Phật giáo Mật Tạng không phải là Lạt-ma giáo như quan niệm của một số học giả phương Tây. Một trong những lý do chủ yếu Phật giáo Mật Tạng phát triển sâu rộng ở miền đất Tuyết chính là những người thực hành có tri kiến thanh tịnh đối với bậc Thầy.
Những phương pháp thực hành nhằm khai triển, trưởng dưỡng tâm chí thành, tri kiến thanh tịnh đối với bậc Thầy chính là ngưỡng cửa, nền tảng và tinh túy của Phật giáo Mật thừa. “Bậc Thầy tâm linh đủ phẩm hạnh như một người dẫn đường khi ta đi trên con đường xa lạ, như một người hộ tống khi đang ở trong một xứ sở nguy hiểm và như một người chèo thuyền khi ta vượt qua một con sông sóng dữ. Nếu ta du hành trong những xứ sở xa lạ mà không có người dẫn đường, ta có nguy cơ bị lạc hướng hay phải đi một đường vòng dài hay ngắn. Trái lại, nếu có một người dẫn đường đi cùng thì ta không gặp nguy hiểm nào và có thể đến đích mà không bước chân nào bị lãng phí.”
Lama Zopa đã chia sẻ rất nhiều giáo huấn về chủ đề này trong các buổi giảng pháp và trong các bức thư trả lời cho chúng đệ tử của mình khi họ thỉnh cầu ngài. Đây là một trong những phương pháp vô cùng thiện xảo giúp nhanh chóng chuyển hóa thân, khẩu, ý của người thực hành Mật Pháp.
Chủ đề này cũng đã được dịch, giới thiệu rất rộng rãi ở Việt Nam trong những năm qua như trong bộ kinh văn như: Giải Thoát trong lòng bàn tay, Lời Vàng của Thầy tôi và nhiều các luận giảng khác của nhiều bậc Thầy khác nhau.
Ảnh sưu tầm
Bức thư thứ nhất: Tri kiến thanh tịnh đối với bậc Thầy trong Mật thừa
Một đệ tử thị giả bậc Thầy trong nhiều năm nhưng lại đang gặp nhiều chướng ngại trong sự thực hành Phật pháp. Vì nhân duyên này, Lama Zopa Rinpoche đã chia sẻ những lời chỉ dạy về tâm chí thành tới bậc Thầy như sau:
Tổ Atisha đã thọ Pháp từ hơn 157 bậc Thầy và Lama Serlingpa là Thầy truyền trao giáo pháp về Bồ Đề tâm cho Tổ. Tổ Atisha đã phải dành 12 tháng đi thuyền tới Indonesia, tại đây Tổ dành nhiều năm thụ nhận giáo pháp về Bồ đề tâm. Tổ dạy rằng, trong số 157 bậc Thầy mà mình đã thọ Pháp thì bậc Thầy gốc của Tổ là Lama Serlingpa, bởi Lama đã mang lại lợi lạc nhiều nhất cho dòng tâm của Tổ. Khi nghe tới danh hiệu của Lama Serlingpa, nước mắt nơi Tổ trào dâng.
Bậc Thầy căn bản là bậc chuyển hóa dòng tâm của người đệ tử hướng tới Pháp. Bậc Thầy căn bản là bậc làm lợi lạc nhiều nhất cho dòng tâm người đệ tử, ví như giúp người đệ tử phát khởi Bồ Đề tâm. Bậc Thầy không nhất thiết phải là bậc thông tuệ, thậm chí ngài có thể không nhất thiết có nhiều tri thức về giáo pháp, nhưng ngài lại là bậc mang lại nhiều lợi lạc cho dòng tâm của người đệ tử nhất.
Thậm chí bậc Thầy chỉ cần luận giải cho đệ tử một dòng kệ như: “cái Tôi vốn là không thật có” hoặc những luận giải tương tự, nhưng lại hàm chứa những khai thị chuyển hóa tâm thức vô cùng to lớn. Thậm chí bậc Thầy chỉ đưa ra một số ít lời răn dạy nhưng lại có uy lực to lớn giúp chuyển hóa, điều phục dòng tâm của người đệ tử. Điều này cho thấy mối liên hệ nhân duyên sâu dày giữa hai bên trong nhiều đời quá khứ.
