Tri ân tổ tiên, cầu mùa bội thu

Tri ân tổ tiên, cầu mùa bội thu
6 giờ trướcBài gốc
Trên những triền đồi ngả vàng bởi lúa chín ở vùng đất Như Xuân (Thanh Hóa), tiếng trống chiêng ngân vang giữa bản làng báo hiệu một nghi lễ trọng đại của người Thổ – Lễ mừng cơm mới.
Thầy mo làm lễ cúng tổ tiên và thần linh, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
Đây không chỉ là một nghi lễ nông nghiệp đơn thuần, mà còn là nghi lễ linh thiêng thể hiện tín ngưỡng dân gian sâu sắc, sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” được kế truyền qua nhiều thế hệ.
Tín ngưỡng từ hồn lúa và niềm tin về tổ tiên che chở
Người Thổ ở Thanh Hóa hiện có dân số hơn 11.000 người, chủ yếu sinh sống tại huyện Như Xuân. Trong dòng chảy văn hóa nông nghiệp lúa nước, họ đã xây dựng một hệ thống nghi lễ riêng biệt, trong đó Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ thiêng liêng nhất.
Không giống những dân tộc khác thờ thần nông hay thần đất, người Thổ còn tin vào sự hiện diện của hồn lúa – linh hồn của mùa màng. Họ gọi đó là “lúa mẹ”, là thứ cần được giữ gìn, tôn thờ.
Trước khi gặt lúa, chủ nhà sẽ chọn 3 đến 5 bông lúa đẹp nhất mang về treo bên cạnh bàn thờ tổ tiên hoặc nơi cao ráo, sạch sẽ nhất trong nhà, với niềm tin rằng hồn lúa sẽ ở lại, phù trợ cho mùa sau.
Chị Lê Thị Ngân, người dân khu phố Thấng Sơn, thị trấn Yên Cát, chia sẻ:
“Theo quan niệm của dân tộc tôi, tổ tiên là người đầu tiên khai phá đất đai, dạy con cháu trồng lúa. Vậy nên khi có lúa mới, gia tiên phải được ăn trước. Nếu con cháu ăn trước sẽ phạm thượng, mùa sau dễ thất bát.”
Chuẩn bị chu đáo cho một nghi lễ thiêng liêng
Lễ mừng cơm mới của người Thổ được tổ chức hai lần mỗi năm – vào khoảng tháng 5 và tháng 10, sau mỗi vụ gặt. Dù tổ chức theo hộ gia đình hay quy mô cộng đồng, nghi lễ luôn được chuẩn bị công phu từ chọn ngày, đồ lễ đến nghi thức cúng bái.
Bà Lê Thị Dung, 79 tuổi, vừa gói những chiếc bánh ú không nhân chuẩn bị cho buổi lễ, vừa vui vẻ trò chuyện:
“Tổ tiên dạy rằng có ăn phải có cúng, có mùa phải có ơn. Bởi vậy, làm lễ không được qua loa. Gia đình nào cũng có hai mâm lễ: một mâm cúng thần linh, một mâm cúng gia tiên. Dù nghèo hay giàu, cũng phải có gạo mới, đĩa xôi, con gà luộc, rượu, nước giếng hay nước mưa, cá, trầu cau...”
Trong mâm cúng thần linh, thường là mâm chay gồm hoa quả, bánh kẹo, trầu cau, rượu, muối, gạo và oản (hoặc bánh ú thay thế).
Còn mâm cúng tổ tiên nhất thiết phải có sản vật do chính tay người trong nhà làm ra hoặc đánh bắt được, với hàm ý thành tâm tri ân nguồn cội.
Bà con dân tộc Thổ tụ họp đông đủ, cùng nhau dâng lễ và chia sẻ niềm vui sau vụ mùa
Thầy mo - người giữ nhịp thiêng giữa các thế giới
Nhân vật trung tâm của nghi lễ là thầy mo – người kết nối giữa thế giới trần tục và cõi linh thiêng. Trong buổi lễ, tiếng chiêng, tiếng trống vang lên như thức tỉnh linh hồn đất trời. Giọng khấn vang rền, dõng dạc của thầy mo Lê Văn Chuẩn, 82 tuổi, chất chứa bao lớp nghĩa văn hóa:
“Các con ơi, chúng ta vẫn nhớ công ơn người đi trước... Dạy ta cấy lúa, dệt vải, cho ta cái ăn, cái mặc... Giờ hãy dâng lễ mời các đấng thần linh, tổ tiên về chứng giám lòng thành của con cháu…”
Thầy mo thực hiện từng nghi lễ, khấn từng mâm cỗ. Với thần linh – là lời cảm tạ trời đất, thần mưa, thần đất đã phù trợ mùa màng. Với gia tiên – là lời nhắc nhớ về những thế hệ ông cha đã khai sơn phá thạch, tạo dựng cuộc sống no đủ hôm nay.
“Ngày xưa làm lúa khó lắm. Có khi chỉ được 2-3kg gạo thôi nhưng vẫn phải cúng. Vì được mùa là có ơn của thần linh, của người đã khuất... Con cháu phải biết nhớ ơn mới nên người được.” – thầy mo Chuẩn xúc động kể lại.
Khi nghi lễ kết thúc, mâm cơm được dọn ra giữa sân, mọi người quây quần cùng nhau thưởng thức gạo mới, cùng đánh chiêng, múa hát, ném còn, đánh đu, bán nỏ… Không khí làng bản trở nên rộn ràng, vui tươi.
Bữa cơm ấy không chỉ là thành quả lao động mà còn là chất keo gắn kết đại gia đình, là dịp để nhắc nhau giữ gìn bản sắc và đạo lý tổ tiên.
“Cơm mới là lộc của trời đất và tổ tiên. Ăn cơm mới mà không có lời cúng thì không thấy ngon. Có lời cúng rồi mới thấy bát cơm dẻo, đậm vị nghĩa tình” – một cụ cao niên trong làng tâm sự.
Lễ hội văn hóa – tâm linh mang giá trị bảo tồn
Lễ mừng cơm mới của người Thổ không chỉ đơn thuần là nghi lễ nông nghiệp, mà còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa – tâm linh đặc sắc, hàm chứa những giá trị nhân văn sâu sắc.
Đây là dịp để mỗi người Thổ nhắc nhau không quên cội nguồn, không quên rừng, không quên đất – nơi đã nuôi sống và che chở biết bao thế hệ.
Nghi lễ này còn đánh dấu sự khép lại của một chu kỳ sản xuất, và mở ra một chu kỳ mới với ước vọng mưa thuận, gió hòa, thóc lúa đầy bồ, cộng đồng ấm no, đoàn kết.
Dù đời sống hiện đại ngày càng đổi thay, nhưng những nghi lễ như Lễ mừng cơm mới vẫn tiếp tục được gìn giữ, như sợi chỉ đỏ nối liền quá khứ, hiện tại, tương lai của người Thổ trên vùng đất xứ Thanh này.
NGUYỄN LINH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/tri-an-to-tien-cau-mua-boi-thu-131511.html