Trị dứt bệnh 'nói hay, làm dở'

Trị dứt bệnh 'nói hay, làm dở'
11 giờ trướcBài gốc
Đây cũng chính là hiện tượng “nói thì hay, làm thì dở”, cần phải chấm dứt, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đang tiến hành khẩn trương, trong đó có yêu cầu chọn lựa được những cán bộ tài đức, nói đi đôi với làm.
1. Có một thực tế trong nhiều năm qua chúng ta vẫn thường nhắc, đó là ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương khi tổ chức phát động các phong trào, ra quân kiểm tra việc gì đó thì rất rầm rộ, rình rang, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì lại nguội lạnh hoặc rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”.
Có thể kể ra đây một số ví dụ như việc ra quân lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường... ở một số địa phương đã từng rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi” hoặc có “phát” mà không có “động”, không mang lại kết quả, mục tiêu như đề ra.
Một thực trạng nữa cần được nêu ra là có những đơn vị, địa phương khi họp hành để bàn bạc các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm đã đặt ra những kỳ vọng lớn lao, nhưng thực tế triển khai lại không có hành động cụ thể, quyết liệt. Minh chứng cho điều này có thể kể đến việc thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Chắc hẳn trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đầu năm, các đơn vị, địa phương đều bàn bạc giải pháp, quyết tâm cao hiện thực hóa mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, vẫn còn những đơn vị, địa phương có tâm lý “đủng đỉnh đầu năm”... Cụ thể, trong những tháng đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã phải nghiêm khắc phê bình 19 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương đến ngày 15-3-2025 chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 được giao; đồng thời, phê bình 30 bộ, cơ quan trung ương, 27 địa phương đến hết ngày 31-3-2025 có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức trung bình cả nước.
Cùng một cơ chế, chính sách, tại sao nơi thì làm tốt, nơi thì làm đủng đỉnh như vậy? Liên quan đến vấn đề này, một chi tiết rất đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Từ những thực tế nêu trên, nhìn rộng ra có thể thấy, việc “nói mà không làm”, “nói được mà không làm được”, “nói một đằng, làm một nẻo” hoặc “nói hay làm dở” của những người có trách nhiệm là một trong những nguyên nhân căn bản ảnh hưởng rất lớn đến kết quả công việc của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Những cán bộ thuộc diện này có điểm chung dễ thấy là thiếu trách nhiệm. Họ có thể nói những lời lẽ rất hay, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm trong các hội nghị, cuộc họp cơ quan, đơn vị, nhưng thực tế lại né tránh trong công việc, việc dễ thì làm, việc khó thì chối hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ cũng có thể là người luôn “chém gió” trong các cuộc họp, thường dùng lời nói để gây ấn tượng hoặc che đậy sự thiếu năng lực của bản thân. Đáng nói, đôi khi, họ có khả năng làm được việc, nhưng lại thiếu động lực hoặc có thói quen trì hoãn công việc. Những cán bộ này có thể nói rất nhiều về những dự định, kế hoạch trong các cuộc họp, nhưng lại không bắt tay vào thực hiện hoặc bỏ dở giữa chừng, “đánh trống bỏ dùi”...
Tổng Bí thư Tô Lâm khi nhìn nhận về thực trạng thiếu hiệu quả trong một bộ phận cán bộ đã thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng “nói không đi đôi với làm; nói một đằng, làm một nẻo”, “đánh trống bỏ dùi”, “lạc quan tếu”, báo cáo không trung thực, cán bộ thiếu năng lực, thiếu gương mẫu, cục bộ, bè phái... đều là những “miếng mồi” để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tuyên truyền chống phá, để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nhằm làm suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ ta”.
2. Cổ nhân từng răn dạy: “Nói chín thì nên làm mười, nói mười làm chín kẻ cười người chê”. Người dân bình thường đã vậy, với cán bộ, đảng viên thì càng phải nêu cao đức khiêm tốn và cầu thị, nói ít làm nhiều, đã nói là phải làm và khi làm thì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả. Trong mọi công việc được giao, mỗi cán bộ, đảng viên luôn phải xác định rõ vai trò, vị trí của mình và làm tròn bổn phận, trách nhiệm là công bộc của nhân dân. Đặc biệt, với những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thì càng phải là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên về tinh thần nói đi đôi với làm.
Để làm tròn bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương được nêu trong Quy định số 08-QĐ/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Cụ thể là mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu các cấp phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: “Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Với các tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, cần xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ công tác của cán bộ, đảng viên với tổ chức Đảng và với nhân dân để tăng hiệu quả công việc cũng như bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình; trong đó trọng tâm là lấy hiệu quả công việc là thước đo chất lượng cán bộ, đảng viên.
Cũng để tránh chung chung, hình thức, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị khi tổ chức hội nghị, cuộc họp triển khai nhiệm vụ công tác, cần giao việc cụ thể, xác định mốc thời gian hoàn thành, bảo đảm quá trình thực thi nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm. Cùng với đó là nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn liền “xây” với “chống”, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đồng thời nâng cao đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta đang thực hiện mạnh mẽ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn để bộ máy hành chính các cấp gần dân, sát dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Công cuộc này, ngoài xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, những cán bộ có biểu hiện “nói hay, làm dở”, nói suông, phô trương hình thức cũng cần loại bỏ. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng: “Phải có “liều thuốc đủ mạnh” để trị căn bệnh cán bộ làm việc hành chính, máy móc; tiêu cực, nhũng nhiễu, “hành dân”, “hành doanh nghiệp”, có lợi ích cá nhân thì mới làm, cố tình làm chậm công việc, xin ý kiến lòng vòng, đổ lỗi cho thể chế, đổ lỗi cho sợ trách nhiệm…”.
Trọng chữ tín, nêu cao đạo đức và trách nhiệm luôn là hành trang, là yếu tố cốt lõi giúp người cán bộ, đảng viên hoàn thành công việc được giao. Trong cuộc sống cũng như công việc hằng ngày, nói hay, diễn đạt tốt là rất cần thiết, nhưng đi cùng với đó phải là hành động và kết quả công việc. Đây chính là cách tốt nhất để dân tin Đảng thông qua tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Chí Kiên
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/tri-dut-benh-noi-hay-lam-do-700573.html