Tâm chí thành tới bậc Thầy không phải kiểu như nếu bậc Thầy mỉm cười với mình, khích lệ hay cho mình những món quà, khi ấy chúng ta nghĩ rằng ngài là bậc Thầy của mình, nhưng ngay khi vì những ác nghiệp của người đệ tử, bậc Thầy thị hiện phẫn nộ để giáo hóa, thì người đệ tử lại nghĩ rằng ngài không phải là bậc Thầy của mình. Hoàn toàn không phải như vậy. Đó không phải là cách thức thực hành tâm chí thành tới bậc Thầy trong Mật thừa.
Trong tu trì Mật pháp, ngay khi có kết nối giáo Pháp giữa bậc Thầy và đệ tử thì người đệ tử phải có tri kiến coi bậc Thầy là hiện thân của hết thảy chư Phật, coi Thầy là hiện thân của đức Phật độ mẫu Tara, Vajrayogini, đức Phật Shakyamuni, Bản tôn Yamantaka, Mật Tập Kim cương, Heruka và vô lượng chư Phật, và thấy rằng mọi hành động của bậc Thầy làm với thân, khẩu, ý đều là hiện thân hành động của tất thảy chư Phật.
Ảnh sưu tầm
Khi bậc Thầy đưa ra lời khuyên dạy, thì có nghĩa đó là hiện thân lời của tất thảy chư Phật, và khi bậc Thầy truyền trao giáo pháp thì đó là hiện thân “thiện hạnh của tất thảy” chư Phật. Người đệ tử phải luôn luôn suy nghĩ theo cách đó và tôn kính bậc Thầy theo cách đó. Khi ấy, không chỉ bậc Thầy mà mỗi hạt bụi trên thân linh thiêng, thậm chí “một đầu lông, đều hiện vô số chư Phật”. Khi phụng sự các bậc Thầy với trí tuệ như vậy, thì đó là phụng sự bất khả tư nghì và sự tịnh hóa bất khả tư nghì. Điều này không phải chỉ diễn ra trong vài ngày khi bậc Thầy cho thấy ngài không hoan hỷ thì tâm đệ tử lại phiền não, còn khi bậc Thầy an lạc thì đệ tử cũng lại hạnh phúc. Tâm chí thành tới bậc Thầy là quan trọng nhất, bởi giáo pháp Mật thừa quan niệm tất cả sự thành tựu đều bắt nguồn từ nơi bậc Thầy. Từ sự gia trì của bậc Thầy, thì người đệ tử thụ nhận được tất cả những phẩm chất giải thoát cho tới khi giác ngộ, từ hạnh xả ly, Bồ Đề tâm, chính kiến, và tiếp đến giai đoạn phát sinh và thành tựu.
Con hãy thực hành như vậy. Đây là pháp thực hành căn bản và mở đầu để bước vào thực hành các Mật pháp khác (Tantra). Vì vậy bất cứ khi nào con đang phụng sự hay cúng dường, ngay cả khi cúng dường nước uống, một miếng sô-cô-la hay một hạt lạc thôi, hãy quán tưởng rằng con đang cúng dường lên tất cả chư Phật và khi ấy con sẽ có được đức rộng lớn. Khi ấy thậm chí nếu con chỉ cúng dường một ly nước hay một ít hạt lạc hay một quả cam thôi, con cũng sẽ tích lũy được vô lượng công đức. Khi ấy con sẽ tích lũy được nhiều công đức hơn cúng dường vô số chư Phật, vô số Pháp, vô số Tăng, vô số tôn tượng, vô số tháp và vô số kinh điển.
Hãy luôn luôn giữ chính kiến này trong tâm. Thầy mong nguyện đây là câu trả lời giúp hóa giải những khó khăn của con. Cảm ơn con. Hãy cho thầy biết bất kỳ những khó khăn nào, thầy sẽ cố gắng trả lời.
