Trị tận gốc dạy thêm, học thêm tiêu cực: Ngăn chặn biến tướng

Trị tận gốc dạy thêm, học thêm tiêu cực: Ngăn chặn biến tướng
6 giờ trướcBài gốc
Lớp học tại một trung tâm bồi dưỡng văn hóa. Ảnh Minh họa
Để “thích nghi” với quy định mới của Bộ GD&ĐT, một số giáo viên đã tìm cách lách quy định bằng hình thức dạy “chéo cánh” khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Tràn lan vi phạm
Vừa qua, Hội phụ huynh của một trường trên địa bàn TP Nam Định (tỉnh Nam Định) gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trình bày những bức xúc liên quan biến tướng dạy thêm học thêm. Hội phụ huynh cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn TP Nam Định nói riêng và một số địa phương khác xuất hiện tình trạng giáo viên lách luật. Họ tư vấn, động viên và hướng dẫn học sinh ra học thêm tại các trung tâm bên ngoài rồi hoán đổi giáo viên dạy.
Cụ thể, Trường THPT Hoàng Văn Thụ, Trường THCS Phùng Chí Kiên (TP Nam Định) và một số trường khác trên địa bàn, các giáo viên ra trung tâm số 116 Hàn Thuyên, TP Nam Định, hoán đổi lớp cho nhau. Việc làm này khiến nhiều phụ huynh bức xúc và rất bất bình. Theo Hội phụ huynh, việc làm này vô tình tạo cho học sinh tính cách không trung thực, luồn lách và lươn lẹo. Do đó, Hội phụ huynh đề nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương thanh tra, chấn chỉnh tránh tình trạng lách luật. Họ mong Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có kế sách mới, tránh tình trạng dạy “chéo cánh” như hiện nay.
Sau khi nhận được đơn của phụ huynh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu ngành giáo dục Nam Định kiểm tra và báo cáo về Bộ. Thanh tra Sở GD&ĐT Nam Định sau khi nhận được đơn phản ánh đã chuyển đơn đến UBND TP Nam Định để xem xét, kiểm tra và xử lí (nếu có) theo quy định của pháp luật. Việc dạy “chéo cánh” đã được báo Tiền Phong dự báo ngay sau khi Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực. Không chỉ ở Nam Định, tại các trung tâm của Hà Nội được cấp phép, thực trạng này có diễn ra.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa nhận được phản ánh về việc giáo viên Trường THCS Văn Yên (quận Hà Đông) dạy thêm bên ngoài nhà trường đối với học sinh đang được dạy chính khóa. Thực tế, qua kiểm tra đột xuất tại một cơ sở dạy thêm cách trường khoảng 100m, lãnh đạo Trường THCS Văn Yên phát hiện một số giáo viên của trường đang trực tiếp dạy thêm chính học sinh của mình, vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo báo cáo, Trung tâm Giáo dục Văn Quán (nơi các giáo viên Trường THCS Văn Yên dạy thêm) đã đăng kí và được cấp phép hoạt động. 5 giáo viên Trường THCS Văn Yên, trong đó có 3 giáo viên đã ký hợp đồng làm việc với Trung tâm Giáo dục Văn Quán và báo cáo với nhà trường về việc tham gia dạy thêm tại trung tâm này. Ba giáo viên này dạy thêm ngoài trường với học sinh không phải học sinh lớp mình. Tuy nhiên, thời điểm kiểm tra, 3 giáo viên này dạy thêm ở địa điểm do Trung tâm Giáo dục Văn Quán điều động không đúng với địa chỉ đăng ký với trường. Trường hợp giáo viên Đ.T.M.H (chưa ký hợp đồng lao động với Trung tâm Giáo dục Văn Quán), tại thời điểm kiểm tra đang dạy nhóm học sinh lớp 7A8 là học sinh đang học trên lớp.
Tại TPHCM, việc dạy thêm không đúng quy định vẫn diễn ra len lỏi ở các trường học, trung tâm. Giữa tháng 3, UBND phường Bình Hưng Hòa A (Bình Tân) kiểm tra các trung tâm gia sư, cơ sở dạy thêm học thêm và cũng phát hiện nhiều vi phạm. Tại Trung tâm gia sư Ý Mỹ, tầng trệt có 2 phòng, trong đó tại phòng nhỏ có 13 học sinh của 3 trường tiểu học Bình Thuận, Phù Đổng và Lạc Hồng, hầu hết học tiếng Việt và Toán lớp 3. Ở phòng lớn hơn có 24 học sinh đang học Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh bậc tiểu học.
Hay tại Trung tâm gia sư Thiên Ngân, thời điểm kiểm tra có 18 em (hầu hết là học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng), không có cam kết giữa phụ huynh và cơ sở. Trung tâm không niêm yết học phí, thời khóa biểu, danh sách giáo viên theo Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT,… Quan trọng hơn, các trung tâm này đã vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT là không được dạy thêm các môn văn hóa đối với học sinh tiểu học.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, khi có quy định giáo viên dạy thêm ngoài trường phải đăng kí tại các trung tâm có giấy phép hoạt động, hàng loạt các trung tâm mọc lên. Trong số này, không ít những người đứng ra thành lập trung tâm là các nhà quản lí giáo dục, các nhà giáo đã về hưu.
Nguồn lợi quá lớn
Thực tế, nhiều giáo viên đã “khóc như mưa” khi Bộ GD&ĐT chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm. Thu nhập từ dạy thêm quá lớn, gấp nhiều lần lương chính thức được nhận trong nhà trường, khiến nhiều giáo viên tìm mọi cách lén lút dạy thêm, nhận tiền trái quy định.
TS. Nguyễn Tùng Lâm, nguyên Chủ tịch Hội Tâm lí Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, tinh thần của Thông tư 29 không chỉ cấm những biểu hiện dạy thêm sai quy định mà sâu xa hơn là giúp học sinh biết tự học. “Chúng ta nhồi nhét học sinh ngày dài đêm thâu, học sinh không thể rời xa được ông thầy thì rất nguy hiểm. Có thể vì học sinh không tự tin vào bản thân, giáo viên không tin vào năng lực của học trò, bố mẹ chưa tin vào con nên tìm cách kéo dài việc dạy thêm học thêm”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.
Ông cho hay, nguyên nhân khách quan là tình trạng thiếu trường, chất lượng không đồng đều giữa các trường ở thành phố lớn nên phụ huynh muốn con được học các trường tốp đầu, dẫn đến nở rộ học thêm dạy thêm. Nguồn lợi từ dạy thêm học thêm cũng là nguyên nhân khiến giáo viên khó dứt ra. Do đó, ông Lâm khẳng định, cần có chính sách hỗ trợ để giáo viên yên tâm với nghề. Thực tế, thu nhập của giáo viên so với các ngành nghề khác không thấp. Nhưng vẫn phải tạo ra được sức hút lớn để giáo viên có thể dám lìa bỏ những nguồn lợi khác.
Có thể thấy rằng, giáo viên không được dạy thêm còn sốt ruột hơn phụ huynh, học sinh. Chính vì vậy, họ bất chấp tất cả để được dạy thêm. Ai cũng thấy, dạy thêm học thêm là nhu cầu chính đáng của giáo viên, người học, nhưng khi nhu cầu đó bị biến tướng, làm biến chất nhà giáo thì thà cắt bỏ tận gốc.
NGHIÊM HUÊ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tri-tan-goc-day-them-hoc-them-tieu-cuc-ngan-chan-bien-tuong-post1739693.tpo