Công sở xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa bị bỏ không khi xã này thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính
Lãng phí dù không dễ dàng để nhìn ra những con số gây thiệt hại, nhưng hậu quả của lãng phí để lại rất lớn. Như nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho Nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”.
Trên diễn đàn Quốc hội, khi đề cập đến tình trạng này, có đại biểu Quốc hội đã từng rất thẳng thắn “có thể thấy nhìn đâu cũng thấy lãng phí”. Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, khi đề cập đến các “dự án trùm mền”, “công trình đắp chiếu” hiện nay trên phạm vi cả nước như: các dự án điện gió, điện mặt trời đã đầu tư xây dựng nhưng chưa đưa vào vận hành hay hàng nghìn, trăm nghìn căn hộ xây xong rồi bỏ trống…, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, sự lãng phí không dưới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, “đây mới chỉ là con số về mặt tài chính, còn những lãng phí, hệ lụy về nguồn lực đất đai, lãng phí về cơ hội phát triển của doanh nghiệp, của đất nước… thì không đo đếm hết, và trên hết đó là lãng phí niềm tin của Nhân dân”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông nói.
Thực tế cho thấy, lãng phí dường như xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó là sự lãng phí về tài nguyên của đất nước khi buông lỏng quản lý đối với tài sản công. Không ít dự án chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần, có thất thoát, lãng phí và đầu tư không hiệu quả. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn rất chậm. Quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế, không ít diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án khá lớn. Đó còn là sự lãng phí khi chưa kịp thời xử lý các trụ sở công sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính. Sự lãng phí còn biểu hiện ở việc đào tạo, sử dụng “nhầm” người, điều này làm giảm hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, cũng như giảm hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí. Trong đó, có một bộ phận cán bộ có tâm lý coi nhẹ việc chống lãng phí trong hoạt động quản lý của mình, chưa đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của lãng phí để lại cho xã hội. Cũng bởi tâm lý coi nhẹ lãng phí đôi khi việc lãng phí như bị “lây lan” chỉ vì tâm lý “cơ quan, đơn vị, địa phương này làm được thì mình làm chắc cũng chẳng sao”!
Để xử lý đối với lãng phí, pháp luật hiện hành của chúng ta đã có quy định nhưng tính răn đe chưa cao. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định trách nhiệm của cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, các quy định này chủ yếu có tính chất cảnh báo, nhắc nhở.
Trong khi đó, Bộ luật Hình sự hiện hành có 2 điều đề cập đến các hành vi phạm tội dẫn đến hậu quả lãng phí. Cụ thể, Điều 179 Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Điều 219 Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, các điều luật này ít khi được sử dụng để xử lý hành vi lãng phí mà thường được xử lý bằng các tội danh khác như: tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Với cách xử lý này, mặc dù tội phạm vẫn bị trừng trị nhưng theo đại biểu Hoa, tính răn đe, giáo dục về chống lãng phí chưa cao.
Tham nhũng và lãng phí từng được ví là “hai anh em sinh đôi”. Trong khi công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã được triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao, Nhân dân cũng mong rằng, công cuộc phòng, chống lãng phí cũng sẽ được triển khai quyết liệt hơn nữa trên thực tế.
Do đó, ngoài việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mỗi người dân, của cán bộ, người đứng đầu về lãng phí, rất cần sớm hoàn thiện thể chế về vấn đề này với những chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra lãng phí. Khi tiến hành song song hai “gọng kìm” chống tham nhũng và lãng phí một cách triệt để, nghiêm minh, sẽ khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước, góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Song Hà