Nếu con còn khởi những nghi ngờ, sân hận hay ghen tỵ tới bậc Thầy, nếu con giữ dòng tâm đó thì sẽ là một ác nghiệp to lớn. Các bậc Thầy là hóa thân của tất cả chư Phật, bởi do dòng tâm vô minh của con nên chư Phật trong quá khứ đã không thể giúp con được, các ngài không thể giúp hàng phục dòng tâm của con một cách trực tiếp, bởi vậy con phải lang thang không nơi nương tựa. Bậc Thầy là hóa thân của vô số chư Phật, đã đoái thương tới con, giúp điều phục dòng tâm phiền não của con, giúp con tự do khỏi bể khổ luân hồi. Ngài giúp con biết con đường đi tới giác ngộ, đạt tới hạnh phúc vô song, bởi vậy con có thể mang lại tự do cho vô số chúng sinh và giúp họ tới giải thoát. Thật tràn đầy từ tâm vô lượng, không thể nghĩ bàn. Với tất cả những phương tiện thiện xảo, bậc Thầy giúp con tới giác ngộ bằng cách truyền trao giáo pháp, giới nguyện, quán đỉnh, bằng những phương tiện an bình, phẫn nộ. Với tất cả những phương tiện thiện xảo, các Thầy giúp con tới giải thoát giác ngộ.
Bởi vậy, các bậc Thầy đã thị hiện ở khía cạnh phàm tình. Tất cả chư Phật phải hiển lộ trong những khía cạnh phàm tình, sử dụng các phương tiện trong đời sống phàm tình và thậm chí thị hiện sự lầm sai để giáo hóa chúng sinh. Các ngài không bị sân giận chi phối nhưng trong nhiều trường hợp phải thị hiện sự sân giận trong hình tướng bên ngoài, các ngài không bị tham ái chi phối nhưng trong nhiều trường hợp phải thị hiện sự tham ái, không bị vô minh chi phối nhưng phải thị hiện sư vô minh để giáo hóa chúng sinh. Chỉ thông qua phương thức đó mới giúp người đệ tử có tri kiến đúng đắn. Nếu không họ không thể có được tri kiến thanh tịnh, chỉ như vậy mới hướng đạo người đệ tử tới giác ngộ, tự do khỏi bể khổ luân hồi và đưa họ tới sự giác ngộ tối thượng. Các bậc Thầy thị hiện như vậy là để giúp người đệ tử, không phải vì lợi ích của các ngài.
Con hãy tư duy về phương pháp thực hành đặc biệt này. Cảm ơn con rất nhiều. Thầy mong nguyện sớm gặp lại con. Hãy sống một đời sống với thật nhiều trái tim nồng ấm và Bồ đề tâm. Sống một đời sống lợi lạc cho tha nhân.
Thầy gửi tới con những lời cầu nguyện chân thành.
Ảnh sưu tầm
Bức thư thứ hai: Rèn luyện tâm chí thành đối với bậc Thầy trong Mật thừa
Louise trân quý,
Thầy cảm ơn con rất nhiều bởi lá thư đầy lòng tôn kính. Thầy mong con sẽ nhập thất thiền tu Kim cương tát đỏa tịnh hóa nghiệp chướng (Vajrasattva) trong ba tháng hoặc dài hơn trong khả năng của con cho đến năm tới.Tịnh hóa những nghiệp xấu vô cùng quan trọng đối với con. Nếu không thực hành tịnh hóa liên tục và mạnh mẽ, con sẽ có rất nhiều xung đột trong dòng tâm và sẽ không thể hiểu mục đích của các pháp thực hành khác nhau trong Phật giáo. Điều đó tạo ra các suy đoán và niệm tưởng tiêu cực, và tiếp đến sẽ tạo ra nghiệp bất thiện che chướng dòng tâm của con rất nhiều lần nữa. Điều này làm cho con rất khó thấu hiểu Phật Pháp, không chỉ ở phương diện triết học, nhưng ngay cả giáo pháp căn bản.
