Tại một tiểu bang của Úc, những người đánh cá địa phương đang có cơ hội giành được một phần trong tổng giá trị giải thưởng lên tới 2.000 đô la (khoảng 50 triệu đồng), bằng cách tiêu diệt một trong những loài xâm lấn gây hại nghiêm trọng nhất quốc gia - cá chép. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng chỉ cần một hành động thiếu suy nghĩ cũng có thể khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Đầu tháng này, Hội đồng Bờ biển Trung tâm đã phát động cuộc thi câu cá mang tên "Carp to Croc Muster", nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia bắt cá chép tại các tuyến đường thủy địa phương. Cá chép không chỉ cạnh tranh nguồn thức ăn và môi trường sống với các loài cá bản địa, mà còn gây ô nhiễm nước do khuấy động bùn đất trong quá trình kiếm ăn.
Điều này làm giảm chất lượng nước, hạn chế ánh sáng xuyên qua và giảm nồng độ oxy, dẫn đến sự suy giảm của thực vật thủy sinh và môi trường sống tự nhiên. Ngoài ra, cá chép còn có thể góp phần gây ra hiện tượng tảo nở hoa - mối nguy hại tiềm tàng đối với cả con người lẫn động vật.
Với khả năng sinh sản cực kỳ mạnh mẽ khi mỗi con cái có thể đẻ tới một triệu trứng mỗi năm, việc kiểm soát số lượng cá chép trở thành một thách thức lớn. Tại một số lưu vực như Murray-Darling, cá chép hiện chiếm tới 80 đến 90% tổng số lượng cá.
Sau ba tuần diễn ra sự kiện, hàng trăm con cá chép đã được người dân địa phương bắt và đăng ký dự thi. Hội đồng cho biết cá sau khi bắt có thể được chế biến tại nhà hoặc gửi tới Công viên Bò sát Úc để làm thức ăn cho cá sấu. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 263 con cá chép được bắt trong khuôn khổ cuộc thi, trong đó khoảng 80 con đã được đông lạnh để chuẩn bị chuyển tới công viên.
Mục tiêu chính của "Carp to Croc Muster" không chỉ là giảm số lượng cá chép mà còn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của loài sinh vật ngoại lai này đối với hệ sinh thái. "Đây là một cách thú vị để gắn kết cộng đồng, đặc biệt là những người đam mê câu cá, đồng thời giáo dục rộng rãi hơn về vấn đề môi trường", đại diện Hội đồng Bờ biển Trung tâm chia sẻ.
Không chỉ riêng tại vùng Bờ biển Trung tâm, các cuộc thi câu cá chép đang được tổ chức rộng khắp nước Úc, tiêu biểu như "Lake Keepit Carp Frenzy" hay "Goondiwindi Classic". Tháng trước, cuộc thi "SA Carp Frenzy" đã giúp loại bỏ tới 4 tấn cá chép khỏi hồ Bonney.
Dù hoan nghênh nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng, Tiến sĩ Carol Booth từ Hội đồng các loài xâm lấn cảnh báo rằng câu cá giải trí không phải là biện pháp kiểm soát cá chép hiệu quả về lâu dài. Bà bày tỏ lo ngại việc quảng bá cá chép như một nguồn thực phẩm có thể vô tình dẫn đến hành vi thả cá ra những tuyến sông mới, chỉ vì mong muốn tạo thêm cơ hội câu cá hoặc khai thác nguồn thực phẩm. "Chỉ cần một hoặc hai kẻ ngốc cũng có thể khiến một dòng sông mới bị cá chép xâm chiếm", bà Booth nhấn mạnh.
Đó cũng là lý do vì sao tại Queensland, chính quyền đã cấm việc tiêu thụ cá chép cũng như các loài cá xâm lấn khác như cá rô phi - tất cả cá bắt được phải tiêu hủy ngay lập tức. Để giải quyết triệt để vấn đề, chính phủ Úc hiện đang nghiên cứu khả năng sử dụng virus Cyprinid herpesvirus 3 - một tác nhân kiểm soát sinh học có khả năng tiêu diệt cá chép mà không gây hại cho các loài cá bản địa. Nếu được triển khai thành công, biện pháp này có thể giúp giảm tới 80% quần thể cá chép.
Hiện nay, cá chép đã xuất hiện ở tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Úc, ngoại trừ Lãnh thổ phía Bắc.
Bình Nguyên