6 năm tu nghiệp tại Trường đại học Hải quân Pie đại đế ở Liên bang Nga. Về đơn vị công tác và gắn bó với những chuyến tàu ra đảo xa từ năm 2020, anh bộc bạch: Chúng tôi luôn chấp hành nghiêm mệnh lệnh đi biển chở các đoàn công tác và hàng hóa từ đất liền ra đảo cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhất là việc bảo quản lương thực, thực phẩm. Quà phải được quan tâm hàng đầu đảm bảo chất lượng tốt nhất khi đến tay bộ đội. Chúng tôi luôn coi mỗi cán bộ, chiến sĩ đang công tác ngoài đảo như người thân của mình.
“Các thủy thủ được đào tạo bài bản, đủ sức điều khiển, vận hành con tàu hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, thượng úy Nguyễn Xuân Hoàn cho biết thêm.
Đầu bếp tàu 561 xào nấu khi tàu đang ra khơi. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM
Từ buồng lái trên cao đi xuống, chúng tôi tận mắt thấy tàu “bệnh viện di động” 561 trên biển Đông. Ở khoang bệnh viện có đầy đủ các phòng chức năng như phòng khám, hồi sức cấp cứu, phòng siêu âm, phòng mổ, các phòng chuyên khoa... với gần 20 giường bệnh. Buồng giảm áp là một trong những buồng hiện đại nhất để điều trị các bệnh liên quan đến những bệnh lý nặng. Đặc biệt, ở phòng siêu âm có trang bị hệ thống hội chẩn trực tuyến thông qua hệ thống truyền dữ liệu hình ảnh qua vệ tinh với Bệnh viện Quân y 175. Trang thiết bị, vật tư y tế trên tàu được nhập từ các nước tiên tiến, như máy siêu âm màu 4 chiều, máy đo điện tim, xét nghiệm sinh hóa.
Trên tàu 561, giữa đêm tối, con tàu rẽ sóng lao nhanh về phía trước, chúng tôi nghĩ về những con thuyền nhỏ của Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa mấy trăm năm trước mà hết sức cảm phục tinh thần quả cảm của các bậc tiền nhân. Ra đảo bằng thuyền nhỏ, thiếu thốn trăm bề, chỉ bằng những thiết bị thô sơ, kết hợp với kiến thức, kinh nghiệm và sức người mải miết chèo. Vậy mà cha ông ta vẫn đi đến đích, đặt chủ quyền của Việt Nam giữa thăm thẳm trùng khơi mới thấy hết tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn xa bỏng cháy đến nhường nào. Còn với thế hệ thủy thủ hôm nay đã khác, họ được đào tạo bài bản, có kiến thức khoa học để vận hành những con tàu hiện đại.
MẠNH HOÀI NAM
Nguồn Phú Yên : https://baophuyen.vn/phong-su-ky-su/202503/tren-tau-561-ra-truong-sa-d805e7b/