Nếu có thể, hãy cố gắng lễ lạy ít nhất 100 lễ mỗi ngày bằng tán tụng hồng danh ba mươi lăm vị Phật, giống như con từng thực hành trong mỗi khóa tu. Trong thời gian buổi tối, hãy thực hành Kim cương Tát đỏa tịnh hóa ác nghiệp. Hãy trì tụng ít nhất một tràng nếu con có thể, điều này rất lợi lạc.
Con đã không nghiên cứu giáo pháp căn bản một cách cặn kẽ, đặc biệt là phần tâm chí thành lên bậc Thầy trong Mật thừa.
Câu trả lời ở đây là: hãy hoan hỷ đọc kỹ các bản kinh văn như Giải thoát trong lòng bàn tay từ đầu tới cuối. Đừng đọc quá nhanh, và nghĩ rằng pháp vị cam lồ sẽ xuất hiện ở một nơi nào đó khác. Theo quan kiến Phật giáo, mỗi lời của Đức Phật thậm chí mỗi một từ đơn lẻ cũng đều hàm chứa pháp vị giải thoát. Pháp vị giải thoát phía sau lý nghĩa mỗi ngôn từ, và lý nghĩa tối thượng là sự giác ngộ.
Nếu con nỗ lực làm những gì thầy đã khuyên ở đây, sẽ rất hữu ích.
Trong những cõi tịnh độ, tất nhiên chỉ có chư Phật, Bồ tát và những ai đã tích lũy đầy đủ công đức rộng lớn; những ai có nghiệp thanh tịnh tạo đủ nhân để được tái sinh nơi đó. Bởi vậy sẽ không có chướng ngại gì khi các ngài hóa thân trở lại trong cõi tịnh độ. Còn đối với phàm tâm như hiện nay của chúng ta thì không thể tới cõi tịnh độ, nhưng tất nhiên nếu chúng ta đang ở trong cõi tịnh độ thì dòng tâm thức của chúng ta sẽ không ở trạng thái như thế này. Nơi đó chỉ có những ai có dòng tâm thanh tịnh.
Cho nên quan trọng nhất đối với một người phật tử như con là hãy tịnh hóa liên tục và mãnh liệt. Hãy nỗ lực thực hành như vậy. Nếu không, con sẽ liên tục gặp phải những chướng ngại trong việc nuôi dưỡng tâm chí thành tới bậc Thầy.
Trong những luận giải về tâm chí thành lên bậc Thầy có đề cập đến tám lợi lạc khi thực hành đúng và tám thiếu sót hay lầm sai đến từ việc không tôn kính các Thầy. Tất nhiên nếu một ai không có bậc Thầy hướng đạo thì họ sẽ chẳng nhận được lợi lạc gì.
Gốc rễ của tâm chí thành tới bậc Thầy là hãy nhớ nghĩ tới lòng từ của các ngài. Khi ấy chúng ta khởi phát lòng tôn kính lên bậc Thầy. Thầy là nguồn cội của toàn bộ hành trình tới giải thoát giác ngộ. Phải có sự hướng đạo từ bậc Thầy, thì người thực hành mới biết được con đường tới giải thoát khỏi những đau khổ luân hồi tiến tới bến bờ giải thoát. Đây là lý do tại sao sự hiểu biết và thực hành tâm chí thành tới bậc Thầy trong Mật thừa rất quan trọng. Chúng ta cần phải suy xét kỹ càng. Chúng ta phải thực sự cẩn trọng và đặt rất nhiều nỗ lực cố gắng để thấu hiểu.
Về cơ bản, chúng ta ai cũng mong muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Chúng ta muốn sự an lạc và chấm dứt hoàn toàn mọi phiền não và nghiệp tiêu cực, và hoàn thành tất cả những phẩm chất của sự chứng ngộ.
Ảnh sưu tầm
Mục tiêu chính của sự thực hành là:
1. Nhằm mang lại lợi lạc cho tha nhân;
2. Để giải thoát vô số chúng sinh khỏi bể khổ luân hồi;
3. Để mang lại cho vô số chúng sinh không chỉ trạng thái hạnh phúc tạm thời, mà còn đưa họ đến trạng thái Toàn giác.
