Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi sáng 6/11, các đại biểu đều nhất trí với việc sửa đổi luật này nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy mạnh đầu tư công - động lực quan trọng phát triển kinh tế.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông). Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho biết, đầu tư công có vai trò quan trọng, mang tính dẫn dắt. Tuy nhiên những năm qua, việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn luôn gắn liền với các cụm từ “chậm”, “rất chậm”, “như một căn bệnh mạn tính chưa có phác đồ điều trị”. Vì vậy, đại biểu tán thành cao việc xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công theo quy trình một kỳ họp.
Về các nội dung cụ thể, đại biểu đồng tình với quy định tách riêng dự án bồi thường tái định cư, vì giải phóng mặt bằng là điểm ách tắc chủ yếu của các dự án bấy lâu nay. Tuy nhiên ông đề nghị làm rõ như thế nào là “thực sự cần thiết” để tránh tâm lý sợ sai, đồng thời phải quy định chặt chẽ trách nhiệm triển khai, tránh tình trạng dự án giải phóng xong không triển khai gây lãng phí. “Nhiều dự án diện tích lớn nhưng đất để hoang rất lãng phí,” đại biểu nêu.
Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng, đại biểu Dương Khắc Mai đánh giá, trong điều kiện kinh tế và giá đầu vào như hiện nay, việc nâng quy mô là hết sức cần thiết. Tuy nhiên đại biểu muốn cơ quan soạn thảo làm rõ tiêu chí, vì sao lại là 30.000 tỷ đồng mà không phải con số thấp hơn hay cao hơn? “Theo tôi thì tăng gấp đôi,” ông nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) đánh giá cao sự chuẩn bị của ban soạn thảo và phản biện của cơ quan thẩm tra, với việc làm kỹ, cụ thể và tập trung các vấn đề ách tắc lớn. “Nên chăng xây dựng lại một luật mới với đúng tinh thần quyết liệt trong điều kiện mới,” đại biểu đề xuất khi nhận thấy dự án sửa đổi quá nhiều vấn đề quan trọng về đầu tư công.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ và Bộ KH&ĐT sớm xây xây dựng các nghị định hướng dẫn dẫn, mạnh dạn giao quyền cho địa phương để phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm và qua đó cũng đánh giá được năng lực của các địa phượng. “Các Bộ, ngành chịu trách nhiệm khâu nào cũng phải nhanh chóng giải quyết để doanh nghiệp không phải chờ. Thực tế, có dự án phải chờ 6-7 năm chỉ vì chờ hỏi ý kiến,” ông Thân nêu thực tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình). Ảnh: CTTĐT Quốc hội
MỞ NHƯNG KHÔNG BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ
Giải trình các vấn đề đại biểu nêu tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự án Luật Đầu tư công sửa đổi thể hiện rõ sự thay đổi về tư duy xây dựng pháp luật, từ chỉ tập trung quản lý sang vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển, tạo không gian mới, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đi cùng đó là chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
“Kinh nghiệm của các nước làm rất nhanh vì họ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi cứ thế thực hiện, không cần phải xin phép, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Việc lập dự án, trình các bước rất mất thời gian mà sau này không kiểm soát được chặt chẽ,” Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng một tỉnh của Trung Quốc trong 3 năm làm 2.000 km đường cao tốc. Bí quyết để họ làm nhanh, nhiều mà rẻ chính là nhờ phân cấp mạnh cho địa phương, thành lập các công ty Nhà nước để làm dự án đầu tư công; còn đường xá, cầu cống, cây xanh chuyển cho tư nhân.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, các nội dung sửa đổi lần này đều là các vấn đề cốt lõi, vướng mắc trong thực tiễn. “Luật sửa đổi lần này chính là thay thế Luật Đầu tư công năm 2019 chứ không phải sửa đổi, bổ sung một số điều,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phản hồi ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến các đại biểu. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Về nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được quy định từ năm 1997, trong khi quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2024 tăng gần 3 lần; trượt giá bình quân từ năm 2000 bình quân khoảng 3%/năm.
Theo Bộ trưởng, dự kiến Luật Đầu tư công sửa đổi có đời sống ít nhất 5-10 năm. Quy mô vốn 20.000 tỷ đồng có thể phù hợp hiện nay nhưng sau vài năm có khi không phù hợp. Vì vậy để ổn định, đảm bảo tuổi luật, mức 30.000 tỷ đồng là phù hợp. Đó cũng là đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý đầu tư công.
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị chủ trương đầu tư 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 9 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng. Trong số 9 dự án này, có 5 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, dự kiến có khoảng 40 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng. Như vậy, khi nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên mức trên 30.000 tỷ đồng thì số lượng dự án cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vẫn còn rất nhiều, chưa kể các dự án khác phát sinh trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Về phân cấp vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định điều này không vi phạm Hiến pháp và Luật Ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, việc phân cấp này sẽ giúp quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành giảm từ 11 bước xuống 6 bước, giảm thời gian từ 3-4 tháng. Qua đó, giảm được nhiều thủ tục hành chính và tiết kiệm được thời gian.
Về vấn đề như tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng đây sẽ là bước tiến quan trọng. “Trước đây chỉ có hai bước là chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, còn giờ tách làm ba bước, chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án. Trong đó, giải phóng mặt bằng nằm ở khâu chuẩn bị dự án. Việc tách bạch sẽ biết nguyên nhân ở đâu và trách nhiệm thuộc về ai. Điều này cũng giúp thực hiện song song việc thực hiện thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng. Đây là cuộc cải cách rất lớn, nhưng chúng tôi cũng đồng ý với các đại biểu là phải quy định chặt chẽ, mở nhưng phải quản lý, kiểm soát được để tránh thất thoát, lãng phí,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Đinh Nhung