UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về việc, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, 100% hộ dân trên địa bàn đã ký cam kết chấp hành các quy định. Người dân trên địa bàn đã tự nguyện giao nộp 498 dụng cụ kích điện…
Tuy nhiên, cũng còn một số đơn vị thực hiện chưa thường xuyên, vẫn còn tình trạng vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Huyện Trần Văn Thời từng có nguồn lợi cá đồng rất phong phú nhưng đã bị suy giảm.
Để thực hiện hiệu quả hơn công tác phát hiện và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo răn đe, UBND huyện Trần Văn Thời đã ban hành mức khen thưởng 3 triệu đồng cho người phát hiện, tố giác, báo tin cho lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng tàng trữ, sử dụng xung điện, hóa chất và các hành vi vi phạm khác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, nhân dân là người dễ phát hiện các vụ vi phạm trong đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, trong các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý đã qua, không có vụ việc nào xuất phát từ trình báo của người dân. Quy định thưởng tiền nhằm khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm. Cơ quan chức năng cam kết thông tin người dân cung cấp, tố giác vi phạm sẽ được bảo mật. Việc tố giác vi phạm của người dân sẽ góp phần thiết thực vào phát hiện xử lý các vi phạm, hướng tới tái tạo, khôi phục nguồn lợi thủy sản mà chính nhân dân sẽ được lợi từ điều đó.
Từ sau Chỉ thị số 17, người dân Cà Mau đã tự nguyện giao nộp 1.800 bộ sung điện.
Vào tháng 2/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị số 17 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này, có những nội dung quan trọng như: Ngăn chặn khai thác thủy sản có tính hủy diệt là nhiệm vụ trọng tâm, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước cấp trên nếu để tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt xảy ra tại địa phương, đơn vị mình.
Sau khi chỉ thị được ban hành, đến nay toàn tỉnh Cà Mau đã xử lý hơn 500 vụ dùng xung điện khai thác thủy hải sản tận diệt ngoài tự nhiên. Từ công tác tuyên truyền và vận động, cũng đã có hơn 1.800 bộ xuyệt điện được người dân tự nguyện giao nộp cho ngành chức năng.
Trần Hiếu/VOV-ĐBSCL