Có bốn lý do chính cho sự thực hành tâm chí thành tới bậc Thầy trong Mật thừa. Điểm chính yếu trong đó là coi bậc Thầy là một vị Phật. Ta sẽ để điều này cho con tự suy xét bản thân và tư duy kỹ càng qua nhiều bản kinh văn.Ta sẽ chỉ luận giải sơ lược bốn lý do chính như sau:
Thứ nhất, vạn pháp không có gì là vững bền trong quan điểm của chúng ta. Trong dòng tâm của phàm tình chúng sinh, chúng ta có quá nhiều ảo tưởng, quá nhiều thứ lớp ảo giác cùng rất nhiều lầm sai nặng nề. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn thấy mọi người và chúng sinh quanh ta cũng có ảo tưởng, luôn xấu xa, phạm phải lầm sai và trải nghiệm khổ đau. Nhưng quan kiến đó không phải là luôn luôn đúng.
Tu sĩ Lekpa Karma từng phục sự Đức Phật trong 22 năm, nhưng ông luôn coi Đức Phật chỉ là một người nói dối. Ông có niềm tin nhiều hơn nơi một số bậc thầy Hindu và không có niềm tin nơi Đức Phật, bậc đã chứng đạt Chính đẳng, Chính giác, Toàn thiện, Toàn giác, thành tựu tất cả những năng lực giải thoát và giác ngộ từ nhiều kiếp trước.
Cũng giống như ví dụ này. Ở phương diện các bậc Thầy đã đắc Pháp nhưng từ phía các đệ tử, họ lại không thể coi bậc Thầy là hiện thân công hạnh của các vị Phật. Tại sao? Bởi vì họ đã chưa tịnh hóa tri kiến lầm sai và chưa được rèn luyện kỹ càng về tâm chí thành tới bậc Thầy. Thầy chỉ nhắc điều này một cách sơ lược, con phải tự mình suy xét, quán chiếu xem.
Thứ hai, ngày nay tất cả chư Phật và Bồ tát đều không ngừng nỗ lực làm việc cho chúng sinh và cho chính mỗi người chúng ta.
Thứ ba, các bậc Thầy là những bậc làm của tất cả công hạnh của chư Phật. Hãy tư duy kỹ càng về điều này. Dòng tâm của chúng ta có rất nhiều che chướng, chúng ta có rất nhiều tri kiến sai lầm, do đó chúng ta không thể thấy các bậc Thầy có những năng lực của một vị Phật. Đây là lý do tại sao các bậc Thầy không thể hướng đạo cho chúng ta trực tiếp được. Chúng ta chỉ coi các ngài trong hình tướng phàm nhân.
Trên thực tế, các bậc Thầy không ngừng hướng đạo chúng ta, ban giáo pháp, quán đỉnh, ba cấp độ giới nguyện, khẩu truyền,... nhưng tất cả những gì chúng ta thấy trực tiếp là hình tướng của phàm nhân. Mặc dù các bậc Thầy đang thực hiện tất cả những công hạnh giúp giải phóng tâm chúng ta, đưa chúng ta khỏi biển khổ luân hồi đến bến bờ giải thoát nhưng chúng ta lại chỉ coi các bậc Thầy là phàm nhân với rất nhiều lầm sai, khổ đau.
Vì vậy, bởi tri kiến sai lầm như vậy do nghiệp lực, chúng ta không nhận được sự hướng đạo và không thể thụ nhận giáo pháp cũng như những giới nguyện. Chúng ta hoàn toàn bị bị lạc lối. Giống hệt như khi ta đang gặp nguy hiểm trong một khu rừng vào ban đêm, với cọp và sư tử xung quanh, và chúng ta ở đó mà không có chút ánh sáng nào. Hay chúng ta giống như một đứa trẻ bị bỏ rơi trong một sa mạc nóng bỏng hoang vắng. Bởi vậy, bậc Thầy là thực hiện hành mọi công hạnh của chư Phật, và đó là lý do tại sao chúng ta nói các Thầy là một vị Phật.
