Thầy Lô Thanh Luyến - nhân viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đồng Văn (huyện Quế Phong) nhận quà Tết từ lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An.
Trong đó, ngành đặc biệt dành sự tri ân đến đội ngũ nhân viên trường học (kế toán, văn thư, thiết bị thư viện…).
Niềm vui từ món quà Tết đầu tiên
Chuẩn bị Tết Nguyên đán, ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức chuyến thăm, chúc Tết và trao quà đến trường học 6 huyện vùng cao khó khăn: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Đây trở thành hoạt động thường niên của ngành mỗi dịp Tết đến xuân về, với nhiều chủ đề thiết thực, tính nhân văn sâu sắc.
Cô Nguyễn Thị Hoan - giáo viên Trường Tiểu học Yên Khê, huyện Con Cuông năm nay 50 tuổi, lần đầu tiên được nhận quà Tết từ lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, xúc động nói: “Với người công tác lâu năm ở miền núi, món quà này không chỉ có giá trị vật chất, mà còn mang ý nghĩa tinh thần lớn lao. Đây là nguồn động viên để tôi tiếp tục cố gắng trong dạy học”.
Cô Nguyễn Thị Hoan là tấm gương vượt khó tiêu biểu. Công việc của giáo viên tiểu học ở ngôi trường có phần lớn học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số rất vất vả, thường xuyên đi sớm về muộn. Trong khi đó hoàn cảnh riêng của cô Hoan cũng khó khăn khi một mình chăm sóc, nuôi dạy hai con.
Đến nay, gần 30 năm công tác, cô vẫn tích cực học hỏi, tham gia các buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp để đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Năm nay, bên cạnh món quà từ sở, cô còn là một trong số ít giáo viên của trường học vùng cao này được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận mức khen thưởng cao nhất trường theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP.
Ngày cận Tết, thầy Lô Thanh Luyến đi xe máy vượt hơn 40km từ xã Đồng Văn ra Trường THPT Quế Phong (thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) để dự cuộc gặp mặt với đoàn công tác Sở GD&ĐT Nghệ An. Thế nhưng, quãng đường xa trở nên gần khi lần đầu tiên nhân viên thư viện của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đồng Văn nhận món quà Tết của ngành Giáo dục.
Thầy chia sẻ: “Tôi là trường hợp duy nhất của trường được nhận quà Tết. Đây là sự ưu tiên của nhà trường, ngành Giáo dục dành cho nhân viên trường học như tôi sau hơn 30 năm gắn bó công tác. So với nhiều giáo viên khác trong trường, thu nhập của tôi thấp hơn và có khá nhiều thiệt thòi dù thâm niên công tác cao”.
Những năm trước đây, giáo viên theo quy định không có thưởng Tết. Mỗi dịp Tết, các nhà trường “co kéo” tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên tặng quà động viên cán bộ, nhà giáo, thường là vài trăm nghìn hoặc một số hiện vật như dầu ăn, gạo, mì chính… Vì vậy, khi nhận quà Tết và lắng nghe chia sẻ, gửi gắm từ lãnh đạo sở GD&ĐT, thầy Lô Thanh Luyến cho biết đó là nguồn động viên to lớn cho giáo viên, nhân viên trường học ở trường học vùng sâu, xa.
Ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức Tết sum vầy cho nhân viên trường học.
Tiếp thêm động lực, niềm vui
Chăm lo cán bộ nhà giáo là hoạt động được Công đoàn ngành và sở GD&ĐT thực hiện thường xuyên. Riêng dịp Tết Nguyên đán - ngày lễ ý nghĩa đặc biệt của đất nước, ngành Giáo dục đã vận động các nguồn lực xã hội hóa, sự chia sẻ của cán bộ nhà giáo cùng chung tay hỗ trợ các thầy cô còn khó khăn, vất vả.
Đặc biệt những năm gần đây, chương trình Tết sum vầy đã đến với đội ngũ kế toán, văn thư, thư viện, thiết bị thí nghiệm… phục vụ trong trường học (nhân viên trường học). Dù thu nhập chưa cao, nhiều vất vả, thiệt thòi nhưng nhân viên trường học vẫn âm thầm góp sức giúp cho công tác dạy - học, hoạt động trong nhà trường, góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục.
Tết sum vầy năm nay được ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An tổ chức tại Trường THPT Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp) dành cho nhân viên các đơn vị giáo dục khu vực huyện miền núi Tây Bắc Nghệ An.
Cô Nguyễn Thị Tố - nhân viên Trường THPT Tây Hiếu (thị xã Thái Hòa, Nghệ An) nhận món quà Tết đầu tiên năm 2025 trong chương trình Tết sum vầy tâm sự, nhân viên trường học dù không trực tiếp đứng lớp nhưng khối lượng công việc lớn, vất vả. Lương và chế độ hiện nay chưa cao nên cô và nhiều đồng nghiệp phải làm nhiều nghề tay trái như bán hàng online, nông nghiệp… để có thêm thu nhập.
“Nhiều lúc tôi không khỏi chạnh lòng, nhưng được làm việc, gắn bó với đồng nghiệp, học sinh… cũng đem lại nhiều niềm vui, hạnh phúc. Vì vậy, tôi luôn nỗ lực hết mình trong công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất”, cô Nguyễn Thị Tố nói.
Những món quà tại chương trình Tết sum vầy giá trị vật chất không lớn, nhưng thể hiện tình cảm, sự quan tâm, giữa nhà giáo với nhà giáo. Cùng đó, là sự đồng hành, sẻ chia của lãnh đạo ngành, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể xã hội… để nhà giáo có cái Tết ấm áp, thêm động lực, niềm vui trong xuân mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ phía trước.
Tại chương trình, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, mỗi năm, công đoàn ngành Giáo dục sẽ tổ chức chương trình Tết sum vầy ở những địa phương, đơn vị đặc thù, với mong muốn tất cả cán bộ, nhà giáo, người lao động có dịp được chia sẻ giao lưu.
“Hiện, đội ngũ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học có trách nhiệm riêng và rất nặng nề. Nhất là với địa bàn đặc thù, vùng sâu xa càng thêm vất vả. Vì thế, trong thời gian tới, ngành mong các thầy, cô giáo tiếp tục nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về phía sở, luôn dành sự quan tâm, động viên và tri ân các thầy, cô giáo - những người luôn tận tâm, tận tụy vì sự nghiệp giáo dục, dù ở cương vị nào”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhắn gửi.
Năm 2025 là năm thứ 8 Công đoàn ngành phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức Tết sum vầy cho cán bộ, nhà giáo, người lao động. Đây cũng là lần thứ 2, chương trình Tết sum vầy tổ chức cho thầy, cô là nhân viên các trường học.
Qua 7 lần tổ chức Tết sum vầy, Công đoàn ngành đã tặng quà cho 1.434 nhà giáo với tổng số tiền 1,2 tỷ đồng. Riêng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành Giáo dục Nghệ An dự kiến trao quà Tết cho hơn 730 cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh hiểm nghèo và 38 cơ sở giáo dục với tổng kinh phí gần 800 triệu đồng. Tổng số tiền chăm lo trong dịp Tết Ất Tỵ năm 2025 gần 1 tỷ đồng.
Hồ Lài