Tri ân Thương binh - Liệt sĩ Trách nhiệm chính trị, mệnh lệnh trái tim

Tri ân Thương binh - Liệt sĩ Trách nhiệm chính trị, mệnh lệnh trái tim
một ngày trướcBài gốc
Những chứng nhân lịch sử
Trong bài phát biểu của mình tại Lễ gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, công tác đền ơn đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm chính trị mà còn là mệnh lệnh từ trái tim. Người có công được xem là tài sản quý báu của dân tộc, là biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước và đạo lý Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm gặp gỡ người có công, nhân chứng lịch sử. Ảnh: Bộ Nội vụ
Một trong những nhân vật đặc biệt giao lưu tại sự kiện gặp mặt, tri ân người có công hôm nay là ông Lê Xuân Chinh, 71 tuổi, đến từ tỉnh Điện Biên. Ông là nhân vật trong bức ảnh "Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị" của nhà báo khoác áo lính Đoàn Công Tính.
Bức ảnh được chụp buổi sáng ngày 15/8/1972 ghi lại hình ảnh các chiến sĩ cười nói vui vẻ trong phút dừng bắn hiếm hoi giữa hai trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị dịp trận chiến 81 ngày đêm giữa mùa hè đỏ lửa.
Sau đó, bức ảnh được đăng trên Báo Nhân dân đúng dịp 2/9/1972, mang ý nghĩa biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân Việt Nam; đồng thời, thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính ngay cả trong cảnh chiến tranh ác liệt.
Người cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị năm nào cũng có một đời sống sau chiến tranh đầy vất vả, ít người biết anh chiến sĩ thông tin có nụ cười tươi rói giữa đổ nát chiến tranh ở Thành cổ Quảng Trị năm nào trở về quê hương lại tiếp tục hiến dâng cuộc đời cho công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Ông Chinh phục viên vì sức khỏe yếu được hơn một năm, lại theo những người cựu binh lên Tây Bắc làm kinh tế mới. Hiện giờ gia đình ông ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Ông có hai người con, đứa cháu nội duy nhất chịu di chứng chất độc da cam. Người cháu ấy bị bệnh tật hành hạ suốt 13 năm và mới mất cách đây chưa đầy hai năm.
Ông Lê Xuân Chinh - nhân vật đặc biệt giao lưu tại hội nghị. Ảnh: Thành Đông
Tại buổi lễ, ông Lê Đức Luân, cựu chiến binh từng là chiến sĩ pháo cao xạ thuộc Sư đoàn Phòng không - Không quân 367, xúc động, chia sẻ về những ngày tháng chiến đấu cam go, ác liệt. Ông Đức Luân tham gia bộ đội từ năm 1971, hoạt động tại Sư đoàn Phòng không - Không quân 367, trải qua quá trình huấn luyện tại Hà Nội sau 5 tháng thì nhận lệnh đi sang Lào. Sau 8 tháng, ông và đồng đội tiếp tục nhận lệnh của Bộ Tư lệnh sang chiến trường B1 (hiện tại là Quân khu 5), về đóng quân sân bay Khâm Đức, thung lũng Quế Sơn.
Trong thời điểm này, ông đã tham gia kháng chiến, bắn rơi một số máy bay F105 của địch, đó là loại thần sấm của Mỹ lúc bấy giờ. Đánh xong một trận, ông tiếp tục nhận lệnh của Trung ương Đảng, phải đi sâu vào trong vì có khả năng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh sắp tới.
"Chúng tôi di chuyển vào đúng thời điểm ký Hiệp định Paris năm 1973. Đường tuyến lúc ấy rất khó khăn, xe kéo pháo rất nặng, đường đi rất trơn trượt, chúng tôi tiến một bước là bị lùi một bước. Lúc đó, trên trời là máy bay, trên đường là biệt kích, phục kích của địch", ông nhớ lại.
Ngồi trên ô tô di chuyển làm nhiệm vụ, ông Luân bị máy bay địch ném bom trúng, bị thương nặng. Sau nhiều ngày sốt cao, ông được đưa về Thanh Hóa chữa trị trong tình trạng thừa sống thiếu chết.
"Suốt thời gian điều trị, anh em đồng đội động viên nhau cố gắng vượt qua. Mình bị nặng nhưng có nhiều anh em còn bị nặng hơn. Chúng tôi động viên nhau học thêm nghề, có anh em thì học nghề sửa tivi, điện tử, có người học viết báo, từ đó kiếm thêm thu nhập, lấp đi niềm đau lúc trái gió trở trời, vượt qua bệnh tật và tìm thấy niềm vui của cuộc sống" - ông Luân chia sẻ.
Lời nhắc nhở cho thế hệ đi sau
Hình ảnh những người anh hùng thầm lặng, những cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ, với sự hy sinh lặng lẽ nhưng đầy cao cả cho nền độc lập, tự do của tổ quốc, được khắc họa rõ nét trong chương trình. Trong đó, câu chuyện về cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn, người lính lái chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập chiều 30/4/1975, được kể lại với nhiều xúc động.
Ở tuổi gần 80, ông vẫn giữ nếp sống giản dị, tự tay chăm sóc người vợ đau yếu, được người dân địa phương kính trọng gọi là "anh hùng". Ông từng vào sinh ra tử qua ba cuộc chiến, nhưng chỉ nhận mình là một chiến sĩ luôn sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc, vì miền Nam ruột thịt, vì sự bình yên cho làng quê, đất nước.
Chương trình cũng dành thời lượng tôn vinh những người thân của các liệt sĩ - những người mẹ, người vợ, người con đã hy sinh thầm lặng, chờ đợi và tiếp bước lý tưởng của người đã ngã xuống.
Có những đứa trẻ sinh ra khi cha ra chiến trận, lớn lên chỉ biết cha mình qua lời kể, qua bức ảnh trên bàn thờ, và mang trong mình niềm tự hào lẫn mất mát. Những câu chuyện ấy nhắc nhớ rằng có những thanh xuân đã hóa thành đất, có những người lính ra đi không hẹn ngày trở về, để Tổ quốc mãi được liền một dải.
Tại Lễ gặp mặt, Tổng Bí thư yêu cầu, tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chủ động nắm tình hình, giải quyết "thấu tình đạt lý" những đề xuất, tâm tư, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người có công với cách mạng và thân nhân; thực hiện kịp thời các thủ tục hành chính trong việc xem xét công nhận người có công và chi trả trợ cấp ưu đãi bảo đảm thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn khi sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế, trao đổi, cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ...
Tổng Bí thư khẳng định, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ; để đời sống vật chất, tinh thần của người có công tốt đẹp hơn. Sự phát triển hùng cường của đất nước chính là lời tri ân thiết thực và ý nghĩa nhất, bởi những người đã ngã xuống và bao thế hệ người có công với cách mạng luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của dân tộc.
Tùng Dương
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tri-an-thuong-binh-liet-si-trach-nhiem-chinh-tri-menh-lenh-trai-tim-10380932.html