Các đại biểu dân tộc thiểu số dự gặp mặt. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
VINH DANH NHỮNG BIỂU TƯỢNG SỐNG CỦA LÒNG YÊU NƯỚC
Nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu năm 2025. Chương trình diễn ra tại Hà Nội ngày 24/7.
Hoạt động biểu dương, tri ân những người có công tiêu biểu của đất nước là một trong những chương trình được quan tâm, diễn ra thường niên trong hơn hai thập kỷ qua, trừ một số thời điểm tạm dừng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 gần đây.
Chương trình cũng ghi dấu ấn nhờ sự phối hợp hiệu quả, lâu dài giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều cơ quan trung ương và các địa phương trên cả nước.
Các Mẹ Việt Nam Anh hùng dự gặp mặt. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Buổi Gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử năm nay có 250 đại biểu tiêu biểu của đất nước. Đó là các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, nhân chứng lịch sử đại diện cho các thế hệ người có công với cách mạng qua các thời kỳ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hoạt động biểu dương, tri ân những người có công tiêu biểu của đất nước là một trong những chương trình được quan tâm, diễn ra thường niên trong hơn hai thập kỷ qua, trừ một số thời điểm tạm dừng do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 gần đây.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay có sự đóng góp to lớn của hơn 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học... Họ là những người có công với cách mạng, nhân chứng tiêu biểu, những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả cho nền độc lập, tự do của dân tộc, cho cuộc sống, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Đặc biệt, gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử năm nay có 20 đại biểu là người dân tộc thiểu số như: Khmer, Gia Rai, Nùng, Tày, Thái, Cao Lan, Cơ Tu, Ka Dông, Pa Hy…; 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 3 lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 30 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến. Cùng với đó là 167 thương binh, 26 bệnh binh; 9 nhân chứng lịch sử và nhiều đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu khác.
Tại cuộc gặp mặt này, đại biểu cao tuổi nhất là ông Phạm Đồng Châu (Hà Nội), 102 tuổi. Ông tham gia cách mạng từ tháng 4/1945, sau đó tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ông đã có nhiều năm công tác trong ngành đường sắt Hà Nội, Văn phòng Thủ tướng, từng giữ vị trí Vụ trưởng Vụ pháp chế. Từ năm 1983, dù được nghỉ hưu theo chế độ nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương, làm Bí thư chi bộ khu dân cư.
Gặp mặt người có công và nhân chứng lịch sử năm nay có 20 đại biểu là người dân tộc thiểu số; 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng; 3 lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa; 30 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến...
Dự gặp mặt còn có Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa IX, thương binh 4/4. Năm nay đã 97 tuổi, ông tham gia cách mạng từ năm 1944, nhập ngũ 1945, trưởng thành từ chiến sĩ đến chính trị viên đại đội. Ông cũng từng là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Cuộc gặp mặt cũng vinh dự có Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục xây dựng lực lượng công an nhân dân. Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước năm 1975, ông công tác trong ngành an ninh tại Công an Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (sau là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ông còn là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa X, Phó Tổng cục trưởng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng cục Xây dựng lực lượng kiêm Phó Ban chỉ huy An ninh cụm II (miền trung-Tây Nguyên). Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 2011.
Còn rất nhiều những gương mặt tiêu biểu khác về dự buổi gặp mặt trang trọng và xúc động này. Chương trình được đón tiếp 10 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Có những mẹ đã 100 tuổi là như mẹ Nguyễn Thị Điểm (Hà Nội), mẹ Trần Thị Căn (Bắc Ninh), mỗi người đều có 2 người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hay Mẹ Việt Nam Anh hùng Đinh Thị Bé (93 tuổi), Nguyễn Thị Cứu (91 tuổi), mẹ Nguyễn Thị Minh (83 tuổi) hay mẹ Nguyễn Thị Thể (85 tuổi) đến từ thành phố Cần Thơ.
Ông Nguyễn Văn Tích, 96 tuổi, đến từ xã Vũ Quý, tỉnh Hưng Yên. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Thương binh Nguyễn Văn Tích, 96 tuổi (xã Vũ Quý, tỉnh Hưng Yên), nguyên Trung đoàn trưởng E263 Phòng không-Không quân, là người đã tham gia ba cuộc kháng chiến, từ chống Pháp, chống Mỹ tới chiến tranh biên giới. Ông cũng có một con trai hy sinh khi 20 tuổi tại mặt trận Tây Nam.
Thương binh Lê Minh Cam, 75 tuổi (xã Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị), là người từng tham gia chiến đấu giải phóng Quảng Trị, Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng như chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc. Ông chia sẻ niềm vui khi được về dự cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này. Dẫu vậy, người thương binh 3/4, với 2 mảnh đạn còn trong người, khiêm tốn cho rằng, đóng góp của mình trong hành trình kháng chiến giành độc lập của đất nước vô cùng nhỏ bé. Với ông, được trở về từ cuộc chiến, để có thể sống trong hòa bình đã là một niềm hạnh phúc lớn lao.
TÌM KIẾM, QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ VỚI QUYẾT TÂM CAO NHẤT
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại gặp mặt. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đáp lại nỗi mong chờ của các gia đình có công với cách mạng, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được thực hiện với quyết tâm cao nhất. Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện với ý nghĩa là một trách nhiệm, bổn phận đạo lý thiêng liêng. Có 3.000 nghĩa trang và 4.000 công trình ghi công liệt sĩ trên cả nước được đầu tư xây dựng, tu bổ trở thành những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác điều dưỡng, chăm sóc thương, bệnh binh và người có công được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu cả về điều kiện vật chất và tinh thần cho đối tượng chính sách.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, điều đáng trân trọng là tri ân người có công với cách mạng đã trở thành một giá trị bền vững trong tâm thức, trách nhiệm hành động cao đẹp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các hoạt động tri ân người có công với cách mạng tiếp tục được tổ chức thường xuyên, với hình thức phong phú, nội dung thiết thực, tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội.
Đến nay, có hơn 98,6% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại khu dân cư nơi cư trú. Đây là kết quả quan trọng vừa thể hiện sinh động chủ trương của Đảng đã đi vào thực tiễn cuộc sống cho người có công trên cơ sở các chính sách của Nhà nước và sự chung tay của toàn xã hội đối với người có công.
Các đại biểu chia sẻ những hình ảnh kỷ niệm tại chương trình. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Bộ trưởng cũng vô cùng cảm phục và trân trọng những người có công, những thương binh, bệnh binh dù mang trên người vết thương chiến tranh vẫn luôn giữ khí chất anh hùng, sống có ích, giàu nghị lực, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ đất nước noi theo. Tinh thần ấy - vượt lên trên thương tật, vượt lên sự mất mát, chiến thắng chính mình - đó là sự biểu hiện sinh động và sâu sắc của bản lĩnh người Việt Nam. Họ đã viết nên những trang sử đẹp trong thời bình, những đóng góp âm thầm nhưng to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, trong thời gian tới, sẽ nỗ lực hơn nữa trong tìm kiếm xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Cả nước vẫn còn 200 nghìn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin để xoa dịu nỗi đau mòn mỏi chờ đợi thông tin của những người mẹ, người vợ và gia đình liệt sĩ. Đồng thời, thường xuyên tôn vinh, biểu dương, lan tỏa giá trị cống hiến của người có công trong xã hội, tạo điều kiện để người có công tiếp tục đóng góp cho cộng đồng, trở thành nguồn cảm hứng giáo dục truyền thống yêu nước và lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ.
Cả nước vẫn còn 200 nghìn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
NGÂN ANH