Và thứ tư, sau cùng xin hoan hỷ đọc kỹ phần này trong bản kinh văn lam-rim - đức Phật Kim Cương Trì đã dạy rằng bậc Thầy chính là một vị Phật.
Bên cạnh những điều Thầy đã nhắc tới ở đây, có những lý do sâu xa và thâm diệu hơn nhiều. Với sự tịnh hóa mãnh liệt và rèn luyện tâm chí thành hướng tới bậc Thầy, chúng ta có thể thấy bậc Thầy chính là một vị Phật. Không chỉ có vậy, tất cả những sự chứng ngộ trong mức độ nhỏ, trung bình và vĩ đại đều có thể thành tựu.
Đây là một chút chia sẻ của Thầy tới con từ Trung tâm Đại thừa Tushita ở Dharamsala, trong căn phòng phía dưới chính điện, nơi mà có rất nhiều chú khỉ đến và chơi đùa, nghịch nước. Hahaha!
Hãy ân hưởng đời sống của mình nhé. Con phải thực sự thấu hiểu rằng Phật giáo rất lô gic. Khi biết suy tư kỹ càng về những lời dạy của đức Phật, con sẽ thể nhập pháp sâu sắc hơn rất nhiều.
Vì vậy, hãy ân hưởng đời sống quý giá mà chúng ta đang có trong cuộc đời này.
Thầy gửi tới con những lời cầu nguyện chân thành!
Ảnh sưu tầm
Bức thư thứ ba: Pháp Guru Yoga – Pháp Du già kết nối thân-khẩu-ý bậc Thầy
Rinpoche đã ban cho pháp hành thiền về tâm chí thành tới bậc Thầy
Các thứ lớp thiền quán bao gồm: khai phát niềm tín tâm, nhớ nghĩ tới lòng từ, thỉnh cầu và làm hoan hỷ bậc Thầy.
Thầy là đấng Thiện thệ trong mười phương, ba đời,
Trong hình tướng [một tu sĩ đắp y vàng],
Thầy đã lợi lạc chúng sinh trong tam giới qua những công hạnh của một vị Phật.(1)
[Hãy quán tưởng bậc Thầy] đang làm lợi lạc cho vô số chúng sinh, trong đó có bản thân người đệ tử, bằng ban quy y, truyền trao giới nguyện, luận giảng Kinh văn, truyền trao quán đỉnh và khẩu truyền. Đây là những công hạnh của một vị Phật, giúp cho con có thể đạt tới giải thoát giác ngộ. Để chứng đạt giải thoát giác ngộ, con cũng cần thực hành những công hạnh này và chính bậc Thầy đã ban cho con. Bởi vì phàm tâm, con không thể thấy được Phật trong hình tướng thanh tịnh, đức Phật đã thị hiện trong những hình tướng phàm và thực hiện những công hạnh này để đưa con tới bến bờ giải thoát.
Theo quan kiến của phàm tình chúng sinh, những người chưa khai mở được dòng tâm thanh tịnh, thì các bậc Thầy đã hiển thị trong hình tướng phàm tình.(2) Trong nhiều Mật pháp (Tantra) có những lời dạy như sau: Ta với hồng danh là Kim cương tát đỏa (Vajrasattva) sẽ thị hiện trong hình tướng phàm tình để lợi chúng sinh. Chính đức Phật Kim Cương Trì đã dạy rằng ngài sẽ hiển thị trong những hình tướng phàm và hướng đạo cho chúng sinh. Không chỉ có vậy, nhiều các bậc Thầy thị hiện các nghịch hạnh khác nhau để hướng đạo cho những đệ tử, thông qua các phương diện phẫn nộ và an bình, khai thị và sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo giúp người đệ tử.
Cùng với đức Phật Kim Cương Trì, có vô số chư Phật khác như: bộ Phật Kim Cương Trì, bộ Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairochana) thân kim cương, bộ Phật A Di Đà khẩu kim cương, bộ Phật A Xúc Bệ (Akshobhya) tâm kim cương và hàng trăm ngàn bộ Phật khác nhau. Chúng ta không có nghiệp thanh tịnh để thấy được những bộ Phật như vậy nên các ngài không thể hướng đạo cho chúng ta một cách trực tiếp. Chỉ có bậc Thầy trong hình tướng con người có thể hướng đạo trực tiếp cho con, bởi vậy việc làm của các Thầy chính là hiện thân công hạnh của tất thảy chư Phật. Đó là lý do nhiều kinh văn mới nhấn mạnh, những bậc Thầy còn quan trọng hơn tất thảy chư Phật. Các thầy quan trọng hơn bởi các Thầy trực tiếp đưa lời Phật tới cho những chúng sinh si mê, thiếu công đức như chúng ta.
Tổ Padampa Sangye từng nhấn mạnh phương diện này như sau: "Nếu có tri kiến coi bậc Thầy tôn quý hơn Phật, khi ấy con sẽ đạt được giác ngộ trong đời này.” Ở phương diện công hạnh, các bậc Thầy đã đắc Pháp và chư Phật đều như nhau, nhưng bởi vì các bậc Thầy đã rất từ bi hiển thị ở phương diện phàm tình, bởi vậy các Thầy đã hướng đạo một cách trực tiếp và những người đệ tử như các con mới có thể nhận được sự hướng đạo một cách trực tiếp.
Con thỉnh cầu Thầy, bậc tôn quý
Thầy thành tựu tất thảy những đức hạnh cao quý,
Nương tâm chí thành tới Thầy,
Giúp con từ bỏ được Bát phong trói ràng
Xin hãy gia trì con thực hành và thành tựu thông qua hạnh làm Thầy hoan hỷ.(3)
Làm các bậc Thầy hoan hỷ là thực hành quan trọng nhất giúp thành tựu mọi tâm nguyện. Đây là pháp thực hành quan trọng nhất để đạt được sự giác ngộ trong đời. Tại sao lại quan trọng như vậy? Tại sao làm các bậc Thầy hoan hỷ lại được coi trọng đến vậy? Bởi vì làm hoan hỷ bậc Thầy giúp tịnh hóa những ác nghiệp một cách mạnh mẽ nhất. Ngay cả khi những lỗi lầm đã phạm trong quá khứ, như phá bỏ giới nguyện samaya thì làm hoan hỷ bậc Thầy là cách tốt nhất và nhanh chóng nhất tịnh hóa tội nghiệp.
Tất cả ác nghiệp sẽ được tịnh hóa hoàn toàn. Đó cũng là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để tích lũy những công đức rộng lớn. Vì vậy, đây là pháp thực hành căn bản để thụ nhận được sự ban phước của bậc Thầy, cách nhanh nhất để đạt được giác ngộ, và cách nhanh nhất để mang lại sự giải thoát và giác ngộ cho tất thảy chúng sinh.
Sẽ vô cùng lợi lạc nếu hành giả thực hành Mật pháp Du già GuruYoga với sáu đề mục thiền quán như trên.
Ghi chú:
1.Trong bản dịch của GS Alex Berzin, câu kệ này như sau: "Con xin cúi mình thỉnh cầu Thầy tôn quý. Thầy là hiện thân chư Phật ba đời mười phương, đã giáo hóa chúng sinh, thầy cũng thực hành những công hạnh của chư Phật trong vô số cõi trong hình tướng của một tu sĩ đắp y vàng.”
2.Đây là một luận giảng có câu kệ thứ hai mà tôi không trực tiếp dịch. Bản dịch của Berzin như sau: "Con cúi mình thỉnh cầu Thầy tôn quý, hiện thân của Phật Kim cương trì, Thầy là ruộng phước điền cao quý hơn vô lượng chư Phật."
Bản dịch của Berzin cho câu thứ ba như sau: "Tất thảy những thành tựu thế và xuất thế đều nương nới tâm chí thành thanh tịnh lên Thầy, bậc Hộ trì của con, xin ban gia trì cho cho thành tựu pháp làm hoan hỷ bậc Thầy.”
La Sơn Phúc Cường dịch từ http://www.lamayeshe.com/advice/advice-guru-devotion